Thứ Tư, 28/03/2012 14:57

Thâu tóm DN: Đại gia kéo nhau ra tòa

Đại gia ngành thép đã cùng bỏ vốn mua lại DN. Tuy nhiên, những rắc rối kéo dài trong thủ tục và thanh toán các khoản nợ đã khiến các ông chủ kéo nhau ra tòa.

Từ một vụ mua bán DN

Bà Nguyễn Thị Toàn - một doanh nhân nổi tiếng trong ngành thép - đã bỏ tiền để mua Công ty CP Kim khí Hưng Yên. Cụ thể, từ tháng 4/2007 đến 6/2007, ông Lê Văn Dũng và bà Lê Ngọc Lan, những người sở hữu cổ phần chi phối của Công ty CP Kim khí Hưng Yên đã quyết định bán cổ phần của mình tại công ty này cho bà Nguyễn Thị Toàn. Bà Toàn sau đó đã thanh toán toàn bộ số tiền của mình mua cổ phần và tiếp nhận nhà máy thép Hưng Yên.

Trong biên bản bàn giao nợ của Công ty CP Kim khí Hưng Yên ngày 1/4/2007, hai bên thỏa thuận: Bên mua (bà Nguyễn Thị Toàn) chỉ thanh toán khoản nợ 340 tỷ của công ty với hai ngân hàng, cộng với khoản 30 tỷ nợ phát sinh khác trong tổng số nợ DN.

Bên bán (ông Lê Văn Dũng) phải thanh toán toàn bộ số nợ cũ với khách hàng. Sau khi đối chiếu công nợ, còn khoản tiền 35.786.675.500 đồng Công ty CP Kim khí Hưng Yên nợ Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp trước ngày 31/3/2007 (biên bản 6/4/2007).

Để thanh toán khoản nợ này, ông Lê Văn Dũng cam kết bán thêm cho bà Toàn 5.000 cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn. Và bà Nguyễn Thị Toàn cam kết sẽ thay ông Dũng trả nợ cho ông Đặng Lê Hoa (Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp). Biên bản nhận nợ với ông Đặng Lê Hoa và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu được ký cùng một ngày 6/4/2007.

Tuy nhiên, do chưa chính thức được nắm giữ cổ phiếu mà đã phải xuống tiền nên trong biên bản nhận nợ (6/4/2007), bà Nguyễn Thị Toàn đã ghi rõ điều kiện nhận nợ là "Nếu sau ngày 31/6/2008, ông Dũng không thực hiện cam kết chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu thì bà Toàn có quyền dùng số phôi thép giao nhận sau ngày 6/4/2007 để trừ công nợ".

Cả ông Lê Văn Dũng và ông Đặng Lê Hoa đã ký tên đóng dấu lên biên bản này mà không có ý kiến phản đối. Đó là toàn cảnh vụ mua bán Công ty CP Kim khí Hưng Yên đã diễn ra tưởng như êm đẹp.

Rủi ro bất ngờ

Ngay sau khi tiếp nhận Công ty CP Kim khí Hưng Yên, bà Nguyễn Thị Toàn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Ngày 6/6/2008, Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp bằng văn bản số 48/TB-CT xác nhận công ty Kim Yến đã trả xong khoản nợ 35.876.675.500 đồng trong cam kết ngày 6/4/2007.

Đầu năm 2008, ông Đặng Lê Hoa và bà Lê Thị Toàn có thỏa thuận vay nợ với số tiền 18.995.291.237 đồng, nâng tổng số nợ của DN bà Nguyễn Thị Toàn lên tròn 50 tỷ. Lãi suất bà Nguyễn Thị Toàn phải trả là 1%/tháng. Hai bên làm cam kết nợ ngày 18/1/2008 và bà Toàn xác nhận nợ ông Hoa số tiền 50 tỷ đồng. Cụ thể, trong số nợ 50 tỷ này bao gồm cả khoản nợ của Công ty CP Kim khí Hưng Yên. Trong khoảng từ tháng 1-6/2008, bà Toàn vẫn đều đều thanh toán tiền gốc và tiền lãi cho ông Đặng Lê Hoa.

Tuy nhiên, vấn đề mới đã nảy sinh là trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Toàn đã xác định rõ, ông Lê Văn Dũng không phải là cổ đông chiến lược của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, thậm chí, tại thời điểm chuyển nhượng cổ phiếu, ông Lê Văn Dũng còn chưa phải là cổ đông của ngân hàng. Thực chất, ông Lê Văn Dũng chỉ sở hữu 5.000 trái phiếu chuyển đổi trị giá 10 tỷ đồng. Vì thế, việc chuyển nhượng cổ phần, cố phiếu giữa ông Lê Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Toàn không thực hiện được.

Vì thế, việc xử lý phải tuân theo thỏa thuận tại Biên bản nhận nợ ngày 6/4/2007 tức là thực hiện theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Toàn. Đến ngày 30/6/2008, đúng với thời hạn cam kết nhận nợ, bà Nguyễn Thị Toàn yêu cầu ông Đặng Lê Hoa đối chiếu công nợ để quyết toán nợ. Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Toàn, ông Đặng Lê Hoa có quyền đòi bà Toàn số tiền 18.995.291.237 đồng, cho bà Toàn vay và các khoản khác của công ty Kim Yến, nhưng phải khấu trừ khoản tiền 35.876.675.500 đồng do việc nhận nợ hộ ông Lê Văn Dũng bị vô hiệu.

Ông Đặng Lê Hoa đưa vụ việc ra tòa án. Khởi đầu là kiện dân sự và sau đó gửi tố cáo tới cơ quan điều tra. Vụ án được khởi tố và bà Nguyễn Thị Toàn từ chỗ đi mua DN, nhận trả nợ thay nay rơi vào cảnh kiện tụng.

Ngày 5/10/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đưa vụ án Hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" của bà Nguyễn Thị Toàn ra xét xử.

Tại đây, Hội đồng xét xử thừa nhận việc bà Nguyễn Thị Toàn nhận nợ hộ ông Lê Văn Dũng số tiền 35.876.675.500 đồng trong biên bản làm việc ngày 6/6/2007 nhưng không thừa nhận ý kiến của bà Toàn cũng trong văn bản này là nếu ông Lê Văn Dũng không thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu thì không nhận nợ.

Thứ hai, thừa nhận nội dung "Biên bản thỏa thuận vay tiền" ngày 18/1/2008. Số tiền được ghi là 50 tỷ, nhưng tòa án lại tách ra 18.995.291.237 đồng là nợ cá nhân, 31 tỷ còn lại là nợ giữa các pháp nhân. Một phần hình sự, một phần dân sự.

Phiên tòa sơ thẩm khẳng định việc bà Nguyễn Thị Toàn gắn việc trả nợ gần 19 tỷ cho ông Đặng Lê Hoa vào việc nhận nợ hộ ông Lê Văn Dũng và đã trả đủ cho ông Hoa gần 36 tỷ đồng là âm mưu chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa sơ thẩm tuyên án bà Nguyễn Thị Toàn 15 năm tù giam.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại công văn số 2461/VKSTC/V1 và công văn 2179/VKSTC/V1 đã nêu rõ quan điểm:

"Bị can Nguyễn Thị Toàn vẫn xác định các khoản nợ vay của ông Đặng Lê Hoa (cả gốc và lãi), đã được hai bên xác nhận nợ bằng văn bản.

Sau khi phát sinh việc vay nhận nợ từ tháng 4/2007 đến tháng 6 năm 2008 bị can Nguyễn Thị Toàn đã thanh toán trả cho ông Đặng Lê Hoa 36.659.954.440 đồng tiền gốc và 3.006.666.000 đồng tiền lãi khoản vay 50 tỷ đồng từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2008. Số tiền còn nợ lại Nguyễn Thị Toàn xin được đối trừ công nợ giữa các bên.

Khoản nợ giữa bị can Nguyễn Thị Toàn và ông Đặng Lê Hoa là vay có đảm bảo bằng tài sản, số tài sản hiện có của Nguyễn Thị Toàn lớn hơn nhiều lần số tiền còn nợ ông Đặng Lê Hoa. Trong khi đó giữa hai người là bạn hàng có mối quan hệ mua bán thường xuyên từ lâu...

Từ những vấn đề nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng: Không đủ căn cứ để khởi tố và truy tố Nguyễn Thị Toàn về tội: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" qui định tại Điều 140 Bộ luật hình sự."

Nhóm PV

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Chống thâu tóm lúc nào? (28/03/2012)

>   Phát hành tăng vốn, "vừng ơi, mở cửa ra"! (28/03/2012)

>   Thâu tóm V-Itasco: 36% và kẽ hở pháp lý (28/03/2012)

>   Lotte chưa thể xóa sổ thương hiệu Bibica, vì sao? (28/03/2012)

>   CTG trở thành ngân hàng TMCP có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam (28/03/2012)

>   Doanh nghiệp muốn có ông lớn “chống lưng” (26/03/2012)

>   MBB đã phát hành gần 262 triệu cổ phiếu (26/03/2012)

>   Ngân hàng nhỏ đua tăng vốn để chống thâu tóm? (26/03/2012)

>   DN Việt mua tài sản nước ngoài: Vui một nửa thôi (26/03/2012)

>   HDM: Phát hành 2 triệu cp để thưởng và trả cổ tức (24/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật