Thứ Tư, 07/03/2012 16:56

Người tiêu dùng đã thích rút thẻ trả tiền

Doanh số chi tiêu qua thẻ tăng cao trong năm 2011 cho thấy người tiêu dùng đang dần thích rút chiếc thẻ trong bóp đi mua sắm, thay vì tiền mặt.

Doanh số các loại thẻ lên đến 32 tỉ USD vào cuối năm 2011, theo số liệu của hiệp hội Thẻ Việt Nam, song giao dịch rút tiền vẫn còn lớn, chiếm hơn 80%. Việc còn hạn chế các điểm chấp nhận thẻ cùng thói quen trả tiền mặt khi mua sắm có thể là lý do khiến đại diện các siêu thị Co.opmart, Big C, Citimart, Maximark cho biết thanh toán không dùng tiền mặt chỉ đạt xấp xỉ 1% và không quá 5% tổng doanh thu.

Xài thẻ ngày càng tăng

Mặc dù vậy, người tiêu dùng đã có dấu hiệu thích mang theo chiếc thẻ đi mua sắm thay vì lỉnh kỉnh tiền mặt. DongABank (DAB) là ngân hàng có lượng thẻ lớn trên thị trường với hơn 6,066 triệu thẻ các loại đến cuối năm 2011, tổng chi tiêu qua thẻ trong năm đã tăng hơn 40,64% so với năm 2010. Trong đó, chỉ có 7.155 thẻ tín dụng quốc tế, chiếm 0,12% tổng lượng thẻ phát hành, nhưng chi tiêu của loại thẻ này đã đạt 141,573 tỉ đồng, chiếm 21% tổng doanh thu.

Ông Trịnh Thường Thức, trưởng phòng thẻ ngân hàng Vietcombank TP.HCM, cho hay, trong năm qua, chỉ tính riêng chi nhánh Vietcombank TP.HCM, chi tiêu (không kể rút tiền) qua thẻ nội địa một tháng chừng 30 tỉ đồng qua các kênh thanh toán trực tiếp, mạng; đặc biệt thông qua máy cà thẻ (POS) tăng mạnh… Riêng chi tiêu của các chủ thẻ tín dụng của Vietcombank TP.HCM đã đạt khoảng 200 tỉ đồng một tháng. Hiện Vietcombank có 6 triệu thẻ nội địa và 1 triệu thẻ quốc tế, với tổng chi tiêu qua thẻ bình quân tăng 30% từng năm. “Thẻ tín dụng được chấp nhận ở mọi nơi trên thế giới, cùng cái lợi chi trước trả tiền sau 45 ngày không lãi suất, nên đạt doanh số lớn”, ông Thức nói.

Ông Godfrey Swain, giám đốc khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết, mảng kinh doanh thẻ tín dụng của HSBC có mức tăng trưởng đáng kể. Tổng chi tiêu thực hiện qua thẻ tín dụng có tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong ba năm qua là hơn 90%. Phần lớn khách hàng thẻ tín dụng của HSBC là người Việt Nam, và hơn 50% chi tiêu thanh toán bằng thẻ tín dụng của ngân hàng HSBC được thực hiện ở nước ngoài: Singapore, Mỹ, Hong Kong, Anh quốc, Úc là những nơi mà khách hàng HSBC đến và chi tiêu nhiều nhất. Số tiền tiêu nhiều nhất vào các dịch vụ ăn uống, quần áo, phụ kiện, du lịch và bán lẻ. HSBC cũng nhận thấy có sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng thanh toán cũng như số điểm chấp nhận thẻ tại thị trường Việt Nam.

Theo số liệu công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Research & Markets đưa ra vào cuối năm 2011, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường năng động hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng khoảng 18,5% từ nay đến năm 2014. Trong đó, có hơn 20 ngân hàng triển khai Internet Banking, gần tám ngân hàng triển khai Mobile Banking ở các mức độ khác nhau. Theo hiệp hội Thẻ Việt Nam, tổng số thẻ phát hành toàn hệ thống đạt khoảng 40 triệu thẻ, số lượng ATM khoảng 13.000 máy và máy cà thẻ (POS) là 70.000.

“Chi tiêu qua thẻ ghi nợ nội địa tăng, nhưng thẻ tín dụng tăng mạnh hơn. Bình quân một khoản chi tiêu qua thẻ tín dụng Vietcombank là 3 triệu đồng/giao dịch, nhiều người dùng thẻ 3 – 4 lần/tuần. Chủ thẻ tín dụng ngày càng chi tiêu tại thị trường Việt Nam nhiều hơn, chiếm khoảng 30 – 40%”, ông Thức cho biết.

Lợi ích dài lâu

Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng DAB, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng xung quanh chiếc thẻ ngày càng gay gắt. Chẳng hạn, trong khi phần lớn các ngân hàng thu phí giao dịch liên mạng, thì DAB không thu phí rút tiền ngoài hệ thống. “DAB đang chịu lỗ ở mảng này. Một số ngân hàng đang muốn tăng phí, nhưng nếu phí tăng lên nữa thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông nói. Nghĩa là nếu tạo cho người tiêu dùng cảm giác ngân hàng tận thu phí từ họ, thì có thể khiến cho những bàn tay đang có thói quen rút thẻ trả tiền chùn lại.

Tuy lỗ, song ông Bình cho rằng điều này đang mang lại lợi ích dài lâu. Ngân hàng sẽ thấy khách hàng của mình đông hơn qua từng tấm thẻ phát hành, từ đó có thể khai thác những dịch vụ khác đối với chủ thẻ. Chẳng hạn, thói quen của công nhân là tích luỹ mỗi tháng để dành tiền cuối năm về quê, DAB thực hiện việc sinh lời đồng tiền cho họ. “Thông qua việc phát triển thẻ, DAB phát triển dịch vụ cho khách hàng. Đó là cái lợi của chúng tôi”, ông nói.

Năm nay, ông Trần Phương Bình cho biết, DAB sẽ phát hành 600.000 thẻ mới. Ông Trịnh Thường Thức cũng thông tin, Vietcombank TP.HCM sẽ phát hành mới 1 triệu thẻ. Như vậy, thị trường sẽ thêm hàng triệu chủ thẻ mới bắt đầu làm quen với việc dùng thẻ thanh toán thay vì dùng tiền mặt.

Hồng Sương

Sài Gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Chuyên gia quốc tế: Hạ lãi suất, Việt Nam “nên thận trọng” (07/03/2012)

>   Khi giới 'buôn tiền' bắt tay (07/03/2012)

>   Thấy gì từ thông điệp hạ trần lãi suất huy động xuống 13%? (07/03/2012)

>   Tái cơ cấu ngân hàng: Vừa huýt sáo vừa… run (07/03/2012)

>   Hạ lãi suất, đã dự báo nhưng vẫn bất ngờ (07/03/2012)

>   Tháo “chốt” hạ lãi suất (06/03/2012)

>   "Không cần thiết thành lập Ngân hàng Xây dựng" (06/03/2012)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Trần lãi suất sẽ được công bố trong vài ngày tới..." (06/03/2012)

>   Khó hút tiền đồng, ngân hàng tăng huy động vàng (06/03/2012)

>   Một số ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống dưới 14%/năm (06/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật