75% gói thầu mua sắm công là chỉ định
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) cho hay chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây có tới 75% gói thầu mua sắm công là chỉ định.
Tại cuộc Hội thảo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra hôm 23-5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó cục trưởng Cục quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cho biết ba năm gần đây, 75% số lượng các gói thầu có nguồn gốc ngân sách, mua sắm Chính phủ là chỉ định thầu, với tổng giá trị chỉ định thầu chiếm 45% tổng số dự án.
Theo lời ông Trương, như vậy đấu thầu thì ít mà chỉ định thầu thì nhiều, tthậm chí là cơ chế “xin-cho“.
Luật đấu thầu ở Việt Nam hiện có cũng có những quy định cụ thể về các trường hợp đấu thầu hay chỉ định thầu.
Theo đó, chỉ được chỉ định thầu dưới 500 triệu đồng (đối với gói thầu dịch vụ tư vấn) , dưới 1 tỉ đồng (mua sắm hàng hóa, xây lắp thuộc dự án đầu tư phát triển) hoặc các gói thầu dự án cấp bách, trong trường hợp khẩn cấp...
Tuy nhiên, trong một số giai đoạn của nền kinh tế, ví dụ như năm 2009, vì lý do suy giảm kinh tế, Chính phủ có ban hành văn bản số 229 cho phép các địa phương được chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách, nhằm kích cầu đầu tư. Số lượng các dự án được chỉ định thầu trong giai đoạn này, từ cấp bách đến không cấp bách đã tăng lên đột biến. Nhiều gói thầu điều chỉnh tổng mức đầu tư rất lớn, với số tiền điều chỉnh lên đến hàng trăm tỉ đồng/dự án.
Nay Luật đấu thầu đang được sửa đổi với những nội dung phù hợp với các Hiệp định thương mại quốc tế và cải thiện môi trường đấu thầu trong nước. Ví dụ như khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP, ông Trương cho biết: các quốc gia đàm phán cho rằng quy định chỉ định thầu của Việt Nam quá rộng. Trong khi các quốc gia khác chỉ cho phép chỉ định thầu với mức độ rất hạn chế (là các dự án cấp bách, khẩn cấp).
Như vậy nếu không sửa Luật đấu thầu thì khi Việt Nam trở thành thành viên TPP trong tương lai, các quy định về chỉ định thầu của Việt Nam sẽ bị xem là không còn phù hợp, thậm chí vi phạm các điều ước quốc tế.
Lan Nhi
TBKTSG
|