Thứ Tư, 16/05/2012 11:22

Nghị quyết 13: Kịp thời nhưng chưa thỏa mãn kỳ vọng

Ngày 10.5.2012, đúng như đã cam kết mấy ngày trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Về cơ bản, nội dung của đề án gồm 5 nhóm giải pháp trị giá 29.000 tỉ đồng do Bộ Tài chính trình Chính phủ đã được đưa vào nghị quyết. Như vậy là gói kích cầu có quy mô lớn tới 9 tỉ USD như năm 2009 mà một số người mong mỏi đã không trở thành hiện thực, ít nhất là cho đến hết quý II/2012 này, khi mà tình hình kinh tế vĩ mô sẽ được bộc lộ rõ hơn qua các con số tổng kết nửa đầu năm của Tổng cục Thống kê.

Ngay từ tên gọi, Nghị quyết 13/NQ-CP đã ghi rõ đây chỉ là “một số giải pháp” chứ không phải là gói kích cầu hay gói “cứu” DN nào cả. Cơ sở để có một số giải pháp đó là nhận định tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2012 và dự báo diễn biến cả năm.

Với nhận định đánh giá: (i) Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; (ii) sức mua của thị trường giảm; (iii) tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ, rõ ràng Chính phủ đã điểm trúng yếu huyệt của nền kinh tế là sản xuất kinh doanh đình đốn, tồn kho tăng cao và tổng tiêu dùng của nền kinh tế tăng rất chậm. Theo đó, cần có giải pháp hỗ trợ cả phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện ổn định vĩ mô chưa vững chắc và lạm phát cao vẫn rình rập.

Tuy nhiên, dường như do nhận định về tình hình quý I/2012 còn “màu hồng”, như nhận xét của một số đại biểu Quốc hội, chưa đánh giá đúng mức độ khó khăn của DN cũng như nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn đó và cho rằng khó khăn chỉ là tạm thời với đáy tăng trưởng sẽ rơi vào quý II/2012 trước khi cải thiện từ quý III/2012, nên những giải pháp nêu trong Nghị quyết 13/CP-NQ chỉ tập trung vào gia hạn một số loại thuế và khoản thu ngân sách.

Rõ ràng, thay vì gói kích cầu khổng lồ như năm 2009 với trọng tâm là tăng chi tiêu công thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, tăng chi đầu tư công... những giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh năm 2012 đã lường trước rủi ro lạm phát cao, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, khả năng lạm dụng chi tiêu công nên chuyển sang đặt trọng tâm vào giảm bớt gánh nặng thu ngân sách cho doanh nghiệp, tuy chủ yếu chỉ là lùi thời hạn mà thôi. Hơn nữa, Nghị quyết 13/NQ-CP cũng đã cụ thể hoá được sự phối hợp nhất định giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ nhằm một mục tiêu chung là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, những giải pháp nêu trong Nghị quyết 13/NQ-CP dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận các DN Việt Nam cả về cách thức, quy mô và mức độ hỗ trợ.

Để vượt qua khó khăn, hỗ trợ thị trường, hầu hết các DN Việt Nam đều mong muốn:

- Được miễn - giảm thuế gián thu (chẳng hạn giảm 50% thuế GTGT năm 2012) đủ để DN có điều kiện giảm giá bán, kích thích tiêu thụ, giảm tồn kho, bên cạnh những giải pháp nâng cao cầu có khả năng thanh toán cho người tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu thay vì chỉ gia hạn nộp thuế GTGT của quý II/2012, gia hạn thuế TNDN của năm 2011 và đề nghị giảm 30% của năm 2012... mở rộng hơn nữa đối tượng được miễn - giảm thuế GTGT, thuế TNDN năm 2012 thay vì chỉ cho đối tượng cho thuê nhà trọ, trông giữ trẻ hay cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Quy mô miễn - giảm thuế năm 2012 quá thấp so với quy mô gói miễn - giảm thuế trị giá 28.000 tỉ đồng của năm 2009.

- Được tính toán lại tiền sử dụng đất theo giá thị trường nhằm đảm bảo lợi ích cho DN, nhất là DN BĐS, góp phần giảm giá BĐS thay vì chỉ gia hạn 12 tháng đối với khoản thu này;

- Được tạo điều kiện tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý, thay vì chỉ kêu gọi hạ mặt bằng lãi suất, ưu tiên 4 lĩnh vực, cơ cấu lại nợ và tái cấu trúc NH, trong đó trọng tâm là giúp DN có điều kiện tiếp tục vay vốn NH để duy trì sản xuất kinh doanh thông qua chương trình cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản thế chấp và bảo lãnh tín dụng. Gói kích cầu năm 2009 có gói bảo lãnh tín dụng cho DNVVN trị giá 17.000 tỉ đồng nhưng chưa phát huy hiệu quả và cũng chưa được rút kinh nghiệm để có thể triển khai tốt trong năm 2012 và các năm tiếp theo.

- Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tăng chi tiêu công, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế là cần thiết, nhưng cần gắn với tái cấu trúc đầu tư công để tránh làm giảm hiệu quả đầu tư khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2012 đã lên đến 36,2% GDP - từ mức 34,6% GDP của năm 2011. Hơn nữa, tăng đầu tư và chi tiêu công không phải chỉ là để giải quyết lượng sắt thép, ximăng ế thừa hay văn phòng phẩm tồn kho, mà mục tiêu là “kích hoạt” hiệu quả đầu tư chung của cả nền kinh tế. 

Tóm lại, Nghị quyết 13/NQ-CP là nỗ lực cần thiết, nhạy bén và kịp thời của Chính phủ nhằm giúp các DN nói riêng, giúp nền kinh tế nói chung vượt qua những khó khăn thách thức trong năm 2012. Việc triển khai ngay và hiệu quả nội dung Nghị quyết 13/NQ-CP chắc chắn sẽ hỗ trợ cho nhiều DN Việt Nam khắc phục được những khó khăn trước mắt, tiếp tục tồn tại và chuẩn bị điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, các DN hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp mới, căn cơ hơn, bài bản hơn, có tính dài hạn hơn để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung khắc phục được đúng những điểm yếu cốt tử cũng như nguyên nhân của những điểm yếu đó, bước vào quỹ đạo phát triển mới cao hơn, ổn định hơn và bền vững hơn.

TS Vũ Đình Ánh

lao động

Các tin tức khác

>   Kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát (16/05/2012)

>   Khơi thông đầu ra cho sản phẩm (15/05/2012)

>   DNNN công bố giảm chi phí gần 13 ngàn tỉ đồng  (15/05/2012)

>   Xin “khất” báo cáo Thủ tướng về FDI vào bất động sản (15/05/2012)

>   Kinh tế Việt Nam: Đừng vội mừng với những con số! (15/05/2012)

>   “Chỉ áng chừng thì Quốc hội quyết làm gì?” (15/05/2012)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Gói 29.000 tỷ chỉ cứu được DN đang sống (15/05/2012)

>   Thống đốc NHNN: Dự kiến cuối năm lạm phát còn 8,5%, lãi suất còn 9-10% (15/05/2012)

>   Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp có thể “chết” trong năm 2012 (14/05/2012)

>   Tăng trưởng kinh tế quý 2/2012 được dự báo khoảng 4,5% (14/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật