Thứ Năm, 03/05/2012 13:48

Minh bạch tài chính, tạo dựng niềm tin

Hôm nay 3-5 Chính phủ họp phiên thường kỳ thảo luận về các vấn đề kinh tế vĩ mô. Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ đang đi đúng hướng và Chính phủ sẽ kiên định với mục tiêu đề ra. Vì thế, đây là giai đoạn cần lành mạnh, minh bạch nền tài chính quốc gia để lấy lại niềm tin thị trường và người dân.

Sàng lọc doanh nghiệp

Kinh tế Việt Nam hướng về mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi nước ta từng có thời gian dài chạy theo tăng trưởng với tốc độ 7-8%/năm, dẫn đến hệ lụy bất ổn vây quanh nền kinh tế như nhập siêu, bội chi ngân sách, gánh nặng bội chi tài khóa, dự trữ ngoại hối giảm sút, tỷ giá… đặc biệt lạm phát kéo dài trong nhiều năm.

Trước những bất ổn này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với các giải pháp hàng đầu là chính sách tài khóa thắt chặt; chính sách tiền tệ chặt chẽ; quản lý vàng, ngoại tệ trên thị trường chợ đen; hỗ trợ xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn…

Đến nay Nghị quyết 11 đang đi đúng hướng khi đạt được ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể lạm phát đã được kiểm soát, nhập siêu giảm sâu (chưa bao giờ có mức nhập siêu bằng 0,5% kim ngạch xuất khẩu), cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, bội chi ngân sách giảm (nợ công chỉ còn 52,9% so với kế hoạch 54,6%). Tuy nhiên, chúng ta cũng phải giải bài toán khó hiện nay: doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản.

Thời gian qua, có những doanh nghiệp ra đời nhờ chính sách nới lỏng tài khóa, mở rộng đầu tư công; kinh doanh mang tính chất môi giới, chạy dự án, bán hóa đơn chứng từ…

Khi siết đầu tư công, các doanh nghiệp này khó khăn là điều tất yếu. Nhưng đây là giai đoạn làm lành mạnh nền tài chính quốc gia và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo đó, cần nghiêm túc xem lại việc cấp giấy phép thành lập các loại hình doanh nghiệp, từ đó sàng lọc những doanh nghiệp dỏm, ảo, kinh doanh cơ hội dựa trên chính sách.

Thực tế, các sở kế hoạch đầu tư cấp phép thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, trong khi không biết doanh nghiệp làm ăn như thế nào, nộp thuế ra sao, còn hoạt động hay không…

Nhiều lãnh đạo địa phương cũng không biết doanh nghiệp đặt trụ sở ở đâu, cho thấy việc kiểm tra sau khi cấp phép có lỗ hổng rất lớn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn hoạt động hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng là vốn ảo, vay nợ NH là chủ yếu. Đến khi NH siết tín dụng mới lộ rõ thực chất các doanh nghiệp.

Tiếp tục gỡ khó

Mục tiêu của nước ta giai đoạn 2012-2013 vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô để lạm phát thực sự ổn định, tức chấp nhận một thời gian “ăn kiêng”, không đặt mục tiêu tăng trưởng lên trên. Theo đó, năm nay tăng trưởng kinh tế 5-5,5% là hợp lý. Muốn ổn định kinh tế vĩ mô có 2 vấn đề cần giải quyết là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Vừa qua, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất và tạo cơ chế cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ. Cơ cấu lại nợ lần này khác với trước kia, chủ yếu dùng nguồn lực bên ngoài cho doanh nghiệp đáng được tồn tại.

Theo đó, cơ cấu nợ NH không phải trích dự phòng và chuyển nhóm nợ mà ký hợp đồng khác, giống đảo nợ hợp pháp. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thực hiện giãn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp bị lỗ, nên chăng nghĩ đến việc giảm hoặc giãn thuế VAT. Những doanh nghiệp nào vẫn còn buôn bán, vẫn còn tiêu thụ hàng hóa, việc hỗ trợ thuế VAT được coi như Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp vốn với lãi suất 0%. Thực tế việc giảm thuế VAT chúng ta đã làm trong năm 2009, trong điều kiện hiện nay cần tiếp tục để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Hệ lụy của nền kinh tế hiện nay là hàng tồn kho đang tăng cao, một mặt do tiêu dùng giảm, sức mua giảm. Vì vậy, phải hỗ trợ cho người dân như giảm thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó cần tiếp tục giảm lãi suất khi điều kiện cho phép, bởi khi lãi suất giảm vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa giải quyết hàng tồn kho, đồng thời khi giảm thuế VAT, giá các mặt hàng cũng giảm sẽ kích thích tăng sức mua của người dân.

Lạm phát vừa qua dù đã có dấu hiệu kiểm soát được nhưng chưa bền vững. Bởi lạm phát chủ yếu do chỉ số lương thực thực phẩm quyết định, trong khi vừa qua thịt heo “bị nạn” với thông tin “siêu nạc”, nông dân trúng mùa lúa và giá gạo trên thị trường giảm.

Nếu không có những điều này chưa chắc lạm phát giảm sâu. Vì vậy, vấn đề là làm sao bình ổn chỉ số lương thực thực phẩm, đừng để giảm và cũng đừng để lên quá cao.

Lạm phát nước ta còn tùy thuộc vào đầu tư cho nông nghiệp, chăn nuôi. Thực tế, giải pháp với ngành nông nghiệp, chăn nuôi lâu nay chưa đột biến, thậm chí để các doanh nghiệp nước ngoài quản lý luôn thức ăn gia súc.

Đây là vấn đề đáng báo động, bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài thôn tính luôn ngành kinh doanh thức ăn gia súc, bán lẻ, chúng ta sẽ mất ngoại tệ. Vì thế cần có giải pháp hỗ trợ, giúp ngành nông nghiệp - ngành chủ lực có tác động mạnh đến lạm phát - giữ được vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Khôi phục niềm tin

Theo nhiều chuyên gia, niềm tin đang trở lại đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ. Cuối năm 2011, hệ thống NHTM đứng trước sự suy yếu buộc NHNN phải dùng nhiều chính sách can thiệp, nên dư nợ liên NH đến cuối năm lên đến 900.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên huy động đến 116% (trong khi tỷ lệ an toàn 70%), nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 90%.

Đến nay có thể thấy hệ thống NHTM đã an toàn và đây là thời điểm sắp xếp và cấu trúc lại. Chính phủ đang lấy lại niềm tin người dân về vấn đề lạm phát và tỷ giá, nhưng đòi hỏi Chính phủ phải có những thông điệp dài hơi để khôi phục lòng tin với người tiêu dùng nhằm tăng sức mua, tức tăng sự minh bạch.

Bởi hiện nay các tổng công ty nhà nước giữ vai trò chủ đạo quyết định các mặt hàng chiến lược như xăng, điện, nước… nhưng đang thiếu sự minh bạch, khiến người dân hoài nghi về việc liên tục điều chỉnh giá thời gian gần đây. Đã đến lúc gói hỗ trợ của Chính phủ không chỉ về mặt kinh tế mà còn chú ý về mặt tinh thần, trong đó khôi phục lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Để minh bạch hóa cần đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo mục tiêu Chính phủ đặt ra từ nay đến năm 2015: trong 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ giữ lại 692 doanh nghiệp, cổ phần hóa 543 doanh nghiệp và cho phá sản 44 doanh nghiệp. Thực tế quá trình cổ phần hóa đang diễn ra chậm chạp làm mất đi nhiều cơ hội.

Từ đây đặt ra mục tiêu cổ phần hóa nhanh, lãi suất giảm, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng thu hút đầu tư nước ngoài… là nền tảng để thị trường chứng khoán (TTCK) hồi phục. Có thể thấy trong 4 tháng đầu năm 2012,  TTCK tăng điểm cao là do lãi suất giảm, kinh tế vĩ mô ổn định.

TTCK tăng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, giúp giải quyết bài toán tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Mai Thảo (ghi)

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Công nghiệp 4 tháng: Sản xuất sụt giảm, tồn kho lớn (02/05/2012)

>   Khu công nghiệp “rùa bò” (02/05/2012)

>   Sai phạm ở dự án đảo Kim Cương: Khó xử phạt "nhà giàu"? (02/05/2012)

>   Cắt giảm đầu tư công: Quyết liệt nửa vời (01/05/2012)

>   Chi phí tái cơ cấu kinh tế: Lo “đếm cua trong lỗ” (01/05/2012)

>   Nokia mang dự án 200 triệu Euro đến Việt Nam: Nước cờ liệu có thành công? (01/05/2012)

>   Sự tàn phá âm thầm của lạm phát (30/04/2012)

>   Phập phù GDP và ổn định vĩ mô (30/04/2012)

>   Nhật tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào VN (30/04/2012)

>   Nhiều dự án vốn nhà nước không có báo cáo giám sát đầu tư (29/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật