Thứ Năm, 08/03/2012 11:41

Tái cấu trúc và 9 ngân hàng yếu kém

Con số 9 TCTD yếu kém được Thống đốc NHNN công bố, được dự báo sẽ có những hành động quyết liệt, thay đổi căn bản diện mạo của ngành ngân hàng.

Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 6/3, con số 9 tổ chức tín dụng yếu kém đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Tất cả đang dự báo sẽ có những hành động quyết liệt, thay đổi căn bản diện mạo của ngành ngân hàng.

Mục tiêu của đề án này nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; đồng thời, tăng cường khả năng cạnh tranh trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Đối với các TCTD yếu kém, theo Đề án, NHNN tái cấp vốn cho TCTD thiếu thanh khoản trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt với mức tối đa, tương đương vốn điều lệ của TCTD được tái cấp vốn. Ngoài ra, TCTD yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của NHNN về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, TCTD yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với TCTD yếu kém…

Về tổng thể, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng và lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng, Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD đáng được ghi nhận ở điểm đã đi thẳng vào vấn đề tái cấu trúc, vấn đề bức thiết tại thời điểm hiện nay.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh, Đề án đã đáp ứng được mong mỏi của mọi thành phần trong xã hội. Thứ nhất, Đề án đã đề cập đến các loại hình TCTD, cả ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng như quỹ tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô...; thứ hai, đã đề cập đến từng đối tượng ngân hàng khác nhau và các ngân hàng TMCP cũng được chia được thành 3 loại khá rõ; thứ ba, đã có những lộ trình tương đối rõ ràng và thứ tư, các biện pháp, giải pháp khá đầy đủ.

Tuy nhiên, khi bàn về các giải pháp thực hiện, cũng có những ý kiến băn khoăn về những bước đi sẽ áp dụng với các ngân hàng yếu kém. Điều này cũng dễ hiểu, bởi theo Thống đốc NHNN, 9 tổ chức này có quy mô nhỏ, chỉ chiếm 6% hoạt động ngân hàng, nhưng dù nhỏ thì vẫn có hàng nghìn người gửi tiền cũng như khách hàng vay vốn. Việc xử lý rất cần sự thận trọng và chặt chẽ để không ảnh hưởng tới người gửi tiền cũng như toàn hệ thống.

Theo một chuyên gia ngân hàng thì rõ ràng sẽ sớm có những ngân hàng buộc phải hợp nhất, sáp nhập với những thông tin đã được NHNN đưa ra. Nhưng vấn đề ở chỗ, NHNN dường như vẫn chưa thực hiện được cam kết đã đưa ra vào cuối năm ngoái là hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng yếu trước khi thực hiện các biện pháp này.

Cũng theo vị chuyên gia trên, vẫn còn hiện tượng “lách rào” huy động lãi suất trên 14%/năm, trong khi rất nhiều ngân hàng lớn có thanh khoản rất tốt đang hạ lãi suất xuống. Điều này không có lợi cho cả hệ thống khi có sự mất cân đối đang xảy ra. Bản thân đối với các ngân hàng nhỏ dễ bị hiểu lầm là họ “bị ép” khi không được hỗ trợ và buộc phải chấp nhận một giải pháp mà NHNN đưa ra.

Trong một tương quan khác, TS. Lực cho rằng, cần nhấn mạnh hơn về việc tái cơ cấu ngân hàng phải song song với tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, vì khi chúng ta xử lý vấn đề nợ xấu, mà không tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không khỏe, không lành mạnh thì cũng rất khó. Đồng thời, việc điều phối giữa các bộ, ngành với nhau cũng là điều không dễ dàng, nên nếu Chính phủ cho phép thành lập ủy ban về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì sẽ thuận lợi hơn và đây cũng sẽ là cơ quan đầu não theo dõi đôn đốc tiến độ thực hiện quá trình. Song song là câu chuyện về mua bán nợ, các bộ, ngành sẽ cùng đưa ra một cơ chế mua bán nợ, nhưng trong cơ chế này cũng phải làm rõ xem ai sẽ là người cầm trịch.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD nếu được xin ý kiến của các ngân hàng lớn một cách chính thống và đầy đủ sẽ tốt hơn rất nhiều. Vì ngân hàng lớn cũng là đối tượng cần cơ cấu lại và những ngân hàng này lại bám sát thị trường và hơn thế, đây cũng là hình thức tạo sự đồng thuận. Ngoài ra, nếu như NHNN tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, chính sách sẽ đa chiều, toàn diện, đi vào cuộc sống dễ dàng hơn.

Nhuệ Mẫn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Fitch: Tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam “chưa rõ ràng” (08/03/2012)

>   Đột biến tỷ giá USD/VND tại Vietcombank (08/03/2012)

>   Sẽ có “quà” trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng? (08/03/2012)

>   Đua nhau gia hạn tiền gửi để chạy lãi suất (08/03/2012)

>   Giảm lãi suất: Doanh nghiệp trả nợ cũ để vay mới (08/03/2012)

>   Ngân hàng nước ngoài giảm lãi suất sớm (07/03/2012)

>   LienVietPostBank hạ lãi suất cho vay (07/03/2012)

>   Dịch vụ ngân hàng: Hết thời bên trọng bên khinh  (07/03/2012)

>   Người tiêu dùng đã thích rút thẻ trả tiền (07/03/2012)

>   Chuyên gia quốc tế: Hạ lãi suất, Việt Nam “nên thận trọng” (07/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật