DN và ngân hàng, làm sao để cùng hưởng lợi?
Ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất theo Nghị quyết 13? Việc cứu DN sẽ khả thi đến đâu và các ngân hàng sẽ hưởng lợi thế nào trong việc tiêu thụ vốn và giảm nguy cơ nợ xấu. Câu trả lời chỉ có được khi ngân hàng phải bớt tham, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, có thành ý hợp tác với đối tác là DN.
Chết vì tắc đầu ra
Nghị quyết 13 của Chính phủ ban hành vào ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, đã ra đời trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã phải rời bỏ thị trường, dẫn đến cảnh thất nghiệp tăng cao khắp các tỉnh thành.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới nhất, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã bày tỏ sự thất vọng về tất cả những hậu quả không đáng có về suy thoái kinh tế và nạn phá sản doanh nghiệp. Trong cách nhìn của ông, gói giải pháp 29.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra sẽ không giúp được nhiều cho doanh nghiệp, vì điều mà doanh nghiệp cần là phải có giải pháp tiêu thụ hàng tồn kho. Hiện thời, tỷ lệ tồn kho ở nhiều ngành đang lên đến mức trên báo động. Từ xi măng, sắt thép đến cả hàng tiêu dùng và thực phẩm, có những nơi tỷ lệ tồn kho lên đến 50%, thậm chí hơn thế.
Còn với giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nằm trong Nghị quyết 13, ông Bùi Kiến Thành nói thẳng đây là giải pháp chưa hợp lý. Bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn có lãi để nộp thuế? Doanh nghiệp đang giãy chết là bao nhiêu?
Những con số luôn được phát hiện ra quá trễ. Vào giữa năm 2011, khi con tàu sản xuất kinh doanh bắt đầu bị cơn bão siết tín dụng nhấn chìm, đã chẳng hề có một con số thống kê về tính hậu quả nào được nêu ra, dù từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Ngân hàng nhà nước. Trường hợp "giãy chết" hay "chết lâm sàng" mà những chuyên gia như ông Bùi Kiến Thành nêu ra chỉ là những từ ngữ mô phỏng cho một thực trạng đáng buồn.
Thực thế, chỉ đến cuối năm 2011, người ta mới thận trọng nói với nhau về con số khoảng 50.000 doanh nghiệp đã bị phá sản và giải thể, chiếm gần 1/10 tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Còn vào cuối quý 1/2012, khi không thể né tránh được bầu không khí bức xúc đã lên đến cao trào trong giới doanh nghiệp và dư luận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới dần thông báo mười mấy ngàn doanh nghiệp nữa phải giải thể.
Chờ đợi trong túng quẫn
Ông Bùi Kiến Thành đã từng kiến nghị, để giải cứu DN, Ngân hàng nhà nước có thể cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3-4%, để các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay lại với lãi suất 7-8%, chứ không cần phải dựa vào vốn huy động của ngân hàng thương mại với mức lãi suất 15% như hiện nay.
Nhưng thực tế, bất chấp tình cảnh khốn quẫn của rất nhiều doanh nghiệp đã hiển hiện từ cuối năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay của ngành ngân hàng vẫn cao vời vợi - trên 20%, cho dù lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước đã cho biết đã điều hành kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay về vùng 17-19%.
Trong thực tế, đã không có hề có một thống kê nào được Ngân hàng nhà nước công bố về kết quả giải ngân với lãi suất 17-19%, về bao nhiêu doanh nghiệp đã thực sự tiếp cận được mức lãi suất trên, những gói "cứu trợ" mà những ngân hàng như BIDV và một số ngân hàng lớn trong nhóm G 12 đưa ra từ tháng 9/2011 cho đến nay đã giải ngân được bao nhiêu cho doanh nghiệp...
Chỉ đến gần đây, một vài con số được công bố mới cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được "vốn vay giá rẻ" chỉ có chưa đầy 30%. Nhưng đó chỉ là một mặt khá mờ nhạt của hoạt động thống kê, trong khi con số về giá trị giải ngân lại vẫn khuất lấp trong một góc tối nào đó.
Con đường của luồng vốn đến với doanh nghiệp vẫn bị tắc nghẽn. Rất nhiều cuộc khảo sát bỏ túi của báo chí đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội và TP.HCM đã đủ để minh chứng một thực tế giả tạo đến nghiệt ngã là tại vùng lãi suất 17-19% vào quý 4/2011 và tại vùng 15-16% vào quý 1/2012, chỉ có một số ít doanh nghiệp thỏa mãn được các điều kiện của ngân hàng, trong khi lại có chuyện các ngân hàng thà cho nhau vay với mức lãi suất cực kỳ thấp 4-5% còn hơn là cho doanh nghiệp vay, với lý do sợ rủi ro không trả được nợ.
Chưa nói đến khối doanh nghiệp của những thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán và bất động sản, ngay cả những doanh nghiệp của nhóm ngành được ưu tiên khuyến khích như nông lâm hải sản, xuất khẩu cũng đã trở nên kiệt quệ sau một thời gian quá lâu chờ đợi và phải chịu cảnh "ruộng khô lúa cháy" như cách nói của ông Bùi Kiến Thành. Cho đến khi công suất hoạt động của các doanh nghiệp này bị tụt giảm một nửa và thậm chí đến hai phần ba, ai cũng hiểu là họ sẽ không còn quá tha thiết với vốn vay, trong khi khả năng đáp ứng điều kiện vay của họ cũng giảm sút nhiều so với nửa năm trước đây.
Lãi suất 15 vẫn khó giải phóng vốn
Nghịch lý đã xảy ra, trong khi tại các doanh nghiệp, hàng tồn kho chất cao như núi thì trong két sắt ngân hàng, tiền mặt lại ngồn ngộn mà không thể đẩy ra lưu thông. Cũng vì cái nghịch lý hai mươi năm mới thấy một lần như vậy mà khi Nghị quyết 13 hiện ra, người ta lại tự hỏi, việc này sẽ khả thi được bao nhiêu trong việc cứu giúp các doanh nghiệp, hay các ngân hàng sẽ được phần hơn trong tiêu thụ vốn và giảm nợ xấu.
Việc tiêu thụ vốn tồn của ngân hàng đang phản ánh luật nhân quả "gậy ông đập lưng ông". Sẽ là quá khó để giải phóng vốn tồn trong một nền kinh tế đang có nguy cơ giảm phát, sức mua giảm mạnh. Điều kiện tiên quyết cho một xác suất nhỏ nhoi còn lại để tiêu thụ vốn tồn chỉ là việc các ngân hàng phải thực tâm giảm đến mức tối thiểu lãi suất cho vay.
Không phải là mức 15% như quy định áp trần lãi suất cho vay của Ngân hàng nhà nước mà có thể lãi suất cho vay phải giảm về ít nhất 11-12%, tương ứng với mặt bằng lãi suất huy động dưới 10%. Điều này cần một lộ trình và tiêu chí giảm lãi suất cho vay hết sức cụ thể, hơn nữa ngân hàng cần biểu lộ sự cầu thị đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tình thế đã trở nên nguy ngập đối với không chỉ khối doanh nghiệp mà còn cả với ngành ngân hàng. Không bao lâu nữa, nếu dòng vốn xã hội không được khơi thông, hình ảnh "chết chùm" của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ứng nghiệm với một chuỗi ngân hàng, bắt đầu từ những ngân hàng thiếu thanh khoản và sau đó lan đến cả những ngân hàng đang ôm quá nhiều hàng tồn ứ nhất là bất động sản.
Đã đến nước này, ngân hàng không thể tiếp giữ lãi suất cao, tìm mọi cách bảo vệ lợi ích của mình để biến phần lớn doanh nghiệp từ đối tượng có thể vay vốn thành đối tượng không còn khả năng vay vốn. Chỉ có thế, nền kinh tế và đời sống người dân mới trở mình hồi phục phần nào và mới có thể tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước.
Dũng Hà
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|