Dịch vụ ngân hàng: Hết thời bên trọng bên khinh
Thị trường đang dịch chuyển theo hướng ngân hàng nào không làm tốt dịch vụ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Cuộc cạnh tranh dịch vụ đã thực sự làm dấy lên một xu thế mới trong ngành ngân hàng Việt Nam. Từ giữa năm 2011, với chính sách trần lãi suất, về lý thuyết, mức lãi huy động các ngân hàng đưa ra đều kịch trần như nhau. Lãi suất giống nhau chính là lúc khách hàng bắt đầu quan tâm đến những yếu tố khác, đặc biệt là dịch vụ của ngân hàng có thuận lợi cho công việc của mình hay không. Đây chính là lúc các ngân hàng tăng cường dịch vụ để tạo sự khác biệt.
Trước nay, tín dụng vẫn được các ngân hàng tập trung nhiều hơn cả. Bởi tín dụng là một hoạt động đem lại lợi nhuận lớn và dễ dàng cho ngân hàng. Huy động vào chừng này, cho vay ra cao hơn, ngân hàng bỏ túi chênh lệch, không thể lỗ. Trước năm 2008, có rất nhiều ngân hàng mà tín dụng chiếm 70-80% doanh thu. Nếu không phải tình thế bắt buộc, các ngân hàng chẳng mặn mà với dịch vụ. Vì làm dịch vụ thì nảy sinh chi phí lớn, biên lợi nhuận thấp. Ví dụ, năm 2009 tỉ lệ thu nhập từ lãi trên tổng tài sản sinh lời của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đạt 3,78%, trong khi tỉ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản sinh lời chỉ có 0,83%.
Năm 2012, trần huy động vẫn được áp dụng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn bị thắt chặt. Các ngân hàng được hưởng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% còn dám nghĩ tới phát triển hoạt động tín dụng. Riêng những ngân hàng thuộc nhóm 4, không được tăng dư nợ, chỉ có thể trông vào dịch vụ để thu hút khách. Thậm chí với ngân hàng được xếp vào nhóm 1 với chỉ tiêu tăng tín dụng 17% như Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng phải hướng tới dịch vụ như thanh toán quốc tế, chuyển tiền, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, ngân hàng tự động...
Ngoài rào cản trần huy động và chỉ tiêu tăng trưởng, tín dụng đang ẩn chứa nhiều rủi ro. Một số ngân hàng lớn vẫn phải đối diện với tỉ lệ nợ xấu cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng hạn chế đi vay. Có thể dự đoán, lợi nhuận từ tín dụng của ngân hàng sẽ giảm trong năm 2012.
Đối với các đơn vị như Ngân hàng Á Châu (HNX: ACB) và VPBank thì ngay từ đầu đã xác định mục tiêu là bán lẻ nên tập trung phát triển mảng dịch vụ từ trước. Nay đến các ngân hàng tầm cỡ, chuyên bán buôn như Vietinbank (HOSE: CTG), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng lấn sân sang mảng bán lẻ. Đó là chưa kể sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như HSBC, Standard Chartered. Do đó, mức độ cạnh tranh dịch vụ ngân hàng sẽ rất khốc liệt. Xu hướng sẽ là mỗi ngân hàng nhắm vào một thế mạnh nhất định như kiều hối, xuất nhập khẩu, dịch vụ thẻ... chứ không dàn trải như hiện nay.
Thực tế chứng minh những ngân hàng cân đối được nguồn thu từ dịch vụ và tín dụng là ngân hàng tốt. Ví dụ như ACB, dịch vụ chiếm khoảng 50% lợi nhuận, hay Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (HOSE: STB) với 36,72% lợi nhuận từ dịch vụ. Điểm chung của 2 ngân hàng thành công trong mảng dịch vụ này là họ đều có được một mạng lưới giao dịch rộng, có độ nhận diện thương hiệu rất tốt.
Quân Phan
Nhịp cầu đầu tư
|