Bộ NN&PTNT phủ nhận việc cho nhập chất cấm
Gold Protein Peptide (SSI) là chất được phép sử dụng trong chăn nuôi và có trong danh mục cho nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2005. Không có chuyện Bộ NN&PTNT lại cấp phép nhập chất cấm.
Ông Phạm Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí chiều 11/4, trước thông tin có tờ báo cho rằng Bộ này cho phép nhập chất cấm. Ông Dương nhấn mạnh: "Không có chuyện Bộ NN&PTNT, cũng nhưng các bộ ngành khác, lại đi cấp phép cho nhập chất tạo nạc. Bởi đó là chất cấm, không được sử dụng trong bất cứ các hình thức nào".
Chất cấm có thể bị trà trộn vào
- Vậy đâu là lý do Bộ NN&PTNT cho phép nhập chất Gold Protein Peptide (SSI)? Chúng có tác dụng gì trong chăn nuôi?
Ông Phạm Xuân Dương: Chất này hoàn toàn được phép sử dụng trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam từ năm 2005. Đó là một dạng peptide của protein, được thuỷ phân từ đậu tương, làm cho con vật dễ tiêu hoá, hấp thụ thức ăn hơn. Trong danh mục thức ăn chăn nuôi có ghi công dụng là "tăng quá trình tổng hợp protein, kích thích tăng trưởng", từ kích thích tăng trưởng ở đây có nghĩa là chất kích thích cho con vật ăn ngon miệng mà không gây tác hại, để lại hậu quả gì xấu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khoẻ con người.
- Vậy tại sao Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) lại phát hiện ra lô hàng SSI do một DN nhập về lại chứa chất cấm (chất tạo nạc Beta Agonits)?
Tôi khẳng định là các công ty thức ăn chăn nuôi được sản xuất, kinh doanh một cách hợp pháp chất SSI tại Việt Nam vì Bộ NN&PTNT đã cho phép. Còn việc chất này có chất cấm hay không thì đấy lại là việc khác. Về nguyên bản đó không phải là chất cấm, nó là protein, là các amino axit.
Còn khi vào Việt Nam, có thể nó đã không còn nguyên bản nữa mà bằng cách này hay cách khác, chất cấm salbutamol và clenbuterol đã được đưa vào. Rõ ràng chúng ta cần phải phân tích, xét nghiệm xem có đúng hay không (phân tích định tính và định lượng). Nếu đúng, thì đó là sản phẩm làm giả, vi phạm pháp luật. Công ty nào sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm giả này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Nếu SSI có chưa chất cấm thì theo ông, nó được trộn khi vào Việt Nam hay khi ở bên ngoài biên giới nước ta?
Cái đó tôi không dám trả lời, bởi thực tế phải là cơ quan đang tiến hành kiểm tra là C49 và Chi cục Thú y TP.HCM.
- Hiện có hàng trăm loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có từ Trung Quốc. Trong số này liệu có xảy ra tình trạng tương tự là chất cấm bị trà trộn vào qua con đường nhập khẩu chính ngạch?
Cần tăng cường khâu quản lý chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi. Còn việc chúng ta cấp phép, theo quy định, thì các loại nguyên liệu có trong danh mục thức ăn chăn nuôi mà Bộ NN&PTNT ban hành, thì khi nhập khẩu họ không phải xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước nữa. Các DN chỉ cần làm thủ tục với cơ quan hải quan là thông quan, chúng ta sẽ hậu kiểm. Trừ trường hợp đặc biệt, cơ nguy cơ vi phạm chúng tôi mới đề nghị lấy mẫu kiểm tra với tính chất ngẫu nhiên.
- Liệu khi làm rộng ra, tức kiểm tra liệu loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác, chúng ta có phát hiện ra các trường hợp tương tự như SSI không?
Chúng ta không thể khẳng định được tất cả các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về Việt Nam hay đang lưu hành lại không có chất cấm hay chất tồn dư. Quan điểm của tôi là phải kiểm soát hay giám sát tất cả, chứ không chỉ riêng SSI. Và chất cấm cũng không chỉ có chất tạo nạc, mà là nhiều chất khác.
- Làm thế nào để kiểm soát được chất cấm được tuồn vào qua nguyên liệu thức ăn nhập khẩu theo con đường chính ngạch, thưa ông? Hơn nữa, Thông tư 66 và 81 do Bộ ban hành về việc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trước khi thông quan lại đến 1/7/2012 mới có hiệu lực?
Theo tôi, cần kiểm tra chất lượng tất cả các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trước khi thông quan vào Việt Nam, đặc biệt các loại hàng hoá có nguy cơ cao, có thễ nhiễm hoặc có thể sử dụng chất cấm, chất chúng ta không khuyến khích.
Tất nhiên, đây là vấn đề lớn vì chúng ta nhập 9-10 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, với mấy trăm chủng loại. Vấn đề khó khăn đặt ra là làm thế nào kiểm soát được chất lượng mà không gây ách tắc cho sản xuất?
Trên thực tế, những thông tư trên có hiệu lực từ 10/10/2011 rồi, nhưng chỉ có một nội dung là đến 1/7/2012 mới tiến hành kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu vì hàng hoá chúng ta nhập nhiều, cửa khẩu rộng. Đương nhiên từ giờ đến thời điểm văn bản trên có hiệu lực, chúng ta sẽ tăng cường kiểm soát. Những nhóm có chứa chất cấm như SSI - nếu đúng là có từ nguồn nhập khẩu thì 100% các lô hàng này phải lấy mẫu kiểm tra.
- Thưa ông, có phải lâu nay chúng ta có thiếu sót là quy định thiếu lỏng lẻo khi tất cả các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có trong danh mục thì không phải kiểm tra chất lượng ở hải quan nữa mà chỉ cần làm thủ tục là xong? Vì thế, một số DN đã lợi dụng tình trạng này nhập thức ăn có thể được trộn sẵn chất cấm từ nước ngoài và khai báo là chất cho phép để dễ dàng tuồn vào Việt Nam?
Việc này theo tôi phải hết sức cảnh giác. Tôi cũng đồng tình như vậy để loại trừ vấn đề trên. Nếu không kiểm tra tất cả các thành phần thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu thì tình trạng trên dễ xảy ra. Do vậy tôi nghĩ các nguyên liệu đã có trong danh mục không phải xin phép nhập khẩu là đúng, nhưng phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, với sức khoẻ cộng đồng.
Nguy cơ bùng phát sử dụng chất cấm trở lại
- Từ câu chuyện SSI, Việt Nam có tiến hành tổng kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn toàn quốc không để xác định được mức độ nhiễm chất cấm?
Thực ra không phải từ câu chuyện SSI mà trước đó lâu rồi việc tổng kiểm tra vẫn đang diễn ra và sẽ tăng cường kiểm tra. Chúng tôi cho rằng không chỉ kiểm tra theo chiến dịch mà nên là thường xuyên, đồng bộ và toàn diện. Các cơ quan, các cấp các ngành liên quan đều phải thực hiện việc này, ở tất cả các khâu, từ nhập khẩu, đến sản xuất kinh doanh trong nước, sử dụng trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến.
- Chúng ta có thể hoàn toàn xử lý các công ty vi phạm bằng cách xử phạt hành chính, sau đó nêu tên lên báo đài để người tiêu dùng biết và tẩy chay sản phẩm đó. Bộ NN&PTNT có tiếp tục sử dụng biện pháp này không trong thời gian tới?
Đương nhiên là sử dụng chứ. Tôi nghĩ là đó là hình thức xử phạt hữu hiệu và nặng, chứ phạt hành chính thì 30-40 triệu tưởng là to nhưng người ta có thể khắc phục được. Song, đã nêu lên báo chí là thương hiệu xấu thì lại là vấn đề lớn. Vì thế, các công ty cố tình vi phạm sẽ bị người tiêu dùng và xã hội tẩy chay.
- Ngoài chuyện tăng cường kiểm soát cửa khẩu, hậu kiểm, chúng ta có biện pháp nào khác không để kiểm soát hữu hiệu chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, trả lại niềm tin cho người tiêu dùng?
Trước thông tin đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 11/4/2012 về việc Bộ NN&PTNT cho sản phẩm Gold Protein Peptide vào danh mục thức ăn chăn nuôi được phép nhập khẩu, và sản phẩm này được phát hiện có chất tạo nạc, Bộ NN&PTNT cũng gửi công văn yêu cầu Cục Chăn nuôi báo cáo lãnh đạo Bộ chi tiết sự việc trước ngày 13/4/2012. |
Tôi cho là kiếm soát an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, không phải riêng ngành nào, rất cần sự chia sẻ của dư luận xã hội. Muốn lấy lại được niềm tin thì chính người tiêu dùng cũng nên tham gia có trách nhiệm, cùng tham gia giám sát, bởi việc sử dụng chất cấm hiện rất nhỏ lẻ, luồn lách trong thôn bản, làng xóm... Không ai biết rõ hơn người chăn nuôi bằng chính chính quyền địa phương đó, bằng chính hàng xóm láng giềng tham gia vào quá trình tố giác. Như vậy, việc kiểm soát sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so vưói xử lý của luật pháp, bởi có những cái luật pháp không thể tiếp cận được.
Hơn nữa, cần phải tuyên truyền rộng rãi. Vừa rồi tôi đi một số địa phương trong Nam người dân rất vô tư hỏi "tôi vẫn mua thức ăn sử dụng cho lợn bình thường, tại sao lợn nhà tôi lại dương tính" - người ta nói một cách mơ hồ về luật pháp. Đương nhiên cũng có nhiều trường hợp cố tình mà vẫn chối, nhưng đa phần là thật thà mà tính tuỳ tiện đã là bản chất.
Cần nâng cao ý thức pháp luật đồng thời có cam kết của người chăn nuôi, người sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, người giết mổ và người chế biến thực phẩm với chính quyền cơ sở là không sử dụng, không bao che việc sử dụng chất cấm và tố giác khi phát hiện ra thông qua đường dây nóng của các địa phương. Luật pháp cũng là quan trọng nhưng xã hội hoá để phát hiện ra thì kiểm soát tốt hơn.
- Ông có bất ngờ với việc phát hiện chất tạo nạc đang được lưu thông, sản xuất tràn lan vừa qua không?
Tôi cũng bất ngờ vì hình thức sử dụng chất cấm đã phức tạp hơn, tinh vi hơn, không chỉ xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nữa mà cả ở các hộ chăn nuôi công nghiệp (thức ăn tự trộn); đối tượng cung cấp không chỉ trao tay nữa mà đã rộng hơn là các cửa hàng, cửa hiệu. Tôi khuyên người tiêu dùng yên tâm ăn thịt lợn, nhưng nguy cơ bùng phát việc sử dụng chất cấm trở lại là rất lớn nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể chủ quan được.
Ngọc Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|