HSBC dự đoán NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào đầu quý 3
Với việc tín dụng thu hẹp và tăng trưởng kinh tế giảm đột ngột trong quý đầu năm, HSBC dự đoán NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất chính sách vào đầu quý 3.
Theo bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 5, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC đã điều chỉnh dự đoán của mình về tăng trưởng GDP cho năm 2012 từ 5.7% xuống 5.1%.
Ảnh minh họa |
Tiếp tục hạ lãi suất
Theo nhóm nghiên cứu của HSBC, để tránh việc phải mở rộng tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp kém hiệu quả trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày một tăng thì cải tổ cơ cấu là một biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, từ đó nâng cao năng suất lao động.
Từ đầu năm tới hết tháng 3, khi NHNN hạ các lãi suất chính sách, tổng lượng vốn vay đã giảm 1.9%, cho thấy nhu cầu trong nước thấp hơn nhiều so với mong đợi. Với tín dụng thu hẹp trong quý đầu tiên và tăng trưởng kinh tế bị giảm tốc đột ngột từ 6.1% vào quý 4/2011 xuống 4.1% vào quý 1/2012. Trên cơ sở đó, HSBC dự báo NHNN sẽ hạ tiếp các lãi suất chính sách trong các quý tiếp theo.
Lạm phát 1 con số vào tháng 5
Bên cạnh đó, HBSC cho rằng, sự suy giảm của tổng cầu mang lại hai hiệu ứng tích cực là lạm phát có khả năng đạt một con số vào tháng 5 và cầu nhập khẩu giảm đáng kể, do đó cán cân thương mại và sự ổn định của Việt Nam đồng (VND) sẽ được cải thiện.
Lạm phát toàn phần được kỳ vọng sẽ đạt mức một con số vào tháng 5 tới khi đã liên tiếp tăng ở mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Chỉ số giá (CPI) trong tháng 4 chỉ tăng 0.05% so với 0.2% trong tháng 3. Khi tổng cầu suy giảm nhiều hơn mức trông đợi, áp lực lạm phát cũng sẽ giảm nhiều hơn nữa, và mức ước đoán cho năm 2012 sẽ vào khoảng 9.8% thay vì 11.0% như trước đây.
Trong quý đầu năm 2012, tăng trưởng đã giảm xuống mức 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Nếu so sánh với quý trước, GDP đã suy giảm mạnh nhất trong vòng một thập kỷ, khi giảm 2.5% trong quý 1/2012 từ mức tăng 2.9% của quý trước đó.
Tăng trưởng chậm của nền kinh tế hiện nay phản ánh tình trạng tín dụng bị thắt chặt. Bất động sản và xây dựng là hai lĩnh vực suy giảm nhiều nhất, vì lãi suất cho vay cao đã làm sụt giảm nhu cầu về nhà cửa. Trong các ngành khác, hoạt động kinh doanh cũng dần chững lại do những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Hạ dự báo tăng trưởng tiêu dùng xuống 4.3%
Bên cạnh đó, mức chênh lệch lớn trong tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đã nêu bật sự suy giảm mạnh của cầu nội địa. Tính từ đầu năm tới nay, xuất khẩu tăng 22.1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu chỉ tăng 4.4%. Trong thời gian tới, kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 17.7% trong cả năm, giảm so với mức dự đoán ban đầu là 22.9%.
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam hiện nay được sử dụng cho sản xuất hơn là tiêu dùng, mức tăng trưởng nhập khẩu thấp cho thấy các doanh nghiệp đang khá thận trọng và ước đoán nhu cầu thị trường sẽ rất thấp trong những tháng tới. Mức thâm hụt thương mại được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể và giảm từ 9.8 tỷ USD trong năm 2011 xuống 4.6 tỷ USD trong năm 2012.
Khi lãi suất cho vay giảm và có thêm nhiều công cụ nới lỏng được thực thi, nhóm Nghiên cứu của HSBC vẫn cho rằng mức tăng trưởng nhập khẩu sẽ giảm xuống 14% cho cả năm so với dự báo trước đây là 20.6%. Với nhu cầu thấp, mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân được kỳ vọng sẽ giảm xuống 4.3% trong năm nay thấp hơn ước tính trước đây là 4.8%.
Vì tăng trưởng đã thấp hơn nhiều so với mong đợi và lạm phát liên tục dịu xuống, NHNN có khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tiếp theo. Đợt giảm lãi suất tiếp theo có lẽ sẽ vào đầu quý 3.
Thâm hụt thương mại đã cải thiện rất nhiều, cùng nguồn vốn FDI vào mạnh mẽ đã khiến tình hình tiếp tục trở nên tích cực hơn. Tăng trưởng tín dụng thấp làm giảm tăng trưởng nhập khẩu, trong khi xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Cho tới nay, cán cân thương mại và FDI đã ở trong khu vực tích cực trong vòng sáu tháng, đã đóng góp vào sự ổn định của VND.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu của HBSC vẫn tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về đồng nội tệ. Trong khi có rất ít nguy cơ xảy ra phá giá VND ngay lập tức nhưng vẫn có chút quan ngại rằng lạm phát quay trở lại mạnh hơn vào nửa cuối năm. Nếu lạm phát tiếp tục giảm, và các lãi suất chính sách không bị hạ quá nhanh, thì VND vẫn sẽ tiếp tục ổn định.
Minh Phương (Vietstock)
finfonet
|