Tháo “chốt” hạ lãi suất
Khi tiền được bơm từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, các ngân hàng sẽ không còn huy động vốn bằng mọi giá, lãi suất sẽ giảm dần
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (NH) thương mại giai đoạn 2011 – 2015” theo hướng NH Nhà nước và các NH thương mại hỗ trợ cho một số NH thiếu vốn, các NH sẽ tự nguyện hợp nhất hoặc có thể bắt buộc... được nhiều người cho là việc “chốt” chặn hạ lãi suất đã có phương án tháo gỡ.
Giải quyết nợ xấu, bình ổn thanh khoản
Theo nội dung đề án, NH Nhà nước và một số NH thương mại hoạt động lành mạnh sẽ chủ động bơm tiền, mua lại tài sản và các khoản nợ có chất lượng tốt của NH thiếu hụt nguồn vốn ra vào (thanh khoản) nhằm bảo đảm khả năng chi trả của NH đó. Giới phân tích cho rằng khi NH Nhà nước có giải pháp bơm tiền từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, các NH sẽ không huy động vốn bằng mọi giá, tính thanh khoản của nhiều NH yếu kém sẽ dần ổn định, lãi suất sẽ từng bước đi xuống.
Mặt khác, do các NH yếu kém thường là NH nhóm 4 (nhóm không được tăng trưởng tín dụng) nên những NH này sẽ không có nhu cầu huy động thêm vốn. Khi đó, tiền gửi sẽ dồn về các NH khác. Nếu các NH này tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao thì đầu ra sẽ hẹp, buộc phải hạ lãi suất. Vì thế, bên cạnh lạm phát tương đối ổn định, thanh khoản của nhiều NH được giải quyết thì không có lý do gì lãi suất vẫn đứng ở mức cao.
Lãnh đạo của một số NH lớn cho biết sẽ sát cánh với NH Nhà nước hỗ trợ các NH yếu kém. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết Sacombank có đủ kinh nghiệm trong việc hợp nhất NH bởi nhiều năm trước đã thành công qua việc mua lại NH Thạnh Thắng (Cần Thơ).
Vì thế, Sacombank (STB) sẵn sàng hỗ trợ các NH yếu kém nếu được NH Nhà nước chỉ định. Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cũng cho hay nếu NH Nhà nước đề nghị ACB tiếp sức cho NH yếu kém thì ACB luôn ủng hộ. Tuy nhiên, NH Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và tính pháp lý phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho các NH thương mại tham gia xử lý NH yếu kém…
Kiểm soát chặt ngân hàng mua - bán cổ phần
Một trong những giải pháp mà đề án cơ cấu lại hệ thống NH đưa ra là NH yếu kém bị kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp vào các doanh nghiệp. Đặc biệt, sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả cho NH yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu NH đó chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần; cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của NH yếu kém phải chuyển nhượng cổ phần.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng đây là biện pháp nhằm củng cố vững chắc thanh khoản toàn hệ thống NH. Trên thực tế, NH Nhà nước đã tiếp sức 5.000 tỉ đồng cho một NH yếu kém nhằm chống đỡ thanh khoản nhưng NH này lại bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mua cổ phần của NH bạn. Điều này phần nào lý giải vì sao nhiều NH thường xuyên thiếu vốn, khiến lãi suất không thể đi xuống. “Quả là bất công khi một số NH thương mại bỏ mặc vấn đề thanh khoản cho nền kinh tế gánh chịu” - ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhận định: Luật pháp không cấm NH mua - bán cổ phần NH khác. Do đó, NH Nhà nước cần chuẩn bị cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan đến chuyển nhượng cổ phần để việc tái cấu trúc hệ thống NH có thêm điều kiện thuận lợi.
Lộ trình tái cơ cấu
Theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống NH thương mại giai đoạn 2011 – 2015”, từ nay đến hết năm 2012, NH Nhà nước tập trung hỗ trợ thanh khoản, bảo đảm khả năng chi trả của các NH thương mại; triển khai hợp nhất, mua lại xử lý nợ xấu các NH…
Năm 2013, hoàn thành căn bản cơ cấu sở hữu, pháp nhân NH yếu kém… Năm 2014, tiếp tục hợp nhất, mua lại NH trên nguyên tắc tự nguyện… Năm 2015, hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị hệ thống NH. |
Thy Thơ
người lao động
|