Bình Định quyết tăng hạng về chỉ số CPI
So với năm 2010 thì kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) tỉnh Bình Định tụt 18 bậc, còn nếu so với năm 2009 thì tụt 31 bậc.
Xếp thứ 38 trên 63 tỉnh thành trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) đã làm cho các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Định giật mình trước sự “tụt dốc” quá nhanh chỉ trong vòng vài năm trở lại đây. Tỉnh Bình Định sẽ làm gì để cải thiện về chỉ số năng lực cạnh tranh?
So với năm 2010 thì kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Định tụt 18 bậc, còn nếu so với năm 2009 thì tụt 31 bậc. Nghĩa là sự tụt dốc của tỉnh Bình Định đang theo cấp số cộng. Hiện tại, trong số 11 tỉnh duyên hải miền Trung, Bình Định đứng thứ 9, chỉ trên Phú Yên và Nghệ An. Kết quả này đã gây nhiều bất ngờ cho cho các chuyên gia của Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
Chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Bình Định từ trước đến nay vẫn là một trong những địa phương tốt trong chất lượng điều hành, môi trường kinh doanh và đầu tư. Nhưng trong cuộc đua về cải thiện môi trường đầu tư, các địa phương có tốc độ cải thiện rất nhanh nên Bình Định không thể hài lòng với chính mình được.
Và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bình Định có những điều chưa hài lòng hay còn nhiều kỳ vọng vào sự quan tâm hơn vào bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương. Đây là những cái mà Bình Định cần quan tâm.
Qua phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Định năm 2011 cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm hơn nhiều so với năm 2010.
Trong 9 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Định năm 2011 có đến 5 chỉ số đều giảm là: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động và tiên phong, đào tạo lao động, tính minh bạch và chi phí không chính thức.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân sự tụt dốc “không phanh” này là do sự lơ là trong quản lý điều hành của các cấp chính quyền. Theo ông Lộc, muốn cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh các địa phương phải tự làm mới mình trong mắt nhà đầu tư.
“Biết rõ ưu, nhược điểm của mình để mà ứng xử thích hợp thì chỉ số CPI của Bình Định chắc chắn sẽ được cải thiện, tất nhiên việc trở lại nhóm tốp trên thì hơi khó nhưng phải có sự cải thiện. Thứ 2 là nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp đồng thời tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, minh bạch tiếp cận thông tin, thường xuyên tiếp xúc, kịp thời lắng nghe và giả quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư, không để vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài gây phiền hà cho doanh nghiệp” - Ông Lê Hữu Lộc cho biết./.
Xuân Nguyên
VOV
|