Ngân hàng Trung ương sẽ điều hành tài chính, tiền tệ rõ ràng hơn
|
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành |
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, nói: “Lập Ngân hàng Trung ương đồng nghĩa với việc trao nhiều quyền điều hành cho người đứng đầu, vì vậy, ông thống đốc phải đứng ngoài các nhóm lợi ích”.
* Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi tên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thành Ngân hàng Trung ương (NHTƯ). Ông có ý kiến nào không?
Trên thực tế, trách nhiệm, quyền hạn của NHNN hiện nay đã là NHTƯ rồi. Điều này đã được thể hiện rõ trong Luật Ngân hàng hiện hành: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Ngân hàng Trung ương của nước CHXHCN Việt Nam”.
Luật có rồi, nhưng cho quyền tự do, tách khỏi thành viên chính phủ thì người ta chưa cho phép. Cái khác nhau là ở chỗ đó.
* Luật khẳng định mới là điều kiện cần, để NHTƯ hoạt động độc lập, phải có thêm những yếu tố nào, thưa ông?
Lập NHTƯ, Việt Nam phải có nghị quyết của Quốc hội hay bổ sung một điều khoản trong Luật Ngân hàng về quản lý, vận hành của NHTƯ.
Theo đó, NHTƯ sẽ chịu sự giám sát từ Quốc hội, phải báo cáo Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Kinh tế Quốc hội hằng tháng, hằng quý và hằng năm.
Ngoài ra, văn bản của Quốc hội cần khẳng định rõ: NHTƯ có quyền phát hành tiền tệ không giới hạn, đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng mà Chính phủ cho phép.
Như vậy, nếu Chính phủ quyết định mức tăng trưởng tín dụng không quá 20%, NHTƯ sẽ áp dụng quyết định này để tạo thanh khoản cho các NHTM với lãi suất 3 - 4%. Các NHTM có thể cho DN vay lại dưới 10%. Các DN có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, thoát khỏi tình trạng đình đốn.
* Cụ thể hơn, nền kinh tế sẽ được và mất gì thưa ông?
Chuyển NHNN thành NHTƯ, việc điều hành tài chính, tiền tệ sẽ rõ ràng hơn. Cái được cho nền kinh tế là NHTƯ có quyền quyết định lưu lượng tiền tệ cho hoạt động của nền kinh tế.
Ví dụ, hiện nay, DN thiếu tiền không hoạt động được, NHTM không huy động được tiền với lãi suất thấp để cho DN vay lại, thì NHTƯ phải có trách nhiệm cung ứng.
Nhưng không phải chỉ cần thay đổi tên gọi là tự nhiên nó có quyền hơn. Đổi thành NHTƯ mà nó vẫn là thành viên Chính phủ, là cơ quan ngang bộ thì không có gì khác biệt.
Một yếu tố nữa chúng ta phải đối mặt khi chuyển đổi là vấn đề nhân sự. Lập NHTƯ đồng nghĩa với việc trao nhiều quyền điều hành cho người đứng đầu.
Vì vậy, Thống đốc NHTƯ phải đứng ngoài các nhóm lợi ích. Nếu chọn người không khéo, giao quyền mà không giám sát được sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế và càng nguy hiểm hơn khi người đứng đầu NHTƯ thuộc nhóm lợi ích nào đó.
Mặt khác, khi lập ra NHTƯ, khả năng tiêu cực cũng rất lớn, bởi chỉ cần cho vay 100 tỷ đồng là bỏ túi 10 tỷ. Vì vậy, song song với lập NHTƯ, Việt Nam phải xây dựng được cơ chế để “trị” những vấn đề phát sinh từ tiêu cực.
* Theo kinh nghiệm của ông, Việt Nam cần làm gì để có được một NHTƯ hoạt động hiệu quả?
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chuyển đổi NHNN thành NHTƯ thực sự cần thiết. Nhưng quan trọng là phải định nghĩa rõ quyền hạn, trách nhiệm của NHTƯ.
Thứ nhất, trách nhiệm của NHTƯ là cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. NHTƯ phải điều tiết làm sao để tiền không nhiều quá gây lạm phát, không ít quá để làm thiểu phát.
Đó là hai vấn đề mà NHTƯ phải có phận sự điều tiết, theo dõi tổng phương tiện thanh toán tiền tệ... đảm bảo đủ lượng tiền cho nền kinh tế hoạt động.
Thứ hai, đi theo trách nhiệm là quyền hạn. NHTƯ có quyền phát hành giấy bạc, tín dụng vô hạn định. NHTƯ hoạt động độc lập và không chịu sự điều khiển của bất kỳ một tổ chức chính trị hay cơ quan lập pháp, hành pháp nào.
Ở Mỹ, NHTƯ có Hội đồng Thống đốc gồm 7 người do tổng thống đề cử, quốc hội thông qua. Chủ tịch Hội đồng do tổng thống đề cử với nhiệm kỳ 14 năm, một thời gian đủ dài để đưa ra các chính sách kinh tế tài chính ổn định.
NHTƯ độc lập trước hành pháp và chịu trách nhiệm trước quốc hội và nhân dân. Mỗi năm, Hội đồng Thống đốc đều có báo cáo cho quốc hội và hành chính nhưng không có ông tổng thống, chủ tịch quốc hội hay bộ trưởng nào có quyền ra lệnh cho thống đốc.
* Cảm ơn ông!
Hải Vân (thực hiện)
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|