Mỏ than "ngoại" khai thác vượt hạn mức
TS Nguyễn Thành Sơn, Trưởng ban dự án Than đồng bằng (TKV) đã nói như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên về dự án khai thác than 100% vốn đầu tư nước ngoài VMD tại Uông Bí, Quảng Ninh.
TS Thành Sơn cho biết, ông từng đến khai trường của VMD và thấy rất buồn vì phía Công ty than Uông Bí đã ký một hợp đồng (mà thực chất là bán mỏ) với quá nhiều điểm bất lợi.
Theo ông, VMD khai thác than tại Uông Bí sẽ tác động như thế nào đến việc bảo vệ tài nguyên của đất nước?
TS Nguyễn Thành Sơn: Trước hết, cần nói một chút về bối cảnh lịch sử: những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đó ngành than rất khó khăn, các mỏ không nâng được công suất, gặp rất nhiều điều vướng ở cơ chế. Các mỏ không có vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc nên công suất mỏ lớn cũng chỉ 300.000 - 500.000 tấn/năm. Ngành than cũng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra bởi Liên Xô tan rã, nhu cầu than giảm mạnh. Chính vì vậy, việc công ty của Indonesia ký hợp đồng với than Uông Bí cũng là một cuộc thử nghiệm, khi đó chúng ta hy vọng sẽ học được công nghệ khai mỏ hiện đại, đạt công suất cao, và họ sẽ bao tiêu đầu ra.
Lúc đó, tôi biết, nhiều người trong ngành than tính một bài toán hết sức đơn giản, Công ty than Uông Bí không làm gì cũng được hưởng 10% giá trị tổng sản lượng than sạch. Nhưng ta không tính đến việc tài nguyên quốc gia bị mất đi.
Những thiệt hại của hợp đồng này rất lớn. Thứ nhất, như trên tôi nói, đó là tài nguyên quốc gia bị mất. Đặt giả thiết VMD tuân thủ hạn mức 500.000 tấn/năm, thì trong 30 năm, chúng ta mất đi 15 triệu tấn than. Chỉ đến 2015 Việt Nam sẽ thiếu than, nếu có 15 triệu tấn than đó sẽ giúp lùi thời gian ta phải nhập than, giảm đi lượng than phải nhập với giá cao.
Hiện nay, giá than nhập từ Indonesia, tính thấp nhất là 100 USD/tấn, thì 15 triệu tấn sẽ là 1,5 tỉ USD. Than ở vùng Uông Thượng nơi VMD đang khai thác là loại than tốt nhất ở vùng Uông Bí, nên giá của nó còn cao hơn nhiều so với giá than đang nhập thử nghiệm từ Indonesia về.
Nhưng thiệt hại không chỉ là tiền, mà còn là tài nguyên. Bởi công ty này đang bị giới hạn bởi hạn mức 500.000 tấn/năm, nên họ sẽ chỉ chọn than đẹp, bỏ than xấu, hoặc có thể bán chui than tốt cho các đầu nậu khác qua việc đánh mập mờ than xấu là xít đổ ra bãi thải.
Thêm vào đó, hiện VMD khai thác than bằng phương pháp lộ thiên, sẽ chỉ đào được than đến mức -200, cùng lắm là -300 m. Trong khi theo khảo sát, vùng này có than ở độ sâu -500, -600 m, chính vì vậy, khi đã khai thác lộ thiên sẽ rất khó khai thác hầm lò. Sau này, khi VMD rút về, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất lớn để khai thác bằng phương pháp hầm lò, phải để lại lớp than dày 60-70 m làm tầng ngăn cách túi nước khổng lồ bên trên. Phần than “nạc” thì đã bị nước ngoài khai thác bằng công nghệ rẻ tiền, sẽ chỉ còn lại “khúc xương” khó nhằn (phải khai thác bằng công nghệ vừa đắt tiền, vừa nguy hiểm).
Vậy theo ông, qua vụ VMD chúng ta rút ra bài học gì?
Bài học thứ nhất là khi bán một mỏ khoáng sản (thuộc sở hữu toàn dân) chúng ta đã bị thiệt hại rất lớn nhưng không có ai chịu trách nhiệm.
Bài học thứ hai là đã sau 20 năm mà chúng ta chưa học thuộc bài học thứ nhất khi quy định các nguyên tắc, điều kiện, và thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản như vừa qua. Đấu giá quyền khai thác, thực chất là bán mỏ như trường hợp VMD và đấu thầu khai thác là hai việc hoàn toàn khác nhau (giống như “bán” khác với “mua”). Trường hợp VMD là chúng ta bán cái mà chúng ta đã biết rất rõ (mỏ đã được thăm dò, quy hoạch, thiết kế) mà vẫn bị “hố” nặng như vậy. Vừa qua chúng ta còn hợp thức hóa việc “đấu giá quyền khai thác khoáng sản” - bán cái mà chúng ta chưa biết rõ thì chẳng khác nào mang “sở hữu toàn dân” đi “biếu”.
Để thu được lợi ích tối đa từ nguồn tài nguyên, thì nhà nước cần “đấu thầu khai thác”. Doanh nghiệp nào có phương án khai thác tối ưu, ít tác động xấu đến môi trường nhất, nộp cho nhà nước cao nhất,... sẽ được quyền khai thác (kể cả những mỏ đang hoạt động).
Để tránh những thiệt hại tương tự như VMD, thì không nên “đấu giá quyền khai thác” những mỏ mà chúng ta không chủ động nắm giữ các thông tin về địa chất.
|
Khu vực tuyển than của Vietmindo |
Với trường hợp của VMD, bây giờ, chúng ta cần làm gì để lợi ích quốc gia bớt thiệt hại?
Theo tôi, cần bám chặt vào các quy định ràng buộc giữa hai bên, tuyệt đối không được tăng công suất mỏ hoặc tăng thời gian khai thác. Tôi được biết VMD đã nhiều lần xin tăng công suất, gia hạn thời gian khai thác, nhưng tôi cho rằng cơ quan chức năng tuyệt đối không được thỏa hiệp.
Hiện nay, VMD đã khai thác vượt hạn mức, thay vì chỉ được khai thác 500.000 tấn, họ đã khai thác 700.000 - 800.000 tấn/năm. Công ty than Uông Bí, Bộ Công thương cần phối hợp với ngành Hải quan để giám sát sản lượng than xuất khẩu của VMD, vì toàn bộ than của công ty này đều là xuất khẩu. Kể từ tấn thứ 500.001 tấn cũng không cho phép họ xuất khẩu, có như vậy mới bảo vệ được tài nguyên quý giá của đất nước.
Ngoài ra, còn rất nhiều biện pháp kỹ thuật có thể giám sát họ như việc cấp điện, cấp nước, việc thu phí vận tải… để chỉ khống chế sản lượng khai thác trong phạm vi 500.000 tấn/năm.
Một giải pháp khác là nhà nước cần tiếp tục tăng và áp dụng thuế xuất khẩu than lên mức hợp lý (tối thiểu là 30%).
Tỉnh Quảng Ninh phản đối việc tăng sản lượng
Hôm qua, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, cách đây vài tháng, Bộ Công thương có nhận được văn bản của Vietmindo đề xuất được tăng sản lượng khai thác. “Tuy nhiên, Bộ đã đề nghị công ty này phải xin ý kiến của chính quyền địa phương và các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch -Đầu tư trước khi Bộ Công thương có ý kiến. Việc Vietmindo hình thành là có những yếu tố thuộc bối cảnh lịch sử thời đó, vấn đề hiện nay là các cơ quan nhà nước sẽ phối hợp để quản lý thật tốt, để tài nguyên, lợi ích quốc gia được bảo vệ một cách tối đa”, vị lãnh đạo Bộ Công thương cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: "Tỉnh không đồng ý với đề xuất tăng công suất khai thác hoặc kéo dài thời gian khai thác của Vietmindo”.
Thanh Phong |
Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Nếu đối tác vi phạm thì có thể chấm dứt hợp đồng
Trong quá trình hợp tác thì Công ty than Uông Bí với vai trò đối tác phải có chính kiến, có quyết định. Việc họ nói không đủ thẩm quyền để can thiệp ngay cả khi đối tác vi phạm là điều vô lý. Liệu ở đây có uẩn khúc gì ở đằng sau, liệu có phải là những lợi ích nào đó khiến họ phải e ngại?
Về mặt nguyên tắc, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động tại VN thì phải tuân thủ các quy định pháp luật của nước sở tại. Trong trường hợp, có những điều khoản thỏa thuận không phù hợp thì phải đàm phán lại hoặc có thể đình chỉ, cắt hợp đồng nếu như đối tác vi phạm.
Thái Sơn (ghi) |
>> “Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất
Káp Long - Thái Sơn
thanh niên
|