Dấu hỏi lạm phát
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu các giải pháp này được áp dụng cùng lúc, liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát cả năm ở mức khoảng 9%?
Trước nỗi lo nền kinh tế có biểu hiện đình trệ, Ngân hàng Nhà nước đã áp trần cho vay 15%/năm đối với 4 lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã đề xuất cùng lúc 5 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, điều chỉnh chi tiêu công, gia hạn thuế giá trị gia tăng, lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ. Các giải pháp này sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2012 9.000 tỉ đồng, nhưng tạo ra hiệu ứng tới 29.000 tỉ đồng. Trong số này, Bộ Tài chính tính toán sẽ giúp tăng tổng cầu khoảng 13.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để dừng phát hành tín phiếu và đẩy nhanh phát hành trái phiếu trong kế hoạch được duyệt của năm 2012 để đưa vào các dự án đầu tư công.
Còn có một yếu tố khác có thể giúp tạo cầu cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đó là trong kỳ họp Thường vụ Quốc hội vừa rồi, nhiều ý kiến đã đồng tình với việc sử dụng khoảng 10.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 để đầu tư cho một số dự án.
Trong số những giải pháp vừa nêu, ngoài việc giảm lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai, các đề xuất khác còn phải chờ Chính phủ ra Nghị quyết và Quốc hội thông qua tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào ngày 21.5 tới. Nếu được phê duyệt thì cùng lúc sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai.
Các nhóm giải pháp này không phải là gói kích cầu, nhưng điều dễ thấy là chúng sẽ tạo ra một sức cầu không nhỏ cho nền kinh tế. Ngoài khoảng 13.000 tỉ đồng được đưa vào tổng cầu (theo tính toán của Bộ Tài chính), việc đẩy nhanh phân bổ vốn, triển khai các dự án xây dựng cơ bản (sử dụng 180.000 tỉ đồng từ ngân sách cho năm 2012) và huy động trái phiếu chính phủ (45.000 tỉ đồng trong năm 2012) sẽ là cửa thoát lớn cho nhiều loại hàng hóa tồn kho, đặc biệt là nhóm hàng cơ bản như vật liệu xây dựng.
Lượng tiền không nhỏ nói trên, một khi được bơm vào nền kinh tế, liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát cả năm ở mức 9%?
Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, thuộc Bộ Tài chính, cho rằng các giải pháp tài chính mà Bộ đưa ra sẽ không tác động nhiều đến lạm phát. Ông dẫn chứng, những tháng cuối năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, tổng cầu đang yếu, chi tiêu công mới đang trong quá trình triển khai, tiêu dùng của người dân chững lại. Do vậy nguy cơ lạm phát do cầu kéo chưa đáng ngại. Còn về nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy, mặc dù vừa qua giá một số nguyên liệu nhập khẩu có tăng, nhưng theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á hay Ngân hàng Thế giới, giá cả sẽ tăng thấp hơn so với năm 2011. Như vậy, cũng không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong nước.
Trong khi đó, với quan điểm thận trọng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nếu các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ không đi đúng đối tượng, lạm phát có thể quay trở lại. Ví như lúc này mà các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ đối với một số đối tượng có nợ xấu, nhất là lĩnh vực bất động sản, có thể họ lại được cứu, rồi lại đầu cơ theo kiểu cũ. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát.
Cũng liên quan đến bất động sản, trong các giải pháp của Bộ Tài chính có đề xuất gia hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 12 tháng đối với các dự án có khó khăn về tài chính. Điều này do cơ quan chức năng địa phương quyết định. Như vậy, các chủ đầu tư có cơ hội để giữ giá nhà đất, trong khi lẽ ra lúc này giá đã phải giảm giá sâu hơn.
Về việc tạo cầu thông qua đẩy nhanh các dự án đầu tư công, bà Phạm Chi Lan cho rằng nếu huy động trái phiếu chính phủ và ngân hàng là người bỏ tiền ra mua thì phần vốn dành cho doanh nghiệp vay sẽ bị giảm, khiến giá vốn bị đẩy lên cao. Chủ đầu tư các dự án trúng thầu lại đi vay ngân hàng, nghĩa là vốn vẫn bị hút vốn vào những dự án đầu tư công. Như vậy cũng sẽ là vòng luẩn quẩn của lạm phát.
Vậy ý kiến nào đúng? Khi nhìn tổng thể các nhóm giải pháp được đề xuất, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng đây không phải là gói kích cầu, mà là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. “Trong điều kiện hiện nay, khi lạm phát đang hạ nhiệt, tổng cầu giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm bị âm, sản xuất khó khăn thì các nhóm giải pháp này chưa phải chất xúc tác mạnh có thể khiến lạm phát quay trở lại”, ông nói.
Đã một tuần kể từ khi trần lãi suất cho vay 15%/năm được áp dụng nhưng các phương tiện truyền thông vẫn phản ánh các doanh nghiệp kêu ca là khó vay. Lãi suất hạ không có nghĩa là doanh nghiệp có thể vay được vốn, vì còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện xét duyệt. Nghĩa là chưa phải lo ngại có sự đột biến trong tăng trưởng tín dụng.
Với cái nhìn lạc quan, ông Thành tin rằng các chính sách sẽ phát huy tác dụng. Bởi lẽ, ngay trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp có dấu hiệu nhích lên; nhập siêu trong tháng cũng tăng lên. Mức tăng này chủ yếu là do tăng nhập khẩu nguyên nhiên liệu đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý mục tiêu lạm phát phải đạt dưới 10%. “Sau khi áp dụng chính sách được 3-4 tháng, cần nhìn lại kết quả đạt được, để từ đó xem xét điều chỉnh chính sách cho phù hợp”, ông nói.
Vũ Dũng
Nhịp cầu đầu tư
|