Phân cấp triệt tiêu vùng kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng cơ chế phân cấp hiện nay đang trở nên không phù hợp. Bất cập của nó là phân cấp chưa đi liền với tăng cường năng lực cho một số địa bàn, thậm chí đang triệt tiêu yếu tố vùng của các địa phương có yếu tố tạo vùng.
Trong “Báo cáo rà soát, xóa bỏ những rào cản đối với nâng cao hiệu quả đầu tư” do Bộ KH-ĐT thực hiện cuối tháng 4 vừa qua, bộ này nhận thấy: “Cơ chế phân cấp hiện hành chưa tạo động lực để các tỉnh phát huy các thế mạnh kinh tế riêng có của địa phương” và đồng thời triệt tiêu yếu tố vùng của các địa phương có yếu tố tạo vùng.
Hiện tại, vùng kinh tế được phân chia chủ yếu căn cứ vào địa giới hành chính. Theo đó, cả nước có 7 vùng gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Việc điều hành hoạt động và quản lý vùng hiện đang được thực hiện bằng một số công cụ như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng; quy hoạch sử dụng đất trong vùng và các ban chỉ đạo vùng. Tuy nhiên, trong thực tiễn rất khó thực hiện những hoạt động phối hợp trong vùng để huy động, sử dụng các lợi thế chung của vùng hay sử dụng chung các tiện ích.
Do yếu tố tạo vùng chưa được xem trọng nên đã dẫn đến đầu tư không hiệu quả ở cả quy mô cấp vùng và cấp tỉnh.
Việc phân cấp cho chính quyền địa phương hiện nay dựa trên địa giới hành chính theo cấp tỉnh, huyện, xã đã khiến cho những địa bàn nằm ngoài yếu tố địa lý mặc nhiên được coi là không có quan hệ trong việc quy hoạch hay điều hành kinh tế của địa phương, chưa nói đến kinh tế vùng.
Điều này khiến cho các địa bàn kinh tế bị phụ thuộc vào địa giới hành chính chứ không dựa vào các yếu tố tạo vùng. Hệ quả là nó không tạo ra năng lực cạnh tranh cho các vùng kinh tế.
Trên thực tế, việc phân cấp các vấn đề có tính liên vùng, liên ngành như việc quyết định đầu tư sân bay, cảng biển cũng được giao về cho địa phương thực hiện riêng lẻ chính là rào cản đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư liên vùng.
Bộ KH-ĐT cho rằng, việc ra các quyết định đầu tư những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng nhiều khi chưa đi kèm với việc tuân thủ chiến lược tổng thể liên ngành, liên vùng nên đã tạo ra nhiều bất cập cũng như đòi hỏi quá mức về nguồn đầu tư, sự lãng phí về nguồn lực do không khai thác hết năng lực công trình.
Hệ quả của nó là tính liên ngành, liên vùng của các hạng mục đầu tư bị phá vỡ. Các khu kinh tế, những địa bàn trọng điểm có mức đầu tư và kết quả đầu tư thấp. 18 khu kinh tế trong cả nước chỉ thu hút được 20% đến 30% mức đầu tư mong muốn. Hơn 260 khu công nghiệp chỉ đạt mức phủ đầy 40% diện tích đất do tỉnh nào cũng có một số khu công nghiệp cạnh tranh với nhau.
Cũng theo Bộ KH-ĐT, yếu tố tạo vùng được hình thành cho có nhưng không được xem trọng dẫn đến hiệu quả đầu tư không khả thi cả cấp vùng lẫn cấp tỉnh. “Vấn đề đặt ra là cần xác định yếu tố tạo vùng cho các vùng hiện có”, báo cáo viết và bổ sung thêm rằng, với những yếu tố tạo vùng đó, đầu tư như thế nào để phát huy thế mạnh của vùng, hạn chế yếu điểm còn là một câu hỏi.
Quy hoạch nói chung đang trở thành một rào cản cho việc tăng cường hiệu quả đầu tư. Hiện đang có nhiều quy hoạch khác nhau, do nhiều cơ quan khác nhau lập, do nhiều cấp khác nhau phê duyệt. Song khi tập hợp tất cả các quy hoạch lại sẽ xuất hiện tính không đồng bộ của các quy hoạch, tính không phủ trùm (không bao trùm trên toàn bộ vùng cần quy hoạch), tính không ổn định (rất dễ bị thay đổi, điều chỉnh) và tính không khả thi (nhiều quy hoạch lập ra nhưng không sử dụng được trong thực tiễn) và dẫn đến kết quả là không thể chế tài.
(Nguồn: Bộ KH-ĐT) |
Ngọc Lan
TBKTSG Online
|