Giảm trần lãi suất: Yêu cầu cấp bách từ thực tiễn
Trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo NHNN tiếp tục thực hiện lộ trình giảm dần lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý. Ngay sau cuộc họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ giảm trần lãi suất huy động xuống 13%/năm trong tháng 3 này. Nếu có đầy đủ các yếu tố thuận lợi mỗi quý sẽ giảm tiếp 1% và dự kiến đến cuối năm 2012 lãi suất huy động chỉ còn 10%/năm. Động thái quyết liệt của cơ quan quản lý đã được sự đồng thuận của các NHTM.
Nhà băng đón đầu
Đón đầu xu thế giảm trần lãi suất huy động của NHNN, từ đầu tuần một loạt NHTM đã tiến hành giảm lãi suất. Eximbank công bố lãi suất huy động có hiệu lực từ ngày 1-3, tiền gửi không kỳ hạn giảm xuống 3,6%/năm, các kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng còn 13,85%/năm và trên 15 tháng lãi suất được áp dụng ở mức 12%/năm. Standard Chartered Bank Việt Nam điều chỉnh lãi suất tiền gửi với mức cao nhất 13,75%/năm ở các kỳ hạn 2 đến 12 tháng. Kỳ hạn 1 tháng chỉ được lãi suất 11,5%/năm, các khoản tiền gửi trên 18 tháng được nhận lãi suất 13,25%/năm.
Shinhan Việt Nam cũng thay đổi lãi suất huy động khi mức lãi suất cao nhất NH này áp dụng là 13%/năm dành cho kỳ hạn 1 và 2 tháng, các kỳ hạn dài hơn có mức lãi suất tiền gửi thấp hơn: 3 tháng 12,8%/năm; 6 tháng 12,4%/năm, 9 tháng 11,5%/năm và các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 10,8%/năm…
Theo một phó tổng giám đốc OCB, cách đây 2-3 tháng nếu giảm trần lãi suất xuống 13%/năm sẽ gây sốc thanh khoản cho hệ thống NHTM, bởi lãi suất cho vay lúc này đã kéo xuống 15-16%/năm so với mức 17-18%/năm trước đó. Vì thế, nếu kéo xuống tiếp 13%/năm người dân sẽ rút tiền chuyển qua các kênh đầu tư khác. Nhưng thời điểm này giảm lãi suất là phù hợp.
Thứ nhất, các NHTM đã có dấu hiệu thừa vốn thể hiện qua lãi suất liên NH giảm rất mạnh, xuống dưới 10%/năm. Lãi suất xuống thấp và doanh số giao dịch trên thị trường liên NH ở một số kỳ hạn giảm đáng kể là 2 chỉ số quan trọng cho thấy tình hình thanh khoản của các NH đang được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt khi đầu ra tín dụng bị hạn chế theo phân nhóm sức khỏe, các NHTM đã dùng tiền huy động mua trái phiếu chính phủ khiến lãi suất trái phiếu giảm khá mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3, nhiều NHTM nhà nước đang thừa vốn nhưng không dám mạnh tay cho vay qua liên NH vì sợ rủi ro NH bạn trả chậm nên cũng bắt đầu hạ lãi suất cho vay để kích tăng trưởng tín dụng.
Có ảnh hưởng tiền gửi?
Vấn đề đặt ra là liệu lãi suất giảm có ảnh hưởng đến huy động vốn của các NHTM? Theo ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng giám đốc HDBank, không quá lo ngại điều này bởi kênh đầu tư vào USD không còn hấp dẫn khi NHNN đã kiềm chế hiệu quả tỷ giá và dự báo năm nay USD sẽ ít biến động. Đầu tư vàng vẫn là kênh tích trữ nhưng với giới đầu cơ thường không mua vàng vật chất mà chủ yếu dùng vàng tài khoản.
Hơn nữa, năm nay giá vàng cũng biến động rất khó lường. Vì vậy, không quá lo dòng vốn tiền gửi sẽ dịch chuyển sang vàng. 2 kênh có thể hưởng thụ nhiều từ việc giảm lãi suất là chứng khoán và bất động sản. Nhưng dòng vốn vào 2 kênh này cũng sẽ quay trở lại NH.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, cho rằng giảm lãi suất hiệu ứng ngay về mặt ngắn hạn là làm giảm tiền huy động. Nhưng sau một thời gian vòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế sẽ tăng trở lại và tăng tính thanh khoản, kéo theo số dư tiền gửi của các doanh nghiệp cũng tăng trở lại.
Do vậy việc giảm lãi suất sẽ làm giảm tiết kiệm của người dân trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm tăng số dư huy động vốn của NHTM trong dài hạn.
Theo một lãnh đạo NH, việc giảm lãi suất huy động xuống 13%/năm cần có một độ trễ nhất định để lãi suất cho vay giảm tương ứng. Đối với khối NHTM quốc doanh có thể giảm nhanh xuống 16,5-17%/năm, khối NHTM cổ phần 17-18%/năm.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng việc giảm lãi suất cho vay còn tùy vào nguồn vốn, giá vốn của các NH. Bởi NHTM không chỉ huy động vốn tiết kiệm mà còn có số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Số dư tiền gửi này lãi suất rất thấp, dưới 5%/năm. Như vậy nguồn vốn của NHTM nào rẻ sẽ có khả năng cho vay với giá rẻ, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.
Những NHTM nào có hệ thống công nghệ thông tin tốt, đội ngũ nhân viên giỏi, dịch vụ đa dạng, sẽ huy động được tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay thấp và chọn được khách hàng tốt cũng như chất lượng hoạt động tốt hơn.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội: 3 nhóm giải pháp kèm theo hạ lãi suất
Chủ trương hạ lãi suất vừa là ý chí của Chính phủ, vừa là yêu cầu bức bách và thực tiễn của nền kinh tế nên việc hạ lãi suất là chắc chắn. Vấn đề là làm sao hạ lãi suất đúng với thực tiễn, tức không chỉ là giải pháp hành chính rồi sau đó các NHTM tiếp tục tìm cách lách.
Để lãi suất giảm theo hướng chắc chắn và bền đòi hỏi phải có giải pháp đi kèm. Thứ nhất, cần sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó ngân sách phải chặt chẽ, chi tiêu công phải hiệu quả; kiên quyết giảm bội chi ngân sách. Thứ hai, đẩy mạnh công tác quản lý giá.
Bởi giá cả nước từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến nay bình quân tăng 3,8%/năm. Điều này có nguyên nhân từ bên ngoài, nhưng nguyên nhân nội tại từ cơ chế, chính sách trong quản lý giá là chủ yếu.
Vì vậy, phải đảm bảo việc công khai minh bạch vấn đề niêm yết giá của các đơn vị bán lẻ, tổ chức phân phối điều hòa cung cầu để tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ; tăng cường công tác về giá.
Thực tế, chỉ số CPI phụ thuộc rất nhiều vào nhóm thực phẩm ăn uống và gia đình, trong khi sản phẩm thuộc nhóm này bán tại các cửa hàng, chợ không có hóa đơn, không niêm yết nên giá biến động bất cứ lúc nào.
Vì vậy, cần phải kiểm soát chặt giá cả nhóm hàng này. Thứ ba, quyết liệt triển khai Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu hệ thống NHTM để không còn những TCTD yếu kém dẫn đến sự cạnh tranh không hợp pháp trong thời gian qua. |
Mai Thảo
sài gòn đầu tư tài chính
|