Công nghiệp 4 tháng: Sản xuất sụt giảm, tồn kho lớn
Chiều 2/5 Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2012.
Theo số liệu công bố tại đây, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tư tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến tăng 3,7%, ngành khai thác mỏ giảm 2,3% và sản xuất phân phối điện, ga, nước giảm 2,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3%, trong đó ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6%, chế biến, chế tạo tăng 3,8% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14%.
Theo nhận định từ cơ quan quản lý, công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của ngành này có sự tăng trưởng thấp (3,8%) so với mức tăng 13,1% của cùng kỳ năm trước.
Biểu hiện rõ rệt là nhóm hàng chủ lực có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, như sản xuất sắt thép giảm 8,9%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 15,5%; sản xuất xe có động cơ 17,9%; sản xuất giày dép giảm 6,5%; sản xuất xi măng 6,5%; sản xuất sợi và dệt vải 2,7%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa 1,5%...
Không chỉ thế, nhiều mặt hàng này vẫn còn tồn kho lớn, như xi măng tồn 0,68 triệu tấn, tăng 8% (tương đương 50.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, cliker là 2,15 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái (50.000 tấn).
"Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp do ngành chịu ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, chi phí sản xuất cao nhưng tiêu thụ sản phẩm rất chậm", lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Sự suy giảm của ngành công nghiệp cũng đã được cảnh báo trước khi trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất của ngành này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm, như xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép, sản xuất giấy nhăn, bao bì, bột giấy,...
Về thị trường trong nước, theo Bộ Công Thương sức mua hàng hóa trên thị trường trong tháng Tư có xu hướng tăng so với tháng 3, tuy nhiên mức tăng không đáng kể và thị trường tiếp tục kém sôi động dù giá một số mặt hàng đã giảm.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng Tư ước đạt trên 192 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng Ba và tăng 21,1% so với tháng 4/2011. 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 762 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%.
QUÝ HIỂU
Vneconomy
|