Thứ Bảy, 19/05/2012 10:05

ANZ Bank: Việt Nam trong tầm ngắm của những tập đoàn lớn

Ông Calvin Nguyễn, Giám đốc Quốc gia, khối Dịch vụ Tài chính Thương mại, Ngân hàng ANZ Việt Nam, cho biết: ngày càng nhiều doanh nghiệp New Zealand coi Việt Nam như một điểm đến đầy tiềm năng.

Ông Calvin Nguyễn, Giám đốc Quốc gia, khối Dịch vụ Tài chính Thương mại, Ngân hàng ANZ Việt Nam

- Được biết, Ngân hàng ANZ mới tổ chức cho đoàn 16 doanh nghiệp hàng đầu New Zealand sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông có thể cho biết, có bao nhiêu công ty New Zealand tham gia chuyến thăm Việt Nam lần này và họ đánh giá như thế nào về nền kinh tế Việt Nam?

Chuyến thăm khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam lần này do ANZ đứng ra tổ chức bao gồm 16 doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu thực phẩm và đồ uống; cừu và các sản phẩm từ sữa cừu; xuất nhập khẩu gỗ; sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm; giáo dục; công nghệ… Các doanh nghiệp New Zealand nhận định, cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, bởi họ có thể tận dụng các lợi thế về sự tăng trưởng kinh tế ổn định cũng như nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam.

- Vì sao một thị trường mới nổi như Việt Nam lại thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp New Zealand, thưa ông?

Do vị trí địa lý và thị trường nội địa khá nhỏ, chỉ có khoảng 4 triệu dân, New Zealand đang thực hiện chiến lược "hướng về châu Á", trong đó Việt Nam được xem là một thị trường mới nổi có rất nhiều cơ hội hợp tác. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, người lao động có tinh thần lạc quan và cầu tiến, thị trường tiêu thụ khá lớn. Đất nước của các bạn cũng có thế mạnh là ngành nông lâm nghiệp truyền thống có thể hỗ trợ rất tốt cho ngành công nghiệp chế biến sữa của New Zealand. Hơn thế, các ngành gỗ nội thất, nông sản, da giày và công nghiệp phụ trợ linh kiện điện tử cũng là thế mạnh của Việt Nam cho nên thị trường Việt Nam chắc chắn nằm trong tầm ngắm của những tập đoàn kinh tế lớn, thậm chí cả doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của New Zealand khi họ muốn bước ra khỏi thị trường nội địa.

- Ông đánh giá ra sao về tác động từ Hiệp định tự do thương mại (FTA) ASEAN - Úc và New Zealand đối với thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước này?

FTA ASEAN - Úc và New Zealand (ký kết năm 2010) có hiệu lực hơn hai năm đã góp phần tạo ra nhiều bước ngoặt trong việc phát triển thương mại giữa hai khu vực. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng được hưởng lợi rất nhiều từ hiệp định này. Theo Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, trong những năm gần đây, thương mại hai chiều Việt Nam - New Zealand đạt tốc độ tăng trưởng trung bình gần 30%/năm. Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - New Zealand đạt 475 triệu USD, tăng 48,6% so với năm 2009, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand đạt gần 123 triệu đô la. Trong lĩnh vực đầu tư, New Zealand hiện đứng thứ 42 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn về đầu ra, do các thị trường xuất khẩu chính như EU và Mỹ bị khó khăn nội tại, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Úc và New Zealand sẽ giúp các công ty xuất khẩu Việt Nam giải quyết được bài toán đầu ra.

- Chúng tôi được biết có những doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang New Zealand, nhưng thiếu thông tin thị trường. ANZ có thể hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

Cần phải nhấn mạnh, New Zealand là một thị trường mở, vì nếu chỉ dựa vào 4 triệu dân và hoạt động sản xuất nội địa, nền kinh tế New Zealand không thể phát triển tốt. Vì vậy, gần như chắc chắn các nhà xuất khẩu Việt Nam với hàng hóa đảm bảo chất lượng sẽ được chào đón trên thị trường New Zealand. Là một ngân hàng thương mại, ANZ sẵn lòng hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu và tìm kiếm đối tác, hoặc tiến hành các giao dịch thương mại. Những thông tin mà doanh nghiệp cần có sẽ được cung cấp tại chỗ bởi giám đốc quan hệ khách hàng tại địa phương. Trên thực tế, chúng tôi vẫn đều đặn nhận được các yêu cầu tìm kiếm bạn hàng, nhà cung cấp… cho cả các công ty xuất khẩu lẫn nhập khẩu, bởi đó là nhu cầu thiết yếu và thường xuyên của doanh nghiệp.

- Nhưng tình trạng thiếu vốn hiện nay cũng có thể làm nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam chùn bước…

Dưới góc độ của một ngân hàng thương mại, ANZ không cho rằng, việc thiếu vốn đã là một dấu hiệu tiêu cực. Cần phải xét theo điều kiện của từng ngành nghề cụ thể. Kinh nghiệm hợp tác với các khách hàng New Zealand của chúng tôi (họ hoàn toàn có thể là đối tác tương lai của nhà xuất khẩu Việt Nam) cho thấy, nếu các bên cùng hướng đến mục đích làm ăn lâu dài thì tất cả các bên đều có lợi. Chẳng hạn, nhà xuất khẩu được chiết khấu đơn giao hàng, mau chóng thu hồi và xoay vòng vốn, hạn chế tình trạng thiếu vốn. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp xuất khẩu có hoạt động tốt sẽ được cung cấp hạn mức tín dụng thư và tài trợ làm hàng đến 80% đơn giá bán. Như vậy, thiếu vốn không phải là một điều đáng lo ngại đối với những doanh nghiệp xuất khẩu tốt và muốn phát triển thị trường mới.

- Dường như hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản đối với các công ty châu Úc muốn đầu tư vào Việt Nam?

Đúng. Đáng tiếc là chúng ta phải nói đến những mặt trái của vấn đề. Tại thị trường mới như Việt Nam, nhà đầu tư châu Úc phải "học hỏi" mọi thứ. Đó là lý do vì sao trong chuyến đi khảo sát lần này, đoàn các nhà đầu tư New Zealand được sắp xếp tham dự các hội thảo chuyên đề do ANZ tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM. Các hội thảo này luôn bắt đầu bằng phần giới thiệu về "văn hóa doanh nhân Việt". Điều đó cho thấy, khi các doanh nghiệp hiểu "ngôn ngữ" của nhau, sẽ tạo ra nền tảng để bắt đầu tạo dựng lòng tin. ANZ đang cố gắng kết nối các nhà đầu tư châu Úc với các đối tác địa phương, Phòng Thương mại Úc - New Zealand, các công ty luật và tư vấn đầu tư.

Ngược lại, bản thân các nhà đầu tư cũng có những lo ngại nhất định. Lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức khá cao và có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư. Chúng tôi cố gắng cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn chính xác và thấu đáo về quy trình vận hành của các chỉ số kinh tế chính, hy vọng giúp doanh nghiệp tính toán và quản trị những rủi ro liên quan tại địa điểm đầu tư mới.

- Các công ty New Zealand có thể tìm đến ANZ nhờ tư vấn đầu tư tại Việt Nam không?

Những nhà đầu tư New Zealand muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam không chỉ có thể tiếp cận được vốn vay mà còn có thể được tư vấn giải pháp và cấu trúc đầu tư hợp lý, cũng như được giới thiệu thành lập các "liên minh" trong chuỗi cung ứng của ANZ tại Việt Nam. Việc này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian thành lập, cũng như tận dụng được các mối quan hệ đối tác của chúng tôi tại thị trường Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Thành Trung

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Hội chứng 'tiền hiệu lực' (19/05/2012)

>   Tạo không gian tài khóa cho tái cơ cấu kinh tế (18/05/2012)

>   Chính phủ lý giải nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó (18/05/2012)

>   Đúng thuốc, đúng liều (18/05/2012)

>   Quốc hội sẽ xem xét Đề án tái cơ cấu kinh tế (17/05/2012)

>   Thiếu thông tin nợ công khu vực DN nhà nước (17/05/2012)

>   TPHCM khởi công tuyến metro số 1 với tổng đầu tư hơn 2 tỷ USD (16/05/2012)

>   Hội nghị CG giữa kỳ họp tại Quảng Trị đầu tháng 6 (16/05/2012)

>   Tồn kho lo hơn lãi suất  (16/05/2012)

>   Dấu hỏi lạm phát (16/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật