Thứ Ba, 15/05/2012 13:19

Kinh tế Việt Nam: Đừng vội mừng với những con số!

Sau khi lướt qua những con số về kinh tế Việt Nam trong bốn tháng đầu năm tại cuộc họp báo chiều 4-5, như chỉ số lạm phát, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ và sự cân bằng trong cán cân thương mại...

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận: “Tất cả những chỉ số đạt được cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng”. Đây cũng là nhận định trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp thường kỳ trước đó của Chính phủ.

Tuy vậy, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhìn nhận hơi khác, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn như hiện nay. Theo ông, kết quả lạm phát tính cho từng quí hay một năm không có nhiều ý nghĩa. Điều ông thực sự quan tâm là kết quả mang tính ổn định căn bản và lâu dài, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác kế hoạch của Chính phủ, ông cảnh báo nếu mức tăng trưởng kinh tế giảm sâu và tiếp tục kéo dài, sẽ gây ra nhiều hệ lụy mà một trong số đó là các cân đối vĩ mô sẽ bị phá vỡ.

Nếu chỉ nhìn vào những con số, không thể phủ nhận kinh tế Việt Nam đang chuyển biến theo hướng tích cực. Nhưng tìm hiểu sâu hơn đằng sau những con số đó, thì khó có thể tự tin chúng ta đang đi đúng hướng.

Bốn tháng đầu năm nay, lạm phát của Việt Nam chỉ là 2,6%. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng đằng sau kết quả đáng mừng đó là khó khăn chồng chất của cộng đồng doanh nghiệp. Bất kể các chi phí đầu vào tăng, rất nhiều ngành công nghiệp đã không thể tăng giá bán tương ứng để bù đắp chi phí, mà thậm chí còn phải giảm giá mạnh, dù lỗ nặng, với hy vọng có thể tạm thời duy trì sản xuất và giải phóng được hàng tồn kho. Trong nhóm hàng lương thực - thực phẩm, nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, từ lúa gạo, cà phê, mía, cao su cho đến cá tra, thịt heo... đều giảm giá mạnh và thu nhập của nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng.

Bất kể các chi phí đầu vào tăng, rất nhiều ngành công nghiệp đã không thể tăng giá bán tương ứng để bù đắp chi phí.

Còn về xuất khẩu, nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng 22,1% thì có thể xem đó là kết quả khả quan. Nhưng nếu tách riêng nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ thấy xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ còn tăng 4,3% - một tín hiệu đáng lo.

Tháng 2 năm ngoái, khi Chính phủ đưa ra các gói giải pháp chống lạm phát thông qua Nghị quyết 11, một trong những trọng tâm của chương trình là hướng vào cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công, bao gồm đầu tư và chi tiêu của khối doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Đó là hướng đi rất chính xác. Nhưng nhìn lại sau hơn một năm, thực tế lại rất khác. Năm 2011, đầu tư công vẫn tăng tới 27,5% so với dự toán. Bốn tháng đầu năm nay, dù dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế tăng trưởng âm, mức đầu tư công vẫn tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.

Có thể thấy giải pháp siết chặt chính sách tiền tệ, tín dụng để chống lạm phát hầu như không ảnh hưởng gì đáng kể tới lĩnh vực đầu tư công. Trong khi theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, hiệu quả kém trong sử dụng vốn đầu tư và chi tiêu công, kể cả của khối doanh nghiệp nhà nước, mới là nguyên nhân chính gây ra lạm phát phi mã trong những năm qua.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, một chuyên gia Việt kiều về năng lượng gió, đã rất khó hiểu khi phát hiện ra suất đầu tư cho điện gió của Việt Nam cao gấp gần hai lần so với ở châu Âu. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng chỉ ra chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam cao gấp 1,5-2 lần các nước trong khu vực, thậm chí cao hơn cả ở Mỹ. Ấy là mới so sánh thuần về suất đầu tư cứng. Nếu xem xét cả yếu tố chất lượng, chắc chắn khác biệt còn lớn hơn nhiều.

Từ một vài ví dụ trên, chúng ta không thể không tự hỏi liệu tình trạng này có diễn ra tương tự ở các lĩnh vực khác, vốn chủ yếu thực hiện bằng vốn nhà nước hoặc do doanh nghiệp nhà nước thực hiện? Hy vọng rồi đây Chính phủ sẽ làm rõ nguyên nhân của các chênh lệch về đầu tư trong lĩnh vực điện gió, đường cao tốc nói riêng và tất cả các lĩnh vực tiếp nhận vốn đầu tư nhà nước nói chung. Nhưng một khi tình trạng khó hiểu này còn tiếp diễn, thì chúng ta không thể nói rằng chương trình chống lạm phát đã đi đúng hướng.

Chắc chắn rằng, doanh nghiệp, nhất là ngành công nghiệp, không thể bán sản phẩm dưới giá thành mãi. Nông dân cũng không thể sống được nếu giá nông sản hàng hóa không đủ giúp họ bù đắp chi phí và có được mức lợi nhuận tối thiểu. Và nếu vấn đề hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công cũng như đầu tư và chi tiêu của doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện, thì kết quả chống lạm phát sẽ vẫn mong manh và hy vọng về sự ổn định có tính căn cơ và lâu dài sẽ càng trở nên xa vời.

Tấn Đức

TBKTSG

Các tin tức khác

>   “Chỉ áng chừng thì Quốc hội quyết làm gì?” (15/05/2012)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Gói 29.000 tỷ chỉ cứu được DN đang sống (15/05/2012)

>   Thống đốc NHNN: Dự kiến cuối năm lạm phát còn 8,5%, lãi suất còn 9-10% (15/05/2012)

>   Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp có thể “chết” trong năm 2012 (14/05/2012)

>   Tăng trưởng kinh tế quý 2/2012 được dự báo khoảng 4,5% (14/05/2012)

>   TP.HCM: 4 tháng, 8.300 doanh nghiệp ngưng, nghỉ (14/05/2012)

>   Nhiều dự án chỉ định thầu thiếu minh bạch (14/05/2012)

>   DN và ngân hàng, làm sao để cùng hưởng lợi? (14/05/2012)

>   Ông Nguyễn Trần Bạt: Không có cơ sở cho con số 29.000 tỷ (13/05/2012)

>   Doanh nghiệp chờ hiệu ứng chính sách (13/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật