Hạ lãi suất, đã dự báo nhưng vẫn bất ngờ
Tuyên bố hạ một loạt lãi suất chỉ đạo của Thống đốc tuy nằm trong dự báo, nhưng nó vẫn tạo ra sự bất ngờ cho cả người gửi tiền và ngân hàng.
Hàng loạt tổ chức tài chính lớn quốc tế đã đưa ra dự báo lãi suất sẽ hạ sau quý I này, thị trường dường như cũng tin tưởng vào một kịch bản này khi sức ép hạ lãi suất đang rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính điều này đã tạo ra một sự bất ngờ khi ngày hôm qua (6/3) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố hạ một loạt lãi suất chỉ đạo.
Cụ thể, trần lãi suất huy động sẽ được hạ xuống mức 13%/năm từ mức 14%/năm hiện nay. Tất cả các lãi suất chủ chốt khác như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu cũng sẽ được hạ xuống 1%/năm trong vài ngày tới vào thời điểm thích hợp.
Sự bất ngờ này không chỉ dành cho người gửi tiền mà cho chính cả các ngân hàng thương mại, rất nhiều ngân hàng vừa mới ban hành biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm nhưng vẫn cao hơn mức 13%/năm. Và giờ đây, họ lại phải tiếp tục cân nhắc cho một biểu lãi suất mới hơn, thay thế biểu lãi suất vừa áp dụng chỉ vài ngày.
Những cái tên vừa được nhắc tới gồm cả ngân hàng ngoại, cũng như ngân hàng nội. Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam, ngày 5/3, vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới với kỳ hạn 1 tháng là 11,5%/năm, các kỳ hạn gửi từ 2 tháng đến 12 tháng lãi suất cao nhất là 13,75%/năm, tiền gửi trên 18 tháng được hưởng lãi suất 13,25%/năm.
Còn tại Eximbank, từ ngày 1/3, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ còn 3,6%/năm. Lãi suất áp dụng cho lĩnh lãi cuối kỳ các kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng còn 13,85%/năm và với kỳ hạn trên 15 tháng đến 60 tháng, lãi suất được áp dụng ở mức 12%/năm.
Lý giải về quyết định này, Thống đốc NHNN cho biết, cuối năm 2011, lãi suất cho vay đã giảm được một phần về 17-19%/năm. Hai tháng đầu năm 2012, tình hình tiếp tục diễn biến tích cực. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng với các tổ chức tín dụng lành mạnh chiếm 90% thị phần đã giảm xuống chỉ còn phổ biến 7% đến 14%/năm, phần không lành mạnh gồm 9 ngân hàng (chiếm 6% thị phần) đang phải đi vay vốn từ các ngân hàng khác với mức lãi suất cao lên tới 18-20%/năm.
“Từ số liệu nói trên có thể thấy, các ngân hàng không lành mạnh gần như không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Thanh khoản của hệ thống thời gian qua được cải thiện mạnh và sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới nhờ chính sách của NHNN”, ông Bình nói.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, các điều kiện để giảm lãi suất đã chín muồi. CPI 2 tháng đầu năm chỉ tăng 2,31%, thấp nhất trong nhiều năm qua, cộng thêm một số yếu tố khác như thanh khoản ngân hàng, tỷ giá, cán cân ngoại tệ được cải thiện… Đây là thời cơ chín muồi để giảm lãi suất nên Chính phủ chỉ đạo NHNN chủ động sử dụng các biện pháp trong khuôn khổ phát luật để hạ lãi suất. Cụ thể, Thống đốc NHNN phải công bố giảm lãi suất ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất còn xuất phát từ kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi các doanh nghiệp đang “kêu trời” với lãi suất cho vay ở mức cao kéo dài. Mặc dù gần đây đã giảm, nhưng trên thực tế không giảm sâu và cũng chỉ dành cho một vài nhóm doanh nghiệp diện ưu tiên.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và TP. HCM, đã có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký giải thể trong hai tháng qua, nhưng trên thực tế lớn hơn, có thể lên tới con số nghìn.
Có những do hợp lý cho một kế hoạch hạ lãi suất dần dần của NHNN, nhưng cũng phải kể đến một lý do khách quan rất “thị trường”. Một lãnh đạo cấp cao của Eximbank cho biết, nguồn vốn hiện của nhiều ngân hàng khá dồi dào, lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm mạnh (cuối tháng 2 vừa qua chỉ còn 6,88%/năm đối với cho vay qua đêm), chính vì vậy không chỉ Eximbank mà các ngân hàng cũng buộc phải hạ lãi suất dù NHNN chưa bật đèn xanh hạ lãi suất.
Theo ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank, hạ lãi suất huy động là một xu hướng thực tế của nền kinh tế. Hiện đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô cho việc giảm lãi suất đầu vào một cách phù hợp hơn với lạm phát mục tiêu, để đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh chung. Hạ lãi suất huy động là tín hiệu tốt để hạ lãi suất cho vay cũng thể hiện nhu cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Còn lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, NHNN đã phân chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng, nghĩa là các ngân hàng sẽ không phải “đôn đáo xoay tiền bằng mọi giá” để cho vay. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống đã ổn hơn, thể hiện phần nào qua việc 2 tuần qua, mỗi ngày, NHNN mua mấy chục triệu USD dự trữ ngoại hối, nghĩa là NHNN đã gián tiếp bơm tiền ra thị trường.
Các ngân hàng từ cuối tháng trước đã phải tính tới việc hạ lãi suất huy động, vấn đề chỉ là hạ ở mức nào để không mất đi khách hàng. Đây là một yêu cầu khách quan, nhưng với động thái nới lỏng hơn chính sách tiền tệ của NHNN, lãi suất chắc chắn sẽ được điều chỉnh giảm sâu hơn nhiều so với mức hiện nay.
Hồng Dung
đầu tư chứng khoán
|