Chủ Nhật, 27/05/2012 08:37

Siết việc sử dụng vốn nhà nước

Vấn đề của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và Tập đoàn Hàng hải VN (Vinalines) nằm ở chỗ những cá nhân được giao đại diện vốn chủ sở hữu cố tình không chấp hành chỉ đạo của chủ sở hữu.

Đồng thời còn làm trái quy định pháp luật.

Ông Đặng Quyết Tiến (phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính)

Ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết như vậy khi được hỏi về những sai phạm trong việc sử dụng vốn ở các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Theo ông Tiến, để ngăn chặn những sai phạm này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do Nhà nước là chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước (gọi tắt là quy chế) và dự thảo nghị định đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước làm vốn chủ sở hữu (gọi tắt là nghị định).

Phải có cơ chế phòng ngừa rủi ro

"Vấn đề quan trọng là con người! Nếu vẫn còn tình trạng cán bộ cố tình làm trái quy định thì chắc chắn sẽ xảy ra sai phạm, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước"

Ông Đặng Quyết Tiến (phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính)

* Thưa ông, tới đây khi nghị định được ban hành thì có ngăn chặn được việc đầu tư vốn nhà nước tùy tiện như đã xảy ra ở một số DN nhà nước?

- Trong dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể những lĩnh vực gì mà Nhà nước sẽ đầu tư và không đầu tư. Cụ thể là những lĩnh vực gì mà tư nhân làm được thì Nhà nước sẽ không đầu tư nữa, mà Nhà nước chỉ nắm những vấn đề then chốt phục vụ dân sinh. Khi đó, việc đầu tư ngoài ngành, không phải là lĩnh vực chính của DN thì phải thoái vốn trước ngày 31-12-2015.

Bên cạnh đó, DN nhà nước phải xây dựng quy chế giám sát vốn, quy định về quản lý tài chính trong DN. DN phải có cơ chế phòng ngừa rủi ro thông qua dự phòng, qua cơ chế mua bảo hiểm và phân định rõ phân cấp trong quản lý tài chính giữa chủ sở hữu và hội đồng thành viên. Theo đó, chủ sở hữu sẽ quyết định đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu, đồng thời phân cấp cụ thể cho hội đồng thành viên. Đơn cử, về các dự án đầu tư: chủ sở hữu sẽ quyết định chủ trương, danh mục dự án đầu tư; trong danh mục dự án đã được quyết định, chủ sở hữu sẽ phân cấp cho hội đồng thành viên được quyền quyết các dự án cụ thể. Đối với các dự án nằm ngoài danh mục thì DN phải xin ý kiến từng dự án. Đồng thời, các dự án được quyết định thực hiện chỉ khi đã thu xếp đủ vốn và được thẩm định có hiệu quả.

* Còn quy chế thì sao, có ngăn chặn được việc DN đầu tư sai hay chỉ phát hiện khi mọi chuyện đã quá muộn?

- Quy chế lần này có quy định hệ thống chỉ tiêu giám sát, trong đó bổ sung chỉ tiêu giám sát về danh mục và các dự án đầu tư theo kế hoạch hằng năm. Đồng thời, giám sát cả việc huy động vốn và sử dụng vốn đầu tư theo từng doanh nghiệp. Như vậy chúng ta có thể kiểm soát được các dự án đầu tư cũng như việc triển khai các dự án.

Công khai, minh bạch tài chính

* Lâu nay, DN nhà nước làm ăn như thế nào, hiệu quả đến đâu hầu như thông tin rất mù mờ. Vậy trong quy chế giám sát có đặt ra vấn đề này?

- Vấn đề quan trọng góp phần để giám sát được DN là buộc DN đó phải minh bạch thông tin. Tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu xây dựng ban hành quy định, chỉ tiêu để yêu cầu các DN nhà nước công khai minh bạch tài chính như các chỉ tiêu của công ty đại chúng. Tức là DN sẽ phải công khai thông tin đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của DN để người dân, nhà đầu tư giám sát chứ không chỉ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước hay nội bộ DN như hiện nay. Khi bị giám sát như thế đòi hỏi DN phải nâng cao tính chịu trách nhiệm, nghĩa vụ giải trình về những thông tin mà mình công bố.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc phát hiện và ngăn chặn sai phạm của các DN nhà nước trong việc sử dụng vốn nhà nước một phần do sự phối hợp của các bộ ngành chưa thật tốt?

- Quy chế đưa ra cũng tập trung giám sát chặt chẽ vào những chỗ nào có khả năng xảy ra sai phạm, thất thoát như các danh mục đầu tư, dự án đầu tư, các vấn đề về quy định vốn. Nhất là việc phải có vốn đầy đủ rồi thì mới triển khai dự án. Đấy là nguyên tắc chung về giám sát vốn của Bộ Tài chính. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, trong quy chế chúng tôi cũng đề nghị các bộ quản lý ngành phải nghiên cứu để xây dựng các tiêu chí giám sát riêng biệt về kinh tế kỹ thuật để đảm bảo giám sát đầy đủ, chính xác theo từng chuyên ngành, lĩnh vực. Ví dụ như ngành xây dựng, hàng hải có những đặc thù riêng nên cần thiết phải có quy chế giám sát chỉ tiêu kỹ thuật cùng với các chỉ tiêu giám sát tài chính để có hệ thống đồng bộ giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Nếu có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, các bộ trong việc giám sát sử dụng vốn nhà nước cũng như triển khai các dự án đầu tư thì chắc chắn sẽ cảnh báo, ngăn ngừa được sai phạm như ở Vinalines, Vinashin.

Tự chủ quá rộng, báo cáo sai

Luật DN nhà nước trước đây đã quy định trao cho DN quyền tự chủ quá rộng dẫn đến việc nhiều DN nhà nước không thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời với chủ sở hữu nhà nước cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính DN; cá biệt có DN còn báo cáo sai sự thật dẫn đến chỉ khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc mới chỉ ra cụ thể các sai phạm.

Phân định rõ trách nhiệm

Quy chế giám sát phân định rõ trách nhiệm của từng đối tượng. Cụ thể: chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm với vốn mà mình đã giao, với con người mà mình cử xuống, cả việc giao kế hoạch sử dụng vốn cho người đại diện. Nếu giao vốn mà người ta thực hiện đúng theo chỉ đạo nhưng vẫn xảy ra sai sót thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm, còn DN phải báo cáo và phải giải trình việc mình làm. Quy chế lần này thiết kế chế độ báo cáo thường xuyên theo quý, sáu tháng và năm. Trường hợp cần thiết có chế độ báo cáo đột xuất theo yêu cầu quản lý, quản trị của chủ sở hữu.

LÊ THANH thực hiện

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (26/05/2012)

>   Kinh tế Việt Nam: Sau 'đáy tạm' là gì? (26/05/2012)

>   Kinh tế 5 tháng đầu năm phục hồi nhưng chưa rõ nét (25/05/2012)

>   “Liệu Việt Nam cuối cùng đã ổn?” (25/05/2012)

>   Gói hỗ trợ 29.000 tỷ “quá yếu ớt” (25/05/2012)

>   Tiến sĩ Thomas Jandl: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt (25/05/2012)

>   CTCK hàng đầu nào đã dự báo “trúng phóc” CPI tháng 5? (25/05/2012)

>   Việt Nam cần tăng cường kiểm soát đầu tư công (25/05/2012)

>   1/3 DN Châu Âu cân nhắc giảm đầu tư vào VN (25/05/2012)

>   DNNN không có vai trò điều tiết nền kinh tế (25/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật