Thứ Tư, 09/05/2012 08:53

Báo cáo FDI: Nhiều bộ và địa phương “lờ” chỉ thị của Thủ tướng?

Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài dường như không được một số bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc.

Ngày 19/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Tại chỉ thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Chỉ thị.

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đề nghị các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được phân công theo thời hạn được giao tại chỉ thị, đồng thời có báo cáo kết quả triển khai gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài) để theo dõi, tổng hợp.

Tuy nhiên, hết thời hạn báo cáo vào ngày 29/2/2012 vừa qua, kết quả thực hiện của một số bộ ngành và địa phương là rất hời hợt.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 48 địa phương gửi báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị số 1617/CT-TTg cho FIA.

Đáng nói hơn, một số báo cáo của các địa phương thậm chí có cả cấp bộ gửi về FIA làm khá sơ sài và mang tính chất đối phó, cá biệt có tới 15 địa phương trong đó có Tp.HCM chưa có báo cáo kết quả tình hình thực hiện.

Khôi hài hơn, tỉnh Hà Giang không những không báo cáo về tình tình thực hiện chỉ thị 1617, mà lại gửi báo cáo về… kế hoạch thực hiện nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.

Về phía các bộ, hiện mới chỉ có 7 bộ, ngành gửi báo cáo, gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bộ khác được yêu cầu gồm Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa gửi báo cáo và cũng không thấy có “động tĩnh” nào báo cáo lại tiến độ triển khai chỉ thị với FIA.

Ông Hồ Quốc Anh, cán bộ phụ trách vấn đề chính sách của FIA cho biết, mặc dù đã gửi công văn đôn đốc và thúc giục thực hiện chỉ thị tới các bộ, ngành và địa phương, song việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, cá biệt có một số bộ, ngành địa phương không có hồi âm hay thắc mắc gì gửi về FIA trong việc thực hiện triển khai báo cáo.

Tuy nhiên, FIA cũng ghi nhận một số báo cáo nghiêm túc và qua đó thể hiện được tình hình cụ thể về thu hút đầu tư nước ngoài tại một số địa phương, như trường hợp của UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Báo cáo của các tỉnh này đều có số liệu cụ thể về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và nêu rõ nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới theo đúng tinh thần chỉ thị của Thủ tướng.

Tại Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 20,39 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 6,8 tỷ USD. Trong số đó, có 1.722 dự án hiện đang triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 75% tổng số dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 18,96 triệu USD.

Cùng với đó, Hà Nội đã xác định rõ địa điểm và xác định Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2012, trong đó ưu tiên kêu gọi 1 dự án đâu tư trong lĩnh vực bệnh viện chất lượng cao; 1 dự án xây dựng trường đại học chất lượng cao…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 dự án FDI được cấp phép và còn hiệu lực với  tổng vốn đăng ký 3.784 triệu USD, trong đó khu kinh tế Dung Quất có 13 dự án với tổng vốn đăng ký 3.746 triệu USD; khu công nghiệp Quảng Ngãi có 2 dự án với tổng vốn đăng ký 19 triệu USD; các khu vực khác 5 dự án với tổng vốn đăng ký là 29 triệu USD.

Tuy nhiên, tình hình triển khai dự án FDI ở Quảng Ngãi trong thời gian qua còn khá chậm so với tiến độ đề ra, trong đó có dự án nhà máy thép Guanglian với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD chưa triển khai.

Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, tính đến hết quý 1/2012, Vĩnh Phúc thu hút được 119 dự án FDI đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 2.371 triệu USD, trong đó có 93/119 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Văn Trường

TBKTVN

Các tin tức khác

>   TP.HCM: gần 256.976 tỉ đồng cho 54 dự án đầu tư (09/05/2012)

>   Đầu tư công: Cắt giảm thôi chưa đủ! (09/05/2012)

>   Dựa trên chỉ số PMI, HSBC cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm (08/05/2012)

>   Vốn FDI vào TPHCM giảm mạnh (08/05/2012)

>   Cơ hội mới làm ăn với Nhật (07/05/2012)

>   Gói “cứu doanh nghiệp” phải trình Quốc hội (06/05/2012)

>   Đầu tư công vẫn không ngừng tăng cao (06/05/2012)

>   Đề án tái cơ cấu kinh tế: “Chỉ nghe để biết thì không nên” (05/05/2012)

>   Kìm được lạm phát, lại lo tăng trưởng (05/05/2012)

>   Chủ tịch Quốc hội: “Giảm phát đã rất rõ rồi” (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật