Thứ Tư, 07/03/2012 23:15

Ngân hàng nước ngoài giảm lãi suất sớm

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ giảm trần lãi suất huy động xuống 13%, một số ngân hàng nước ngoài đã đưa lãi suất huy động xuống dưới mức trên trong khi các ngân hàng trong nước chưa có dấu hiệu hạ lãi suất.

Ngân hàng ANZ Việt Nam đã chính thức áp dụng biểu lãi suất mới, trong đó, mức tối đa chỉ là 13%/năm. Với các khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 12,7%. Theo giải thích của nhân viên ngân hàng này thì việc giảm lãi suất tiền gửi là do quy định giảm lãi suất 1 điểm phần trăm của Ngân hàng Nhà nước đưa ra và cũng nói thêm là nên gửi sớm vì lãi suất tiền gửi có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, và khách hàng nếu có gửi khoản tiền lớn thì sẽ được lãnh mức lãi cao hơn, nhưng vẫn chỉ đến mức 13%.

Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng đã bắt đầu hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trong đó mức bình quân của đa phần các kỳ hạn là 12,8%, mức cao nhất là 13% cho các khoản tiền gửi từ 1 đến 3 tháng.

Theo thông điệp phát đi từ Ngân hàng HSBC Việt Nam thì ngân hàng này cũng đang có kế hoạch giảm lãi suất huy động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Và trong một hai ngày tới, ngân hàng sẽ công bố mức lãi suất huy động cụ thể.

Trong khi đó, các ngân hàng trong nước đều đang niêm yết mức lãi suất huy động từ 13-14% tùy theo các kỳ hạn. Theo thông tin từ các ngân hàng này, chỉ khi Ngân hàng Nhà nước có thông báo chính thức thì lãi suất mới hạ. Nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, ở chi nhánh anh đang làm việc, việc thỏa thuận lãi suất vẫn được thực hiện. Nếu khách hàng gửi số tiền trên 1 tỉ đồng thì mức lãi suất tối đa có thể nhận được là 16%, nhưng chỉ giám đốc chi nhánh mới có quyền quyết định.

Một số ngân hàng nhỏ vẫn tiếp tục giữ vững mức lãi suất đã thỏa thuận với khách hàng, ở một ngân hàng quy mô nhỏ tại quận 1, TPHCM, nếu khách hàng gửi trên 500 triệu đồng thì mức lãi suất được nhận là 17%. Hôm nay, nhân viên ngân hàng này cũng đã gọi cho khách hàng khẳng định lãi suất cho đợt gửi mới vẫn giữ nguyên ở mức đã thỏa thuận.

Trước thông tin trần lãi suất huy động sẽ xuống 13% như tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng, cho rằng việc giảm lãi suất đến thời điểm này mới tuyên bố là đã hơi trễ. Thực sự lãi suất tiền gửi có thể bắt đầu giảm từ sau khi Ngân hàng Nhà nước phân nhóm tín dụng. Những ngân hàng nhóm 1 và 2 đã nhận được nguồn vốn từ các ngân hàng nhóm 3, nhóm 4, trong khi trước đó các ngân hàng này cũng đã có nguồn vốn huy động dồi dào do lãi suất trần 14% được áp dụng từ ngày 7-9-2011. Nguồn vốn vào tăng, trong khi trên thực tế doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn vay không nhiều, doanh nghiệp dám vay cũng ít nên ngân hàng lớn đã dư vốn, giảm lãi suất vay, điều này kéo theo việc giảm lãi suất huy động.

Vấn đề lạm phát đã hạ nhiệt, theo ông Dương, cũng là cơ sở để giảm lãi suất. Ông Dương cho rằng lạm phát cả năm thường bằng gấp đôi quí 1, với mức tăng ước tính khoảng 3% trong 3 tháng đầu năm thì lạm phát xem như không phải vấn đề đáng để lo lắng trong thời gian tới, vì vậy việc giảm lãi suất là chắc chắn, đó cũng là quy luật cung cầu của thị trường. Việc đã khoanh vùng được 9 ngân hàng yếu kém và có biện pháp riêng với các ngân hàng này cũng cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng đã dễ dàng hơn, việc chạy đua lãi suất sẽ có nhưng khó mạnh như các năm trước.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra vào lúc này, theo ông Dương, chính là việc vốn sẽ chảy vào đâu, có vào các nhóm có lợi cho nền kinh tế như doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp, phụ trợ…không, hay chảy vào những tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, thêm vào đó, doanh nghiệp có tiếp cận được vốn hay không. Tổng lượng vốn kinh tế được nhận là bao nhiêu, nếu chỉ tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế là 10% thì tăng trưởng kinh tế cũng rất khó.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng nên bỏ trần lãi suất, vì thực tế, với các thông tin hỗ trợ như lạm phát giảm hay vốn vào ngân hàng tăng…như hiện nay thì việc hạ lãi suất có thể thị trường sẽ tự quyết định. Còn nếu áp trần thì phải có những biện pháp chế tài đủ mạnh, vì hiện tại nhiều ngân hàng vẫn vượt trần lãi suất, và nếu tuân thủ quy định, các ngân hàng nhỏ (không yếu) sẽ gặp thêm khó khăn vì phải cạnh tranh với ngân hàng lớn.

Thảo Nguyên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   LienVietPostBank hạ lãi suất cho vay (07/03/2012)

>   Dịch vụ ngân hàng: Hết thời bên trọng bên khinh  (07/03/2012)

>   Người tiêu dùng đã thích rút thẻ trả tiền (07/03/2012)

>   Chuyên gia quốc tế: Hạ lãi suất, Việt Nam “nên thận trọng” (07/03/2012)

>   Khi giới 'buôn tiền' bắt tay (07/03/2012)

>   Thấy gì từ thông điệp hạ trần lãi suất huy động xuống 13%? (07/03/2012)

>   Tái cơ cấu ngân hàng: Vừa huýt sáo vừa… run (07/03/2012)

>   Hạ lãi suất, đã dự báo nhưng vẫn bất ngờ (07/03/2012)

>   Tháo “chốt” hạ lãi suất (06/03/2012)

>   "Không cần thiết thành lập Ngân hàng Xây dựng" (06/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật