DNNN công bố giảm chi phí gần 13 ngàn tỉ đồng
Bộ Tài chính ngày 15-5 cho biết, 83 tập đoàn, tổng công ty và 4 ngân hàng đăng ký tiết giảm chi phí với tổng số tiền gần 13 ngàn tỉ đồng tính đến này 9-5 vừa qua.
Cụ thể, theo bộ này, 83 tập đoàn, tổng công ty đăng ký tiết kiệm với tổng số gần 12.500 tỉ đồng, trong đó, tiết kiệm chi phí quản lý là hơn 3.000 tỉ đồng (gần 25%), tiết kiệm các yếu tố chi phí khác như nguyên nhiên vật liệu, năng lượng… là gần 9.400 tỉ đồng (hơn 75%).
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng cam kết tiết giảm chi phí trong năm 2012 là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV với tổng số tiền gần 736 tỉ đồng.
Động thái này của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nhằm hưởng ứng Công văn số 867 của Bộ Tài chính ban hành tháng 1 vừa qua. Công văn này yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện việc tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm.
Công văn này cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện đăng ký mức tiết giảm cụ thể với cơ quan chủ sở hữu (bộ quản lý ngành, UBND tỉnh), Bộ Tài chính trước ngày 31-3-2012.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, hạ lãi suất cho vay, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Để cổ vũ cho chương trình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã tham gia một số lễ tuyên bố cắt giảm chi tiêu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cho rằng động thái này là bước khởi động cho chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Tuy nhiên, chương trình này đã bị không ít chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nghi ngờ.
Giám đốc đào tạo, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ông Jonathan Pincus cho rằng những biện pháp mang tính hành chính như vậy không thể làm doanh nghiệp mạnh lên.
“Các doanh nghiệp tự mình phải quyết định cắt giảm chi tiêu dựa trên mong muốn trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường, chứ không phải do yêu cầu của Bộ trưởng Tài chính”, ông nói.
Theo ông Pincus, bằng cách tuyên bố cắt giảm như trên, các doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động như một đơn vị hành chính quan liêu, chứ không phải như một doanh nghiệp.
“Nếu họ buộc phải cạnh tranh, thì họ sẽ chủ động cắt giảm chi phí với mục tiêu tạo lợi nhuận, chứ không phải nhằm hưởng ứng các yêu cầu hành chính của một ông bộ trưởng,” ông Pincus nói.
Ông bổ sung thêm: “Đây là vấn đề rất trầm trọng của doanh nghiệp nhà nước”.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng từng bày tỏ nghi ngờ khi cho rằng sẽ không ai biết các tập đoàn này tính kế hoạch cắt giảm dựa trên cái gì, cắt khoản nào, mục nào, ở đâu và cắt bao nhiêu? Giả sử có bản hạch toán như thế đi chăng nữa thì cũng không biết trong các chi phí ấy, đâu thực sự là chi phí hợp lý.
Hiện tại Việt Nam có gần 100 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp này thường không được biết đến cho đến khi Kiểm toán Nhà nước, hay Thanh tra Chính phủ công bố các hồ sơ về họ.
Đã có nhiều đề nghị các doanh nghiệp khu vực này phải công khai kế hoạch kinh doanh như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, song chưa công ty nào trong số này làm như vậy.
Tư Hoàng
TBKTSG Online
|