Thứ Hai, 21/05/2012 08:51

Dự án sử dụng Vốn ngân sách: Không còn phải ăn đong

Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn được ban hành, sẽ không có chuyện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ phải “ăn đong” vốn như hiện nay.

Hơn thế, theo kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc thay đổi cơ bản cách phân giao kế hoạch, phân bổ nguồn lực theo kế hoạch trung hạn sẽ giúp chuyện phân bổ vốn minh bạch hơn và xóa bỏ dần cơ chế xin - cho, thay vì làm hàng năm như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng đồng vốn bị chia cắt, lại không biết công trình sẽ được bố trí vốn hàng năm ra sao.

“Làm kế hoạch trung hạn như vậy là phù hợp với thời gian hoàn thành một công trình và vì thế, biết nguồn lực đến đâu để sử dụng chủ động, linh hoạt và hiệu quả, góp phần đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và bày tỏ quan điểm rằng, đây cũng là cách để chống “bệnh” đầu tư dàn trải, lãng phí của đầu tư công thời gian qua.

Từng nhiều năm làm việc ở địa phương, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có lẽ rất thấu hiểu tình trạng không ít địa phương cứ “vô tư” ra các quyết định đầu tư, mặc dù không biết khả năng cân đối nguồn vốn ra sao, khiến đồng vốn đã hẹp lại bị chia nhỏ cho quá nhiều dự án. Điều này tất yếu dẫn tới hàng loạt dự án luôn trong tình trạng dở dang vì thiếu vốn, vừa chậm tiến độ, không hiệu quả, gây lãng phí.

“Nay phân bổ nguồn lực theo trung hạn, địa phương sẽ biết trong vòng 3-5 năm tới, họ chỉ có được chừng ấy tiền để biết cách phân bổ vốn cho những dự án quan trọng, cần thiết của địa phương. Tình trạng bố trí vốn một cách tùy tiện sẽ không còn, bởi đi kèm quyền chủ động, thì lãnh đạo địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trước các quyết định đầu tư của mình”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, theo Dự thảo lần thứ nhất Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thành, đó là kế hoạch đầu tư trung hạn nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại các chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm và các quy hoạch phát triển của quốc gia, của ngành, lĩnh vực và địa phương.

“Kế hoạch đầu tư trung hạn được lập phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, khả năng huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và cho biết, một nguyên tắc khác của việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn là phải bố trí vốn tập trung, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, các lĩnh vực, vùng lãnh thổ, các dự án lớn, quan trọng, có ý nghĩa quốc gia...

Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định, đó là để lập kế hoạch đầu tư trung hạn, dù là ở bộ, ngành Trung ương, hay ở địa phương, thì bên cạnh việc đảm bảo cân đối vốn, đều phải tổ chức tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, hoặc các tổ chức, cá nhân về các dự án dự kiến đầu tư trong trung hạn. Thậm chí, còn phải tham vấn ý kiến của người dân đối với các dự án khởi công mới.

Việc này, theo một thành viên ban soạn thảo Nghị định, là rất cần thiết, để không chỉ giúp địa phương chủ động lựa chọn dự án, bố trí vốn đúng trọng điểm, mà còn có sự giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án.

Như vậy, một trong những công việc then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc lập và triển khai các kế hoạch đầu tư trung hạn, đó là các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng được danh mục các dự án. Nhưng lựa chọn dự án nào? “Phải có tiêu chí cụ thể, dự án như thế nào, phục vụ cho cái gì, khả năng cân đối vốn ra sao thì mới được đưa vào chương trình đầu tư trung hạn, chứ không phải là tất cả các dự án. Đối với các dự án đa thành phần vốn, thì cũng cần phải chứng minh được các nguồn vốn còn lại sẽ được đảm bảo ra sao”, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã khẳng định, để tái tái cấu trúc đầu tư công, có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phải ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh ra những danh mục đầu tư “ba không” (không rõ mục đích, đầu tư để làm gì và cho ai; không cân đối được nguồn lực, gây chậm trễ việc đưa dự án, công trình vào sử dụng làm triệt tiêu hiệu quả; không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp, gây lãng phí lớn nguồn lực của dân). Do vậy, theo ông Giá, phải có các điều kiện và tiêu chí cụ thể, và cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không phù hợp.

Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn mới chỉ dự thảo lần đầu, nên chắc chắn sẽ được thảo luận, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục sửa đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến vào cuối quý III năm nay. Nếu như vậy, sẽ không kịp để chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn 2013 - 2015. Bởi thế, trong trường hợp này, nhiều khả năng, phải có một văn bản riêng về việc xây dựng kế hoạch đầu tư trong 3 năm trước mắt.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   TS Lê Đăng Doanh: Sai phạm ở tập đoàn gắn với lợi ích nhóm (21/05/2012)

>   Chính phủ chưa đánh giá sâu sắc “tình trạng suy giảm kinh tế” (20/05/2012)

>   EIU: Triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam khá tích cực (20/05/2012)

>   PVN hợp tác khai thác dầu khí tại Azerbaijan (19/05/2012)

>   “Chính phủ quần quật hơn cả nông dân” (19/05/2012)

>   Suy giảm kinh tế: doanh nghiệp phải tự cứu mình (19/05/2012)

>   Sai phạm tại Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng (19/05/2012)

>   ANZ Bank: Việt Nam trong tầm ngắm của những tập đoàn lớn (19/05/2012)

>   Hội chứng 'tiền hiệu lực' (19/05/2012)

>   Tạo không gian tài khóa cho tái cơ cấu kinh tế (18/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật