Sáp nhập hay ‘hà hơi thổi ngạt’?
Tình trạng đua lãi suất đang tái diễn trên thị trường được dự đoán sẽ chấm dứt khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mua bán, sáp nhập (M&A) những ngân hàng yếu vào tháng 4 tới.
Tuy vậy, trước thời điểm này, vẫn còn nhiều băn khoăn về việc bắt buộc hay tự nguyện M&A ngân hàng.
Không M&A, khó xử lý lách trần lãi suất
Hơn một tuần nay, thị trường lãi suất huy động nóng trở lại với hàng loạt chương trình khuyến mãi, gửi tiền theo ngày. Tình trạng mặc cả lãi suất tái xuất hiện, người gửi tiền có thể được hưởng lãi từ 15 - 19% tùy mức tiền gửi. Điều đáng nói, tình trạng mặc cả lãi suất, đua lãi suất huy động bắt đầu ở một số ngân hàng nhỏ đã lan sang nhiều ngân hàng khác, gây rủi ro cho cả hệ thống, đe dọa đến mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ.
Lãnh đạo một ngân hàng trong “nhóm G12” cho hay, hiện nay, lãi suất liên ngân hàng chỉ còn trên dưới 10% nhưng ngân hàng yếu hầu như không thể tiếp cận vì bị đòi hỏi rất cao về tài sản đảm bảo, buộc phải lách trần để xử lý thanh khoản của mình. Để giữ khách hàng lớn, nhiều ngân hàng khác dù không đói thanh khoản cũng phải lao theo.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói: “Hiện nay, nhiều ngân hàng không chỉ khuyến mãi vượt luật, mà còn tăng lãi suất huy động vượt trần. Tình trạng trên cũng nói lên thanh khoản của các ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm. Đáng nói là chuyện vượt trần lãi suất chủ yếu diễn ra ở ngân hàng yếu kém. Vì vậy, xử lý tình trạng vượt trần, lách rào lãi suất, giải quyết thanh khoản ngân hàng phải gắn với xử lý ngân hàng yếu kém”.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia kiến nghị, trước mắt, để ổn định thị trường, NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hệ thống ngân hàng, xử lý mạnh tay, yêu cầu các ngân hàng thương mại cam kết.
Băn khoăn khi giờ G sắp điểm
TS Võ Trí Thành nhận định: “Để giải quyết được thanh khoản của hệ thống ngân hàng, phải xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém. Hiện nay, lạm phát giảm, nhưng lãi suất chưa thể giảm là do thanh khoản vẫn còn căng”.
Nhiều nguồn tin đang cho rằng, việc mua bán, sáp nhập 5 - 8 ngân hàng sẽ được công bố ngay đầu tháng 4 tới. Trên thực tế, ngoài thương vụ ồn ào giữa Eximbank (EIB) và Sacombank (STB), Habubank (HBB)và SHB, nhiều ngân hàng cũng đã lên tiếng về ý định mua lại cổ phần của các ngân hàng khác như Đông Á (DongABank), Maritime Bank (MSB)…
Tuy nhiên, câu hỏi “các ngân hàng bị bắt buộc M&A sẽ đối mặt với những rủi ro hậu sáp nhập ra sao, nhất là khi hành lang pháp lý về vấn đề này chưa rõ ràng” vẫn là chủ đề nóng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty luật quốc tế Mayer Brown cho hay, nhiều nước trên thế giới thường ban hành luật trước khi M&A ngân hàng. Ở Việt Nam, thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên diễn ra êm đẹp vì cùng một chủ. Còn để việc M&A ngân hàng bắt buộc diễn ra thuận lợi, thì cần có luật.
Một luật sư từng tham gia tư vấn M&A trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho hay, việc bắt buộc M&A ngân hàng, nếu chiểu theo luật của Việt Nam hiện nay là bất khả thi. “Đơn cử, theo luật, nếu chuyển nhượng ngân hàng thì phải thông báo với các chủ nợ. Một ngân hàng hiện có khoảng 50.000 người gửi tiền, có nghĩa, các ngân hàng muốn thực hiện M&A phải được đồng ý của 50.000 người gửi tiền. Chưa kể, hiện nay NHNN quy định ngân hàng không được sở hữu chéo”, vị luật sư này cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho rằng, việc tái cơ cấu ngân hàng đang theo hình thức “hà hơi thổi ngạt” cho ngân hàng làm ăn yếu kém. Vẫn theo chuyên gia này, việc tuyên bố không để ngân hàng nào phá sản không khác gì... thưởng cho ngân hàng sai phạm.
Hà Tâm
đầu tư
|