Cắt giảm đầu tư công: Quyết liệt nửa vời
Để "trị" bệnh đầu tư thiếu hiệu quả, nợ nước ngoài tăng cao dẫn đến lạm phát kéo dài từ năm này qua năm khác, Chính phủ đã hạ quyết tâm cắt giảm đầu tư công. Nhưng sau hơn 1 năm tiến hành, "bệnh" đầu tư công vẫn phát.
Còn nhớ khi bắt đầu "chiến dịch" cắt giảm đầu tư công, chúng ta chấp nhận "đau" để tạm ngưng nhiều dự án đang tiến hành dở dang và không ít dự án hạ tầng quan trọng. Tất cả để phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ. Nhưng kết quả chúng ta nhận được là thất thoát vốn ở hàng trăm dự án. Chúng ta hô hào đẩy nhanh tiến độ các dự án được phép thi công để nâng cao hiệu quả đồng vốn. Nhưng kết quả là hàng ngàn dự án chậm tiến độ. Chúng ta khẳng định quyết liệt cắt giảm đầu tư công nhưng chỉ trong 1 năm, có tới 14.000 dự án đã được khởi công ở khắp nơi trên cả nước... Những con số trên cho thấy, quyết tâm của Chính phủ đã không được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện tới nơi tới chốn.
Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát thì kết quả cắt giảm đầu tư công nói trên thực sự gây bức xức cho nhiều người. Tuy nhiên, kết quả này cũng không quá bất ngờ bởi sự thiếu quyết liệt của các đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc này đã thể hiện ngay từ những ngày đầu thực hiện công tác cắt giảm đầu tư công. Minh chứng rõ ràng nhất là việc thiếu công khai, minh bạch các dự án phải cắt giảm để tiện việc giám sát, quản lý. Liên tục trong năm 2011, mỗi lần báo cáo về kết quả cắt giảm đầu tư công, cái mà chúng ta nhận được là số lượng dự án cắt giảm, giá trị cắt giảm. Nhưng cắt giảm ở đâu, chỗ nào, dự án nào thì vẫn hết sức tù mù. Danh sách các dự án cắt giảm cũng chỉ được công bố chung chung theo kiểu, nơi này cắt 10 dự án, nơi kia cắt 20 dự án, tổng công ty này cắt giảm 80 tỉ, tập đoàn kia giảm 50 tỉ... Các doanh nghiệp báo cáo cho tỉnh, tỉnh báo cáo cho Bộ, Bộ báo cáo cho Chính phủ, một quy trình hết sức hành chính cho một công tác cực kỳ quan trọng, cực kỳ cấp thiết đối với nền kinh tế. Không chỉ là thiếu quyết tâm, điều đó còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị có thẩm quyền trước khó khăn của nền kinh tế.
Đầu tư công thiếu hiệu quả và hậu quả của nó đã được nói quá nhiều. Nhưng tại thời điểm này thêm một câu hỏi lớn được đặt ra. Trong khi ngân sách có hạn, chúng ta sẽ lấy vốn ở đâu để chặn đà đình đốn sản xuất đang lan rộng khắp nơi khi chi tiêu công, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển vẫn tràn lan và thiếu hiệu quả như nói trên? Ai sẽ chịu trách nhiệm trước sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp, bữa cơm mỗi ngày một "nghèo" đi của hàng triệu gia đình? Đã đến lúc phải truy trách nhiệm cụ thể của các đơn vị có thẩm quyền trong việc cắt giảm đầu tư công để thực hiện công tác này một cách quyết liệt, đúng như tinh thần mà Chính phủ đã khẳng định.
Nguyên Hằng
Thanh Niên
|