Giải bài toán dự án chậm tiến độ?
Theo số liệu mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong năm 2011 có tới 4.436 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ, cùng với khoảng 145 dự án vốn nhà nước có hiện tượng thất thoát, lãng phí. Hệ lụy dễ nhận thấy nhất của những dự án này chính là việc làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư công và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán chậm tiến độ dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo công văn số 2268/BKHĐT-GSTĐĐT về tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2011 của 110/124 cơ quan trên cả nước, trong năm 2011 có 38.420 dự án sử dụng 30% vốn đầu tư nhà nước trở lên đang thực hiện đầu tư, trong đó có 14.145 dự án khởi công mới (chiếm 36,82%, thấp hơn tỷ lệ 41,88% năm 2010) và 15.077 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ (chiếm 39,24%, cao hơn tỷ lệ 30,66% năm 2010). Các số liệu này đã cho thấy tình hình thực hiện đầu tư trên cả nước đã có dấu hiệu tích cực sau thời gian thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, thể hiện tỷ lệ số dự án khởi công mới đã giảm so với năm trước, đồng thời, tỷ lệ số dự án đưa vào sử dụng và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đã được nâng lên. Tuy nhiên, tại một số nơi, số lượng dự án khởi công mới trong năm lại khá cao như TP Hồ Chí Minh (1.165 dự án), Quảng Ninh (691 dự án), Hà Tĩnh (604 dự án), Khánh Hòa (628 dự án...
Cũng từ những con số tổng hợp này đã phản ánh một thực trạng nhức nhối khác, đó là còn nhiều dự án chậm tiến độ, với 4.436 dự án, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ, dù thấp hơn tỷ lệ 16,6% của năm 2008; 16,9% của năm 2009 nhưng lại cao hơn tỷ lệ 9,78% của năm 2010. Trao đổi về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, một chuyên gia trong ngành xây dựng lý giải: "Công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu gây chậm trễ và khó khăn nhất hiện nay cho các dự án. Nhiều công trình giải phóng mặt bằng kéo dài cả chục năm thì làm sao không dẫn tới chậm tiến độ? Mà nguyên nhân của giải phóng mặt bằng chậm là do giá đền bù đất thấp hơn so với giá thị trường, nơi ở tái định cư chưa hợp lòng dân...” . Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng được đưa ra như nguồn vốn không kịp thời, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, ban quản lý dự án, các nhà thầu, thủ tục đầu tư còn bất cập...
Cũng trong năm 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 145 dự án có thất thoát, lãng phí và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện. Về các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác, trong 4.436 dự án cũng phát hiện 316 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, 30 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường, 68 dự án có vi phạm về sử dụng đất, 67 dự án có vi phạm về quản lý tài nguyên và thu hồi 338 giấy chứng nhận đầu tư.
Kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP của Chính, đặc biệt là xử lý các chủ đầu tư không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá dự án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định.
Nguyễn Nga
Đại đoàn kết
|