Chủ Nhật, 06/05/2012 11:10

Đầu tư công vẫn không ngừng tăng cao

Một sứ mệnh quan trọng được đặt trên vai Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nhận nhiệm sở vào giữa năm ngoái: chấn chỉnh lại công tác đầu tư công vốn đã được phân cấp quá mức, vượt tầm kiểm soát của chính các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế. “Đó là nhiệm vụ rất khó khăn”, ông nói với TBKTSG một ngày sau khi được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn ông vào vị trí bộ trưởng ngày 3-8 năm ngoái.

Có vẻ như nhiệm vụ đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ: Nghị quyết 11 được ban hành vào tháng 2 và Chỉ thị 1792 vào tháng 10 cùng năm. Hai văn bản này đều có một mục tiêu chính là giảm và chấn chỉnh lại các dự án đầu tư công.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ rằng có tới 96.888 tỉ đồng được cắt giảm bởi các bộ, ngành và các tổng công ty, tương ứng với khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số đó, đáng kể nhất là 50.000 tỉ đồng cắt giảm từ các nguồn như không kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch năm 2011, không ứng trước vốn kế hoạch năm 2012, giảm 32% vốn trái phiếu chính phủ và giảm 10% tín dụng đầu tư của Nhà nước; 46.888,3 tỉ đồng còn lại là cắt từ các nguồn bao gồm 5.128 tỉ đồng nguồn ngân sách nhà nước, 2.547,5 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ và 39.212,2 tỉ đồng vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Hơn nữa, báo cáo cuối cùng của Chính phủ cho biết, có 81.500 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước được cắt giảm và điều chuyển. Những con số thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 1792 của Thủ tướng thừa nhận thực trạng: “Do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Trong khi đó, thời gian tới vốn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, vốn trái phiếu chính phủ không thể phát hành tăng thêm so với năm 2011 để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, dư nợ công ở mức cho phép”. Chỉ thị 1792, một  mặt vừa theo tinh thần Nghị quyết 11, mặt khác quan trọng hơn, là thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương III, đã đề ra các nguyên tắc và giải pháp để khắc phục tình trạng nói trên.

Rõ ràng, hai văn bản quan trọng trên đã tạo ra khuôn khổ chặt chẽ cho việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Câu hỏi đặt ra: các văn bản này có được tôn trọng trên thực tế? Câu trả lời đã trở nên rõ ràng hơn khi những số liệu về vốn đầu tư công năm 2011 được các cơ quan nhà nước cập nhật.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 4 vừa qua, Chính phủ cho biết vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã lên đến 193.800 tỉ đồng trong năm 2011. Con số này đã cao hơn so với số 175.000 tỉ đồng mà Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ hai cuối năm ngoái. Như vậy, thực tế là đầu tư công đã tăng tới 27,5% so với dự toán năm là 152.000 tỉ đồng mà Quốc hội thông qua cuối năm 2010, và tăng 13,4% so với năm 2010.

Về mức chi tiêu vượt quá lớn này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết quan điểm của các thành viên ủy ban: “Một số ý kiến đề nghị cần xem xét, báo cáo rõ về chất lượng công tác lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, tính bền vững của các nguồn thu, vấn đề kỷ luật ngân sách mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập tại các kỳ họp trước”. Rõ ràng, chi tiêu công chưa bao giờ tuân theo kỷ luật cho dù đã có Luật Ngân sách Nhà nước. Bổ sung thêm cho nhận định này là đánh giá của Ủy ban Kinh tế: mặc dù áp dụng cắt giảm chi thường xuyên 10%, chi ngân sách năm 2011 vẫn vượt 13,8% so với dự toán và hơn 28,58% so với năm 2010.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương vẫn rất hoành tráng, và không có dấu hiệu giảm. Tổng hợp số liệu của các cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2011 có tới 14.145 dự án khởi công mới, chiếm gần 37% của tổng số 38.420 dự án đang thực hiện đầu tư. Con số này rõ ràng thách thức Nghị quyết 11 vốn hạn chế các dự án khởi công mới nhằm kiềm chế lạm phát.

Báo cáo cho biết, trong năm 2011, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 438.938 tỉ đồng, đạt 91,88% kế hoạch vốn đầu tư.

Vẫn theo báo cáo trên, tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến và chưa được khắc phục. Trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 145 dự án có thất thoát, lãng phí, và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện.

Một điều dễ nhận thấy, dù mới chỉ “tổng hợp báo cáo”, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện nhiều dự án có vấn đề. Bộ này phàn nàn rằng, chỉ có 26.125 dự án (68%) trên tổng số 38.420 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên “có báo cáo giám sát”. Rất có thể, danh sách các dự án này sẽ dài ra khi được thanh tra thực tế bởi số vốn đang thực hiện là rất lớn.

Trong phần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư phải “kiểm điểm” về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan. Kiến nghị đó, rõ ràng còn lâu mới làm các ông chủ dự án là các cơ quan nhà nước sợ. Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong bốn tháng đầu năm nay vẫn có xu hướng gia tăng khi đạt 55.314 tỉ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2011, theo Tổng cục Thống kê. Xu hướng đó cho thấy, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, dù Chính phủ đã có đề án tái cơ cấu đầu tư công, Luật Đầu tư công, Chỉ thị 1792 và biết bao các văn bản pháp lý khác

Tư Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đề án tái cơ cấu kinh tế: “Chỉ nghe để biết thì không nên” (05/05/2012)

>   Kìm được lạm phát, lại lo tăng trưởng (05/05/2012)

>   Chủ tịch Quốc hội: “Giảm phát đã rất rõ rồi” (04/05/2012)

>   Chính phủ: Tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn vay (04/05/2012)

>   Nợ công vẫn tăng nhanh (04/05/2012)

>   Nền kinh tế VN cần phải chỉnh sửa căn bản cấu trúc (03/05/2012)

>   Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: 'Đến lúc phải cứu doanh nghiệp' (03/05/2012)

>   HSBC dự đoán NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào đầu quý 3 (03/05/2012)

>   Minh bạch tài chính, tạo dựng niềm tin (03/05/2012)

>   Công nghiệp 4 tháng: Sản xuất sụt giảm, tồn kho lớn (02/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật