Thứ Sáu, 25/05/2012 14:56

Gói hỗ trợ 29.000 tỷ “quá yếu ớt”

Vẫn là tình hình doanh nghiệp, với nhận định và cả đoán định còn mịt mờ hơn cả lần trò chuyện tại kỳ họp trước, "cà phê cuối tuần" với VnEconomy, đại biểu Quốc hội - doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I có những khoảng lặng của sự ngập ngừng.

Cảm giác ngập ngừng của một người nhìn thấy vấn đề, nhưng "lực bất tòng tâm" dường như trở đi trở lại trong từng câu trả lời của vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam này.

Nửa năm trước, chính xác là ngày 16/11/2011, ông đã nói với VnEconomy rằng: "Từ năm 1988, khi tôi bắt đầu làm kinh doanh, cá nhân tôi chưa bao giờ thấy tình hình của các doanh nghiệp xấu như bây giờ". Còn trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp đó, ông đã đưa ra nhận định đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, thì có thể phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Theo ông nhận định này bây giờ đã "lạc hậu" chưa?

Tôi nghĩ là mình dự báo không sai và thực tế đã diễn ra như vậy. Trừ những doanh nghiệp thật xuất sắc ra thì số còn lại sống sót được là do tìm được nguồn vay với lãi suất thấp hoặc bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài thôi.

Tại sao nhà đầu tư ngoại mua được lúc này? Vì chi phí vốn của họ thấp hơn rất nhiều nên họ có thể mua được rất nhiều doanh nghiệp tốt của Việt Nam. Điều đó đang xảy ra. Những đơn vị may mắn lọt vào tầm ngắm như vậy thì còn sống sót, còn hầu hết không biết tương lai của mình ra sao.

Chỉ có ngân hàng là ngành sướng nhất hiện nay, vì đầu vào được giới hạn. Họ đâu có trả quá 12% cho người gởi tiền. Còn lãi suất cho vay 15% chỉ dành cho 4 nhóm hàng thôi, ngành khác vẫn 18 đến 19%. Đâu có ai khống chế họ đâu. Như vậy ngân hàng vô tình được đặc ân. Doanh nghiệp ngành khác có được giúp như vậy hay không?

Còn chuyện nữa tôi không biết mình có nên nói thoải mái hay không.

(Dừng lại khá lâu...)

Bây giờ mình cho giãn nợ, cơ cấu lại nợ. Với doanh nghiệp thì đó là điều tốt, bởi vì mình giúp doanh nghiệp đang khó khăn, không trả được nợ ngân hàng có cơ hội kéo dài khoản nợ, thêm cơ may để sống sót và qua được cái đận khó khăn này.

Nhưng mình cần nhớ rõ là nếu những khoản nợ xấu đó vì chuyện giãn nợ, cơ cấu lại nợ mà thành nợ tốt thì mang ý nghĩa kinh tế gì? Mình sẽ che giấu sự thật, không nhìn vào sự thật. Nếu giãn nợ mà nợ nhóm xấu thành nợ nhóm tốt thì sẽ không có dự phòng cần thiết, hóa sổ sách đẹp hết, nhưng là đẹp giả tạo. Nếu hàng vẫn không bán dược thì dù có được giãn nợ doanh nghiệp vẫn có thể "đi" bất cứ lúc nào. Và như thế thì ngân hàng cũng "đi" theo luôn.

Cho phép giãn nợ, cơ cấu lại nợ phải đi kèm với giải pháp để đề phòng rủi ro đó. Nếu không như thế là mình đi vào vòng luẩn quẩn: đang xấu thành đẹp và có thể đang đẹp thành xấu bất ngờ. Ai chuẩn bị đối phó với mấy chuyện đó đây?

Cái xấu chung thì ai cũng nhìn thấy rồi. Đúng là khủng hoảng cả thế giới có ảnh hưởng đến mình, nhưng bản thân mình phải nhìn nhận các nền kinh tế đang phát triển khác cũng bị ảnh hưởng, mà tại sao họ lại không xấu như mình. Mình phải đặt rõ vấn đề như thế để giải quyết cho rốt ráo. Còn không thì…

Tình hình doanh nghiệp trên thực tế và các con số qua báo cáo của cơ quan quản lý có khoảng cách nào không, thưa "ngài" Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam?

Rất tiếc là chính tôi cũng không có con số về tình hình doanh nghiệp qua điều tra chính xác của từng địa phương, nhưng đi thực tế thì thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn chựng lại. Tôi có thể khẳng định là nhiều doanh nghiệp lớn đứng lại, trong khi số nhỏ và vừa thì không sống nổi.

Rất nhiều kho hàng đang mênh mông, bán đâu có được. Đó là chuyện chung chứ không đặt vấn đề ai phá sản, ai ngừng hoạt động gì cả. Sắp tới có tồn tại được hay không là câu hỏi chung, và nói chung tinh thần anh em là thấp.

Đương nhiên có những nhóm doanh nghiệp được cơ cấu nợ hay có quan hệ tốt thế nào đó sẽ qua được giai đoạn này. Thế là đáng mừng cho họ, còn nói chung số đông không biết mình đi đâu cả. Chắc chắn không có mở rộng đầu tư, giữ việc làm. Bây giờ cắt được chi phí nào phải cắt chứ. Có những doanh nghiệp đã ráng giữ công nhân hy vọng qua được dăm ba tháng, giờ chấp nhận cho nghỉ, chứ biết làm sao. Gồng nữa sao gồng nổi. Cứu mình trước chứ ai cứu mình được. Chuyện đó giờ cực kỳ phổ biến.

Hiện quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp đã dần biến thành hành động cụ thể, các chính sách cũng đang được tính đếm để đối phó với dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế. Vậy có còn con đường nào để doanh nghiệp thử đặt chân vào xem sẽ đi đến đâu không, thưa ông?

Đường nào thử được thì nhiều doanh nghiệp đã thử hết. Bất cứ chuyện gì làm được tạo ra cho mình cơ hội sống, con đường sống là thử hết rồi. Thậm chí có doanh nghiệp còn rất tiêu cực là dẹp bớt cơ ngơi ở Việt Nam và chuẩn bị cho họ một quốc tịch khác. Đó là chuyện đang xảy ra.

Còn doanh nghiệp của chính ông thì sao?

Chịu, mình không xử lý một cách tiêu cực được. Điều mình có thể làm là tính toán lại ngành kinh doanh chủ chốt rồi phải giữ cho bằng được. Đến mức mình chết thì nó chết, mình sống thì nó sống. Tập trung vào đó thôi còn dẹp hết mấy chuyện tính toán dài hơi khác Nếu mình sống được thì nó sống chứ biết sao giờ?

Vậy "các hỗ trợ tích cực hơn" mà ông đề nghị từ kỳ họp trước, theo quan sát của ông đã xuất hiện chưa và nếu có thì tác dụng thế nào?

Tôi không phải là người có thể đưa ra chính sách. Mình có thể góp ý nhưng không đủ thông tin, không đủ cơ sở thì cũng không thể buộc ai phải theo cả. Nhưng tôi có cảm giác rằng chúng ta chưa đủ lực để giải quyết vấn đề, nên những cái đưa ra có vẻ yếu ớt quá.

Ví dụ, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, theo tôi là yếu ớt. Xem thử ngân sách thực sự bỏ ra ở đây là bao nhiêu? Giúp được bao nhiêu doanh nghiệp? Và chưa tăng được 1% tổng cầu thì đâu có đáng bao nhiêu. Đó không phải là tính toán của tôi mà là tính toán của CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - PV). Đó là tín hiệu yếu. Nếu thực sự lực của mình có thể chấp nhận được thì nên ngay lúc này, khi mọi người rất cần thì mình nên đưa ra giải pháp mạnh hơn, lớn hơn, đẩy tổng cầu lên nhiều hơn.

Ví dụ đừng nên giãn thuế VAT trong giai đoạn này, mà miễn được thì nên miễn hẳn. Nếu không miễn được thì giảm 50% trong một năm hoặc hai năm.

Như tôi đã nói với bạn đấy. Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp nhau lúc này chỉ muốn khóc. Mình kéo dài chuyện này được bao lâu? Nếu hỗ trợ không đủ để doanh nghiệp chết đi thì còn gì để mà cứu?

Bất kỳ hỗ trợ nào cũng quý cả nhưng hỗ trợ đó có đủ hay không lại là chuyện khác.

Nhưng còn nguồn lực đất nước?

Đó là câu hỏi tôi không trả lời được, vì không có đủ thông tin.

Đại biểu Quốc hội không nắm chắc nguồn lực của đất nước thì thật khó có thể quyết định được những vấn đề quan trọng?

Trách nhiệm của đại biểu có thể đóng góp cái gì thì mình làm hết trách nhiệm của mình thôi. Các quyết định của Quốc hội cũng hầu hết căn cứ vào đề xuất của Chính phủ thôi. Mình đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để thực hiện cho nhanh hơn thôi. Nếu Chính phủ đã hết sức cân nhắc mà mình muốn nhiều hơn quá khả năng cho phép thì nói thêm cũng không được.

Bên cạnh khó khăn của doanh nghiệp, những vấn đề nào khiến ông “ám ảnh” qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này?

Lớn nhất vẫn là chuyện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước. Như Vinalines hoạt động vậy thì quá buồn.

Còn đối với cử tri thì giá cả là chuyện lớn nhất. Dân buồn vì giá cả tăng quá cao làm chất lượng cuộc sống của họ giảm sút. CPI đã giảm nhưng cuộc sống của dân quá khổ đi. Dân ở Bình Dương là dân giàu mà còn thấy khổ, nên mình cảm thấy thật đau lòng. Đó, hai vấn đề đó là lớn nhất.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có “phê” Chính phủ chưa đánh giá sâu sắc tình trạng suy giảm kinh tế, ông có đồng tình?

Suy giảm với lực lượng dân doanh trong nước, hầu hết là nhỏ và vừa, thì không phải bàn thêm, và suy giảm kinh tế dẫn đến bất ổn là đương nhiên, còn đánh giá đã đủ sâu sắc hay chưa thì tôi không có đủ thông tin để nhận xét.

Nguyên Thảo

tbktvn

Các tin tức khác

>   Tiến sĩ Thomas Jandl: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt (25/05/2012)

>   CTCK hàng đầu nào đã dự báo “trúng phóc” CPI tháng 5? (25/05/2012)

>   Việt Nam cần tăng cường kiểm soát đầu tư công (25/05/2012)

>   1/3 DN Châu Âu cân nhắc giảm đầu tư vào VN (25/05/2012)

>   DNNN không có vai trò điều tiết nền kinh tế (25/05/2012)

>   Báo cáo kinh tế Việt Nam 2012: Khuyến nghị xem lại mô hình kinh tế (25/05/2012)

>   Đề án tái cơ cấu kinh tế: Từ hào hứng sang… thất vọng! (24/05/2012)

>   VEPR: Tăng trưởng năm 2012 chỉ khoảng 5.1% (24/05/2012)

>   Doanh nghiệp Italy tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam (24/05/2012)

>   Cần có giải pháp căn cơ để đạt chỉ tiêu GDP năm 2012 (24/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật