Yêu cầu làm rõ những bất thường của nền kinh tế
Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần làm rõ những diễn biến bất thường của nền kinh tế hiện nay.
Kiến nghị trên được đưa ra trong báo cáo thẩm tra đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên khai mạc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, sáng 21/5.
Trong báo cáo của mình, Uỷ ban Kinh tế cho biết, đối với quản lý ngân sách, mặc dù áp dụng cắt giảm chi thường xuyên 10%, chi ngân sách năm 2011 vẫn vượt 13,8% so với dự toán và hơn 28,58% so với năm 2010 (so với 642,2 nghìn tỷ đồng), trong đó chi đầu tư phát triển đã tăng 27,5% so với dự toán, chủ yếu là tăng chi đầu tư do tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Trước thực tế đó, một số ý kiến đề nghị cần xem xét, báo cáo về chất lượng công tác lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, tính bền vững của các nguồn thu, vấn đề kỷ luật ngân sách. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục dành thêm một phần vượt thu để ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống mức thấp hơn.
Đặc biệt, một số ý kiến cũng kiến nghị cần có đánh giá toàn diện hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thuế, về mức độ, liều lượng, thời điểm áp dụng đã được thực hiện trong năm 2011; đồng thời đánh giá, phân tích nguyên nhân dư nợ tín dụng tăng khá thấp so với mức kế hoạch về định hướng chính sách, việc áp dụng chính sách lãi suất cho vay và nguyên nhân các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; hàng tồn kho tăng cao suy giảm năng lực tài chính của doanh nghiệp và gia tăng chiếm dụng vốn lẫn nhau.
Ngoài ra, một số khác cũng yêu cầu cơ quan thẩm quyền phải đánh giá, phân tích sâu, kỹ vì sao khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng thấp, cả năm chỉ đạt 5,53%. Đặc biệt GDP khu vực công nghiệp quý IV so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,08%, là mức rất thấp so với những năm trước đó.
Với tình hình có đến 53.792 doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 24,7% so với năm 2010 cho thấy những khó khăn đối với việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mới và gây áp lực gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Một số ý kiến khác đề nghị đánh giá thực chất số doanh nghiệp phá sản, giải thể ngừng hoạt động, nhất là những tác động tiêu cực đến đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu hút số lượng lao động trong năm 2011 và mức độ ảnh hưởng những năm tiếp theo.
Phát biểu trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, có nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cho rằng, mặc dù chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách và tình trạng tái nghèo có chiều hướng gia tăng.
Chi phí y tế tăng nên người dân vẫn phải chi trả khoảng 50% cho việc khám chữa bệnh; vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh gặp nhiều khó khăn, bệnh viện chuyên khoa ở Trung ương chỉ đạt 78%, cùng với việc cắt giảm đầu tư công đã dẫn tới đầu tư dở dang một số công trình bệnh viện, gây lãng phí.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện công (150 - 200%) vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội, một số dịch bệnh chưa được ngăn chặn triệt để... cũng cần phải được đánh giá, làm rõ và có giải pháp giải quyết hữu hiệu.
Bảo Anh
TBKTVN
|