Thứ Bảy, 19/05/2012 14:11

Suy giảm kinh tế: doanh nghiệp phải tự cứu mình

Dù có nhiều gói giải pháp cứu doanh nghiệp được đề ra nhưng để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi có những tác động từ bên ngoài, các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn xuất khẩu 2012 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức hôm 18.5.

Niềm tin suy giảm

Ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng việc cứu nền kinh tế bắt đầu từ doanh nghiệp.

Có năm gói giải pháp tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế được đưa ra, từ giảm thuế, giảm tiền thuê đất cho đến việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… Tuy nhiên theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, quan trọng nhất là gói tài chính gắn liền với việc tái cấu trúc ngân hàng. Việc giảm lãi suất, hay áp trần 15% cho 4 lĩnh vực (xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và công nghiệp phụ trợ) đang chạm đến gần như toàn bộ nền kinh tế vì doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp. "Giải pháp đưa ra đang có lợi cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay vốn ngân hàng và đủ chuẩn tín dụng, tuy nhiên trong tình hình kinh doanh hiện nay thì phần lớn sẽ không vươn tới được vì các khoản nợ kéo dài".

Gói giải pháp tài chính cũng hỗ trợ việc cơ cấu lại nợ theo hướng ngân hàng giãn nợ cho doanh nghiệp, thu hồi nợ nhưng với mức lãi suất thấp hơn mức cho vay trước đây để doanh nghiệp có điều kiện xoay xở, hoặc tạo cơ hội quay lại chuẩn tín dụng để có thể tiếp tục vay mới và duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế vì quy định ngân hàng tái cơ cấu nợ nhưng không được giảm chuẩn tín dụng, việc siết chặt này đang khiến cho doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. "Các ngân hàng thương mại bao giờ cũng đứng trên lợi ích của mình trước, chưa kể có thể lợi dụng quy định này làm lại tín dụng và che giấu nhiều khoản nợ xấu".

Theo TS Nghĩa, doanh nghiệp đang suy kiệt vốn mà ngân hàng lại đóng băng tín dụng là tình trạng tồi tệ của nền kinh tế. Chính phủ đang nỗ lực giải quyết tình trạng này nhưng sẽ còn rất mong manh nếu khối doanh nghiệp vừa và nhỏ không được khoanh, xoá nợ, giãn nợ để có cơ hội tiếp cận vốn vay mới đưa vào lưu thông. "Chừng nào chưa có đủ niềm tin giữa các ngân hàng thương mại và niềm tin giữa doanh nghiệp với ngân hàng thì khó khơi thông được tảng băng tín dụng", ông nhận định.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng việc cứu nền kinh tế bắt đầu từ doanh nghiệp, những giải pháp hỗ trợ cần kịp thời và cấp tập nhưng phải đồng bộ, nếu chậm cũng là cách làm tăng chi phí và lãng phí. Lâu nay thị trường đề cập quá nhiều về lãi suất cao, phải hạ lãi suất nhưng việc nói và làm chưa đúng thực tiễn. Theo ông, cần tính toán chi phí doanh nghiệp hiện nay từ phí, thuế, lãi ngân hàng, các loại phí gián tiếp và trực tiếp và tính toán giảm cho doanh nghiệp trên cơ sở thống kê. Mỗi người dân hiện đang phải chịu bao nhiêu loại phí, mỗi doanh nghiệp đang đóng bao nhiêu loại phí… trên cơ sở đó loại bỏ mức phí lỗi thời, mức cao thì giảm bớt, phí mới thì hoãn thi hành.

TS Nghĩa nhận định tình hình kinh tế có dấu hiện phục hồi. Đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước kết thúc chương trình tái cấu trúc khu vực ngân hàng sẽ thiết lập lại trật tự ở ngân hàng thương mại, thì khả năng giảm lãi suất càng mạnh hơn, dự báo mức 12-13% là hợp lý cho năm 2012-2013.

Tự cứu mình

Theo ông Trần Xuân Giá, những tác động khó khăn sẽ còn kéo dài vì kinh tế đang có nhiều dấu hiệu rơi vào suy giảm sâu. Đầu tư nước ngoài giảm liên tiếp trong năm quý. Một nền sản xuất thiên về gia công nhưng giảm nhập siêu, đặc biệt mức giảm rơi vào nhóm nhập nguyên vật liệu cho sản xuất là điều đáng báo động. Nhu cầu vốn giảm trầm trọng cũng phản ánh khó khăn của toàn nền kinh tế, hàng tồn kho đến 31.3 lên đến 35%.

Lạm phát vẫn là câu chuyện lớn dù hiện mặt bằng giá đã giảm xuống bởi sức mua suy giảm, sản xuất co hẹp. "Các dự báo lạm phát cũng chỉ là tạm thời vì nó dễ dàng quay lại bất cứ lúc nào. Hơn ai hết, trong lúc khó khăn này mỗi doanh nghiệp nhìn lại yếu kém của mình để tổ chức lại khâu sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm, thị trường và bộ máy quản trị để tự cứu mình trước", ông Giá khuyến cáo.

"Doanh nghiệp phải có kỹ năng cần thiết vì nguyên tắc là doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng không thể sống với nợ xấu chồng chất. Các doanh nghiệp cũng có thể liên kết lại để đạt được chuẩn tín dụng là tốt, liên minh để nói với ngân hàng về cách xử lý vốn, đầu vào đầu ra, lao động, thị trường… để hai bên cùng có được niềm tin vượt qua khó khăn". (TS. Lê Xuân Nghĩa)

TS Nghĩa cũng khuyến cáo, doanh nghiệp nên quản lý tài chính chặt chẽ vì tình trạng nguy hiểm phổ biến nhất trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là có lợi nhuận nhưng dòng tiền rất kém. Điều đầu tiên là tập trung quản lý thanh khoản, quản lý tài sản, đưa quản lý đầu tư xuống thứ yếu nhằm bảo đảm dòng tiền dương trong mọi trường hợp. Ông lưu ý tình trạng nhiều doanh nghiệp sai lầm khi được ngân hàng khuyến cáo đảo nợ bằng vốn vay chợ đen, nhưng thực tế ngân hàng đòi nợ xong không cho vay lại đã đẩy các doanh nghiệp quần nhau ngoài chợ đen, làm nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nguy khốn. "Chấp nhận nợ và bị hạ chuẩn tín dụng và tìm cơ hội, dứt khoát không đảo nợ liên quan đến chợ đen vì lời hứa tái cho vay của ngân hàng lúc này là rất mong manh".

Nguyên tắc cơ bản là các ngân hàng luôn sẵn sàng đàm phán với doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ và cho vay, miễn là doanh nghiệp công khai điểm yếu điểm mạnh của mình, cùng bàn tính kế hoạch phục hồi kinh doanh, phục hồi sản xuất và kế hoạch trả nợ.

Tuyết Ân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Sai phạm tại Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng (19/05/2012)

>   ANZ Bank: Việt Nam trong tầm ngắm của những tập đoàn lớn (19/05/2012)

>   Hội chứng 'tiền hiệu lực' (19/05/2012)

>   Tạo không gian tài khóa cho tái cơ cấu kinh tế (18/05/2012)

>   Chính phủ lý giải nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó (18/05/2012)

>   Đúng thuốc, đúng liều (18/05/2012)

>   Quốc hội sẽ xem xét Đề án tái cơ cấu kinh tế (17/05/2012)

>   Thiếu thông tin nợ công khu vực DN nhà nước (17/05/2012)

>   TPHCM khởi công tuyến metro số 1 với tổng đầu tư hơn 2 tỷ USD (16/05/2012)

>   Hội nghị CG giữa kỳ họp tại Quảng Trị đầu tháng 6 (16/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật