Bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng: “Nhất thiết phải làm hằng năm”
Được trình Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã nêu định hướng và các giải pháp đổi mới tại 7 nội dung, từ hoạt động lập pháp, giám sát, tổ chức kỳ họp đến công tác bảo đảm…
Trao đổi với VnEconomy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng nhiều nội dung của đề án này không có gì là mới.
Riêng với “đổi mới” hoạt động giám sát, trong đó có bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ông Quyền nói, đây là một bước tiến cực kỳ tiến bộ của nền dân chủ đại nghị Việt Nam nhưng để làm được một cách thực chất e là rất khó.
Không có gì đổi mới
Thưa ông, là đại biểu Quốc hội tái cử, hẳn ông rất quan tâm đến đề án?
Đề án đổi mới đó không có gì đổi mới bởi tất cả những cái đó người ta làm từ xưa đến nay rồi, chỉ có điều mình chưa làm thì mình nói nó mới.
Bỏ phiếu tín nhiệm là nội dung được cử tri rất quan tâm, nhưng tại đề án trình Quốc hội đã không còn thông tin quy định bỏ phiếu hằng năm, công khai kết quả, hay hai lần không đạt tỷ lệ tín nhiệm thì bị bãi nhiệm?
Muốn thay đổi thì phải sửa luật còn nếu không thì vẫn là cũ. Bỏ phiếu tín nhiệm nằm trong Luật Hoạt động giám sát, không thay đổi làm sao thực hiện được. Với điều kiện hội đủ 20% ý kiến đại biểu nhưng trong một kỳ họp hay trong cả nhiệm kỳ thì vẫn chưa được quy định rõ.
Nhưng nếu phải sửa luật thì làm sao giao có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012 như đề án đã nêu?
Không được, không làm thế được. Đề án này kể cả trong trường hợp Quốc hội xem xét thông qua quy trình này thì cũng phải sửa luật thì mới thực hiện được.
Vấn đề này liên quan đến luật thì muốn đảm bảo tính pháp chế của một nhà nước pháp quyền mình phải tuân theo. Luật nó đang lù lù thế, lấy đề án bác luật sao được, ai cho phép làm thế.
Vậy theo quan điểm của ông, Quốc hội nên đổi mới gì nếu không đề cập đến những nội dung được đặt ra ở đề án?
Phải làm đúng tất cả các quy định của pháp luật, đừng làm sai đi rồi lại bảo thế là đổi mới. Hãy làm đúng tất cả những gì pháp luật đã quy định rồi, bởi vì mình chưa làm đúng, mình đã làm sai giờ cần nhận thức lại để làm đúng.
Nhưng đây là nội dung được dành khá nhiều thời gian tại kỳ họp này, sau khi trình còn thảo luận tại tổ, tại hội trường rồi ra nghị quyết nữa?
Thế nên sáng nay mới có đại biểu nói với tôi rằng mình đang làm một việc rất lãng phí. Điều này thì tôi đã nói ở cuộc họp trực tuyến là tôi không nhìn thấy điều gì đổi mới ở đây cả. Tất cả những việc này đã làm 20 năm nay. Có những cái liên quan đến Văn phòng Quốc hội, không liên quan gì đến luật như việc thành lập thư viện Quốc hội, việc nay sao phải đưa vào đề án đổi mới.
Phải có đủ thông tin
Vẫn liên quan đến định hướng đổi mới rất quan trọng là bỏ phiếu tín nhiệm, theo lời của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì việc này là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4?
Việc này phải đặt ra từ lâu rồi và kiến nghị để sửa điều luật đó cho thực tế, cụ thể hơn cũng được kiến nghị từ lâu rồi, từ thời ông Vũ Đức Khiển Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khóa 11 cũng kiến nghị lâu rồi nhưng mình không làm, cho đến nay mình vẫn chưa làm.
Quan điểm cá nhân của ông, làm thế nào để có thể làm được và làm thực chất?
Theo tôi thì bỏ phiếu hàng năm không cần hội đủ 20 hay bao nhiêu % đại biểu kiến nghị gì cả mà tỷ lệ đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường. Còn các bộ trưởng nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu hàng năm.
Vậy có nên đặt vấn đề nếu không đủ 50% phiếu tín nhiệm bộ trưởng nên từ chức?
Vấn đề là quy trình phải được xem xét chặt chẽ. Các đại biểu khi tiến hành bỏ phiếu phải đủ thông tin. Một thông tin sai lệch có thể làm phương hại đến một cá nhân nào đó, khiến một anh đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, phải được làm thì lại phải nghỉ bởi tất cả các vấn đề về nhân sự đều phải tiến hành một cách cực kỳ chặt chẽ và thận trọng, có đủ các quy trình. Nếu không sẽ loạn.
Với cơ chế cung cấp thông tin như hiện nay, có đủ thông tin để nhìn nhận về hoạt động của các thành viên Chính phủ?
Chưa đủ. Còn rất thiếu thông tin. Tại vì hàng năm các thành viên Chính phủ có báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội đâu.Chính phủ báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước Quốc hội nhưng các thành viên có phải báo cáo đâu, chẳng qua người ta sẵn có thông tin thông qua báo chí, qua đơn thư khiếu nại, qua chất vấn và trả lời chất vấn thôi chứ từng thành viên Chính phủ có báo cáo đâu, lấy đâu ra thông tin.
Tức là muốn bỏ phiếu được thì cần có cơ chế mới về cung cấp thông tin?
Cần một cơ chế mới về chế độ báo cáo. Cơ chế đấy hàng năm các thành viên Chính phủ phải có bản kiểm điểm của mình gửi cho tất cả đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết bỏ phiếu bất tín nhiệm một ai đó thì Quốc hội cần thảo luận còn không, coi như một báo cáo kiểm điểm cuối năm thì không cần thảo luận.
Theo dõi thông tin về Chính phủ mà Quốc mới bầu, phê chuẩn gần một năm nay, ông đánh giá thế nào?
Có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng với những thông tin các phương tiện thông tin đại chúng đăng, với những thông tin khiếu nại tố cáo đến nay thì thấy bộ máy vẫn còn bất cập, do nhiều nguyên nhân: do năng lực, do trách nhiệm…
Nhưng như tôi vẫn nói là chúng ta hiện vẫn đang thiếu một luật về công vụ, nền công vụ quốc gia trong đó xác định từng vị trí một thì trách nhiệm đến đâu. Một vụ Vinashin như vậy mà vẫn không được làm rõ, vẫn âm ỉ dư luận trong nhân dân, các lãnh đạo.
Hay vệ sinh an toàn thực phẩm chất vấn tại hội trường thì lúc tướng đổ cho đồng, đồng đổ cho tướng, đến nay trách nhiệm của các bộ vẫn lẫn lộn. Rõ ràng ta thiếu quy định về nền công vụ mà khi có sự việc thì trách nhiệm thuộc về ai phải xác định được rất rõ.
Chúng ta đang thiếu một cái gọi là nền công vụ quốc gia. Ví dụ, trong trường hợp ông bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng thì phạm vi ủy quyền đến đâu, trong trường hợp ủy quyền thế thì trách nhiệm của người được ủy quyền như nào, có văn bản nào xác định rõ đâu. Chỉ có vài văn bản hướng dẫn ở cấp rất thấp.
Tức là ta đang thiếu rất nhiều thứ làm cơ sở chắc chắn để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm?
Không phải là thiếu cơ sở, ta vẫn có thể làm được nhưng đã nói bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến nhân sự là vấn đề rất hệ trọng nên quy trình phải được tiến hành một cách chặt chẽ và quan trọng nhất là chúng ta phải đủ thông tin. Khi không đủ thông tin thì người cần phải bỏ phiếu tín nhiệm lại không bị, người không đáng thì lại bị bỏ phiếu.
Phải đủ thông tin để xem xét mà muốn đủ thông tin như vậy thì ta có rất nhiều việc phải làm. Nào là xây dựng quy trình, nào là cung cấp thông tin từ người được bỏ phiếu hàng năm, rồi đến chế độ công vụ, trách nhiệm của họ trong việc thực thi công vụ của mình.
Tất cả những văn bản đó phải đồng bộ còn nếu ta làm theo cách phong trào như kiểu kê khai tài sản theo kiểu phong trào để rồi thấy không ai có một tí tài sản nào thì đó chỉ là hình thức. Chúng ta muốn làm một cách thực chất thì phải chuẩn bị một cách chu đáo, ban hành một thể chế đồng bộ trên mọi lĩnh vực thì ta mới có cơ sở pháp lý để thực hiện được. Còn cứ nói phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm thì tôi e rất khó thực hiện.
Giờ đặt vấn đề như vậy và bắt tay thực hiện ngay thì theo ông có thể làm được từ kỳ họp Quốc hội cuối năm nay hay không?
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã là một chế định của luật hoạt động giám sát, cụ thể hóa Hiến pháp. Khi ban hành chế định này người ta coi rằng đó là một bước tiến cực kỳ tiến bộ của nền dân chủ đại nghị Việt Nam. Quy định bỏ phiếu tín nhiệm này với điều kiện hội đủ 20% là một cái vướng cần phải sửa mà sửa thế nào thì Quốc hội cần phải bàn.
Nguyên Thảo
tbktvn
|