Chính phủ: Đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm CPI
Chính phủ cơ bản nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo đề nghị của các bộ, cơ quan; đồng thời thống nhất cần khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ về tiền tệ, tín dụng, tài chính, thị trường... nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI); ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; khẩn trương có biện pháp phân loại và cơ cấu lại nợ gắn với việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.
Đó là một trong các nội dung tại Nghị quyết 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012 vừa được Chính phủ ban hành hôm 9/5.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ khẳng định cần kiên trì các mục tiêu, nhiệm vụ đã được các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đề ra cho năm 2012; tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để kịp thời có biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp Chính phủ đề ra, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012.
Ưu tiên tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng; ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; khẩn trương có biện pháp phân loại và cơ cấu lại nợ gắn với việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng; có biện pháp bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch, giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện tiết kiệm chi, sử dụng phần tăng thu ưu tiên cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư phát triển, khuyến khích đầu tư xã hội. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp đồng bộ để thu hút mạnh nguồn vốn FDI, nhất là các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch từ các đối tác có tiềm năng; tìm nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong nửa đầu tháng 5/2012.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. |
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có thế mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tăng cường xúc tiến thương mại, tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường quốc tế để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.
Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn; phối hợp với Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc ký kết Thỏa thuận hợp tác đối tác (PCA) với EU.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giữ được đà tăng trưởng hiện nay; chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống lụt bão; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Hỗ trợ lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đặc biệt chú ý hỗ trợ lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng.
Bộ Y tế rà soát lại quy hoạch các bệnh viện vùng, đề xuất hướng sắp xếp lại các bệnh viện này một cách phù hợp, tránh đầu tư và bố trí một cách dàn trải, bất hợp lý dẫn đến lãng phí; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ đề án giảm tải các bệnh viện tuyến trên; phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai có hiệu quả việc phòng chống các loại dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý và kiểm soát chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình bệnh lao và đề xuất các biện pháp phòng, chống có hiệu quả nhằm giảm số người mắc bệnh lao trong thời gian tới.
Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, khiếu kiện đông người kéo dài; tăng cường đối thoại tại chỗ, giải quyết dứt điểm các vụ việc tại địa phương; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ bằng nhiều hình thức thích hợp.
Các cơ quan báo chí cần đề cao trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, đưa tin khách quan, trung thực tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ cơ bản nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo đề nghị của các bộ, cơ quan; đồng thời thống nhất cần khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ về tiền tệ, tín dụng, tài chính, thị trường, cải cách thủ tục hành chính... nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Hoàng Diên
chính phủ
|