Thứ Tư, 16/05/2012 16:09

Tồn kho lo hơn lãi suất 

Trong khi vấn đề lãi suất cao tiếp tục được hóa giải với việc NHNN áp dụng trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ) nhưng dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cấp cứu cho các DN vẫn bị cản trở mạnh mẽ. Nguyên nhân chính là ở sự "đình trệ" chứ không chỉ còn do "lạm phát" và lãi suất cao.

Hiện lạm phát đã giảm tốc khá nhanh. Lạm phát tính theo năm trong tháng 4 chỉ còn 10,54%, giảm mạnh so với mức 14,15% trong tháng trước cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Thậm chí lạm phát còn có thể về mức một con số ngay trong những tháng tới. Tuy nhiên, một rủi ro mới xuất hiện. Đó là tình trạng đình trệ sản xuất.

Doanh số bán lẻ 4 tháng đầu năm giảm mạnh. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng chỉ tăng 6,1%, thấp hơn khá nhiều mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (7,7%). Điều đó cho thấy tổng cầu của nền kinh tế rất yếu, tiêu thụ sản phẩm của DN gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng cao.

Số liệu nhập khẩu cũng cho thấy sự suy giảm mạnh sức cầu trong nền kinh tế. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng chỉ tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2011, giảm mạnh so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái (29,1%). Nhập siêu cũng giảm mạnh, tụt xuống chỉ còn khoảng 176 triệu USD. Nếu xét riêng lẻ, nhập siêu thấp được coi là có sự cải thiện mạnh mẽ thì trên quan điểm tăng trưởng, các con số liên quan lại báo hiệu một thực tế đáng lo ngại. Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nặng vào nhập khẩu đầu vào. Vì vậy, giảm sút nhập khẩu đồng nghĩa với sự giảm sút mạnh nhu cầu của ngành công nghiệp, là dấu hiệu của sự suy yếu nhanh năng lực sản xuất và nhu cầu của các DN Việt Nam. Nói khác đi, đằng sau thành tích giảm nhập siêu là bóng ma của xu hướng đình trệ sản xuất đang tăng lên.  

Sự tăng mạnh lượng hàng tồn kho, sự giảm sút nhập khẩu của khu vực DN chứng tỏ tình hình kinh tế đang rất khó khăn, khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế rất yếu, bởi DN là lực lượng quyết định tăng trưởng.

Dưới một góc độ khác, tín dụng cho nền kinh tế vẫn tăng trưởng một cách khó khăn. Tính đến 16/4, tín dụng tăng trưởng âm tới 1,71% và nếu tính thêm yếu tố giá thì tín dụng đã tăng trưởng âm tới 4,51%. Nguyên nhân nào khiến dòng lưu chuyển vốn để tiếp sức cho các DN vẫn bị cản trở mạnh mẽ trong khi rõ ràng vấn đề lãi suất cao đã phần nào được hóa giải khi NHNN đã 2 lần liên tiếp hạ trần lãi suất huy động từ 14%/năm về 12%/năm, và gần đây NHNN đã tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, DNNVV, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài nguyên nhân "truyền thống" là lãi suất vay vẫn còn cao thì có một nguyên nhân quan trọng khác sự "đình trệ" sản xuất. Lâm vào tình trạng đình trệ, các DN khó tiêu thụ sản phẩm làm ra, dẫn tới tình trạng không trả nợ kịp thời cho các ngân hàng và nợ xấu của DN tăng nhanh (vì lãi suất vay cao, thời hạn nợ đọng kéo dài) khiến ngân hàng không thể cho vay thêm. Trong khi đó DN không bán được hàng thì cũng không có nhu cầu vay vốn để sản xuất... Rõ ràng, chính tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của nhiều DN suy giảm mạnh. Đây thực sự là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Chính tình trạng nguy hiểm này, xét trong triển vọng ngắn hạn, chứa đựng xu hướng mang tính nguy cơ cao là số lượng DN bị phá sản và đóng cửa đang tăng lên. Tuy nhiên, khi đề cập đến sự giảm sút sức khỏe DN, điều quan trọng nhất chưa hẳn thể hiện ở số lượng DN phá sản hay đóng cửa. Cái đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số DN đang phải cắt giảm công suất hoạt động với mức độ cắt giảm ngày càng tăng. Đây mới đích thực là phần chìm của tảng băng khó khăn mà các DN Việt Nam đang gặp phải. Rất tiếc là không có số liệu nào xác thực cho phép nhận diện chính xác trạng thái thực của tảng băng này. Song logic kinh tế cho phép xác nhận tình trạng "thật sự gay go" mà khu vực DN Việt Nam đang lâm vào.

Hậu quả của tình trạng gia tăng số lượng DN phá sản, đóng cửa hay giảm công suất hoạt động là: rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức 6-6,5%; số lao động thất nghiệp, mất việc hay thiếu việc làm tăng mạnh. Yếu tố này tiềm tàng làm giảm sút lòng tin xã hội vào triển vọng của nền kinh tế và gây bất ổn kinh tế - xã hội.  Kết cục của vòng xoáy tiến thoái lưỡng nan "đình - lạm" (lạm phát cao song hành với tăng trưởng đình đốn) nguy cơ đáng lo ngại nhất đối với mọi chu trình tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia, điều đã được cảnh báo cho Việt Nam ít nhất từ năm ngoái - hiện đang cản trở và kìm hãm mạnh mẽ quá trình phục hồi ổn định và tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Lập luận này chỉ ra rằng hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho công cuộc "phá vòng luẩn quẩn" đình - lạm nhằm tái lập ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Việt Nam không dừng lại ở nhiệm vụ "kiềm chế lạm phát" mà phải bổ sung một cấu phần quan trọng khác với mức độ ưu tiên ngày càng cao. Đó là nhiệm vụ chống đình đốn kinh tế, tập trung sức để "cứu" khu vực DN thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, đóng cửa, ngưng hoạt động và thu hẹp kinh doanh.

Vấn đề là cứu bằng cách nào? Hiện khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp nói riêng đang rất yếu, nên một mình việc bơm thêm vốn không thể giải quyết triệt để vấn đề. Thậm chí, nếu không kiểm soát tốt hệ thống "đường dẫn" tín dụng thì việc bơm thêm vốn  có thể còn gây ra cú sốc mới đối với nền kinh tế. Đó là gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, hút nguồn lực quốc gia đang rất khan hiếm vào "lỗ đen" nợ xấu bất động sản và đẩy lạm phát tăng cao trở lại.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là phải "cấp cứu để hồi sức" cho DN thông qua các giải pháp về thuế và kích thích tiêu dùng, đẩy tăng tổng cầu  để khơi thông đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Một khi sản phẩm đầu ra được tiêu thụ tốt, sức khỏe của DN dần hồi phục, khi đó việc hạ lãi suất, nới lỏng tín dụng mới có tác dụng.

GS.TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật