Doanh nghiệp chờ hiệu ứng chính sách
Sau một thời gian dài đặt gánh nặng kiềm chế lạm phát lên chính sách tiền tệ, giải pháp thức thời hiện nay được giới chuyên gia cho rằng phải nghiêng về chính sách tài khóa.
|
Chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác dụng làm giảm chỉ số lạm phát trong 2 tháng qua. |
Chính sách tiền tệ hiện nay phải cùng lúc gánh hai nhiệm vụ trái ngược nhau là vừa nỗ lực kiềm chế lạm phát vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.
Phối hợp chưa hiệu quả
Theo đó, chính sách tiền tệ vừa phải thắt chặt với hệ quả là lãi suất cao, lại vừa phải đủ lỏng để có thể có lãi suất thấp, phục vụ doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, chính sách tiền tệ đã có những cú “phanh gấp” làm nghẽn mạch máu của nền kinh tế. Đến nay, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sử dụng cùng lúc nhiều biện pháp hành chính, điển hình là trần lãi suất. Trong khi đó, chính sách tài khóa lại “nhàn” hơn do sự phối hợp giữa cặp đôi chính sách tiền tệ - tài khóa chưa hiệu quả.
Tại hội thảo “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) tổ chức mới đây ở Hà Nội, Chánh Văn phòng NHNN, ông Đào Minh Tú, đánh giá sự phối hợp của hai chính sách vĩ mô này vẫn chưa nhịp nhàng. Liều lượng và mức độ sử dụng các công cụ từng thời kỳ, từng giai đoạn chưa tạo ra sức mạnh kết hợp tổng thể. Chẳng hạn, lúc chính sách tiền tệ thắt quá chặt thì tài khóa lại mở quá rộng, có khi tín dụng mở rất nhanh nhưng tài chính lại mở chậm. Thiếu sự phối hợp của chính sách tài khóa thắt chặt, lãi suất khó giảm một cách có hiệu quả.
Đừng để doanh nghiệp không biết bấu víu vào đâu
Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp trở tay không kịp với những tình huống vừa mới giảm lãi suất thì giá xăng dầu đã tăng, hoặc vừa nới tín dụng thì những chính sách tài khóa chưa theo kịp để phát triển đầu tư. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự khập khiễng này giống như việc tự gây hỏa hoạn rồi đi chữa cháy, sau đó khoe thành tích.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền nhận định thời gian qua, một số bộ trưởng đã lên tiếng thanh minh cho các chính sách tài khóa, tiền tệ nhưng chưa ai đứng ra bênh vực doanh nghiệp, dù doanh nghiệp mới là cứu cánh cho nền kinh tế và họ đang “lăn ra chết”. Lúc này khi lâm trận, doanh nghiệp không biết bấu víu vào đâu. Doanh nghiệp “chết” vì thiếu vốn nhưng ngân hàng lại thừa tiền ôm trái phiếu ! “Bên cạnh miễn, giảm thuế, áp trần lãi suất cho vay, doanh nghiệp hy vọng còn có thêm một bước dấn nữa”- bà Hiền nói.
Hiện chính sách tiền tệ đã đến ngưỡng, khả năng giải cứu doanh nghiệp chủ yếu chuyển sang “vai” của chính sách tài khóa và dư địa của chính sách này về cơ bản vẫn còn khá rộng. Vì vậy cần áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt với vai trò là công cụ chính để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất. Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết kìm giữ tổng ngân sách, không để bội chi cao. Như vậy sẽ kiềm chế được lạm phát, đồng thời góp phần giảm bội chi ngân sách. Chính phủ không phải chịu nhiều áp lực phát hành trái phiếu để bù đắp bội chi, giảm sức nóng cho lãi suất. Khi đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng dần để giảm lãi suất một cách hiệu quả, giúp doanh nghiệp thoát khỏi cảnh sản xuất đình đốn.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng đang có khoảng trống trong nhận thức và trách nhiệm về sự phối hợp giữa hai chính sách này và cần có trách nhiệm rõ ràng chứ không thể đổ lỗi cho nhau. |
Hà Linh
Người lao động
|