Thứ Năm, 24/05/2012 10:00

Khi chữ W quay trở lại

Nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm. Chính phủ đã lần đầu tiên thừa nhận như vậy khi báo cáo Quốc hội hôm 21/5. Và điều đó cũng có nghĩa rằng, nền kinh tế đã không thể phục hồi theo chữ V như kỳ vọng, mà thực chất là hình chữ W.

Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh ấy, liệu nền kinh tế có thể về đích kế hoạch năm hay không?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời, mặc dù cho tới thời điểm này, Quốc hội vẫn chưa tính đến chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và vẫn quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm nay. Năm ngoái, kinh tế Việt Nam đã không thể về đích kế hoạch, khi hai trong số những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng nhất (là lạm phát và tăng trưởng GDP) không thể đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,89%, còn lạm phát đã lên tới 18,13%. Kịch bản này, liệu có lặp lại trong năm nay?

Một điều dễ nhìn thấy, đó là mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay gần như đã chắc chắn đạt mục tiêu đề ra. 4 tháng đầu năm, lạm phát chỉ ở mức 2,6%, trong khi trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TP.HCM cũng chỉ nhích nhẹ (tương ứng mức tăng 0,16% và 0,06% so với tháng trước), báo hiệu tốc độ tăng CPI cả nước tiếp tục chậm lại đáng kể.

Đây là một dấu hiệu để đoán định rằng, lạm phát năm nay sẽ ở mức một con số. Tuy nhiên, đối trọng còn lại - mục tiêu tăng trưởng GDP- xem ra vẫn là dấu hỏi lớn. Chính phủ dường như đang đứng “giữa dòng”, giữa một bên là quyết tâm đạt mục tiêu đề ra và một bên là hiện thực khó khăn. Thực tế là, với tăng trưởng kinh tế trong quý I chỉ là 4%, trong khi dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, quý II, con số này nhiều khả năng chỉ dừng ở mức 4,5%, thì mục tiêu 6 - 6,5% là không dễ với tới. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cũng thừa nhận điều này.

Đã có những nhận định gần đây của các chuyên gia kinh tế, chẳng hạn TS. Võ Trí Thành, về chuyện kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Nhưng có thực là thế không, khi sản xuất công nghiệp trong tháng 4 chỉ nhích nhẹ so với tháng trước và trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục xuất siêu. Đáng chú ý là kỳ vọng về một mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn sau các động thái giảm lãi suất của ngân hàng chưa thành hiện thực, bởi tính đến ngày 20/4, dư nợ tín dụng giảm 1,35%; số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động chưa giảm.

Thậm chí, nếu nhìn cả ở một khía cạnh tích cực của nền kinh tế - là CPI giảm tốc mạnh - thì vẫn thấy điều đáng lo. Giá không tăng nổi vì sức mua yếu, do đó hàng tồn kho chất đống, khiến doanh nghiệp thiếu động lực để sản xuất. Và tất yếu, họ sẽ có những cái nhìn thiếu tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam vừa công bố cho thấy, 62% doanh nghiệp được hỏi đánh giá triển vọng kinh doanh của họ là “trung bình” hoặc tiêu cực.

Không phải lần đầu tiên, các dự báo của các chuyên gia kinh tế được đưa ra rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ chỉ khoảng 4,5- 5,5%. Một dự báo khác của Đơn vị Tình báo kinh tế EIU (Anh) vừa công bố cũng chỉ nhắc tới con số 5,6%. Nghĩa là, khả năng đạt mục tiêu đề ra là vô cùng khó khăn.

Còn nhớ, vào thời điểm 2009 - 2010, khi bàn về khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, các chuyên gia kinh tế đã nhắc tới các kịch bản hồi phục theo hình chữ V, chữ L, hay chữ W. Năm 2012, đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam khiến dư luận hứng khởi với một chữ V. Nhưng thực tế, có vẻ, diễn biến của nền kinh tế đang theo chiều hướng chữ W. Đáy thứ hai đã bắt đầu xuất hiện và điều đó cho thấy rằng, tiếp tục vượt dốc trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế bị hụt hơi là vô cùng khó khăn. Điều quan trọng hơn, là làm sao để nền kinh tế hồi phục một cách chắc chắn, chứ không phải lúc nào cũng ngay ngáy lo về những cái đáy tiếp theo. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc nền kinh tế là việc tất yếu phải làm và làm quyết liệt, rốt ráo ngay từ bây giờ.

Hà Nguyễn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   CPI tháng 5 cả nước tăng 0.18% (24/05/2012)

>   PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Vụ Vinalines - Giọt nước tràn ly (24/05/2012)

>   75% gói thầu mua sắm công là chỉ định (23/05/2012)

>   Nữ đại biểu: Sao bắt chúng tôi nghỉ hưu sớm thế? (23/05/2012)

>   WB: Thách thức của VN là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục niềm tin NĐT (23/05/2012)

>   Tạo niềm tin cho doanh nghiệp (23/05/2012)

>   Đổi cách điều hành giá điện, xăng (23/05/2012)

>   100% doanh nghiệp phá sản là DN nhỏ và siêu nhỏ (23/05/2012)

>   Mỏ than “ngoại” ở Uông Bí: Nếu vi phạm có thể rút giấy phép (23/05/2012)

>   Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Hỗ trợ đúng đối tượng và minh bạch (22/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật