Thứ Hai, 13/02/2012 09:25

Gửi vàng và huy động vàng: Nhiều rủi ro và lo ngại

Theo đánh giá của NHNN, số vàng trong dân hiện khoảng từ 300 - 500 tấn. Do đó, đề án huy động vàng trong dân để phát huy nguồn lực trong lực trong nước phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đang được dư luận quan tâm, dù mới chỉ ở mức độ thông tin chung từ phía cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần đưa ra các biện pháp mang tính hành chính, một số ý kiến cho rằng cần có thêm các biện pháp hỗ trợ khác để các tổ chức trung gian là các TCTD thu hút được lượng vàng này.

Lo không rút được vàng

Phố vàng tại Hà Nội (phố Trần Nhân Tông) trong mấy này cuối tuần trước dù chưa thực sự sôi động nhưng cũng đông đúc tấp nập hơn so với những ngày trước đó do lượng người tới giao dịch tăng lên. Tuy nhiên, theo các DN kinh doanh vàng, giao dịch vàng của người dân chủ yếu là bán ra. Bởi mức giá dao động quanh mốc 45 triệu đồng/lượng đã cao hơn so với mức cuối tháng 12.2011, khiến rất nhiều người bán ra chốt lãi. Anh Nguyễn Thành Nam, một khách hàng tại đây cho biết anh đang chờ vàng hạ giá thêm để mua vào. Anh cũng vừa bán ra 5 cây vàng với giá 44,7 triệu đồng/lượng giữa tuần trước khi thấy được giá. “So với thời điểm đầu tháng 1 mua vào với giá 42,6 triệu đồng/lượng thì tính ra cũng lãi kha khá” - anh Nam nói.

Khi được hỏi về việc mua cất giữ vàng, anh cho biết trong nhà có két sắt, để ở nhà cho tiện việc mua bán. “Tôi cũng đã đi hỏi mấy NH rồi, nếu gửi ở đó thì ít nhất cũng phải một tháng mới rút được, không được rút trước hạn. An toàn thì an toàn thật, nhưng với những người đầu tư theo giá lên xuống như tôi mà đợi đến lúc rút được vàng ra khỏi NH để bán thì mất hết cơ hội” - anh giải thích.

Ngại rủi ro về giá

Trong câu chuyện, anh Nam đề cập tới vấn đề tiền gửi ở NH thì được rút trước hạn và hưởng lãi suất không kỳ hạn, nhưng vàng gửi vào rồi thì lại không được rút trước hạn dù anh không quan tâm nhiều tới vấn đề lãi suất. Anh cho biết, anh có hỏi nhân viên NH thì được giải thích rằng đó là quy định của NH. Nhiều NH thậm chí hiện nay còn không nhận vàng gửi của người dân.

Về phía các NH, theo giải thích thì đã một thời gian khá lâu kể từ khi NHNN ban hành thông tư 11 (ngày 29.4.2011) quy định chấm dứt việc huy động và cho vay vốn bằng vàng thì việc chuyển đổi vàng thành tiền để cho vay của các NHTM đã hết cửa. Từ đó tới nay cũng không còn rầm rộ các cuộc đua tăng lãi suất huy động vàng, trừ một số trường hợp NHMT rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng như báo chí đã phản ánh.

Đến cuối năm ngoái, khi NHNN ban hành thông tư 32, ngày 6.10 thì chỉ có một số NH đủ điều kiện được chuyển đổi một phần số vàng tồn quỹ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước khi tham gia chương trình bình ổn thị trường vàng của cơ quan này. Tuy nhiên, các NH này phải tuân thủ chặt chẽ các điều khoản sử dụng tài khoản vàng ở nước ngoài (mà các NH này được NHNN cho phép mở) trong việc bảo hiểm rủi ro biến động về giá, khiến sự liên thông giữa hai thị trường vàng thế giới – trong nước gần như chưa được như kỳ vọng. Chính điều này đã khiến các NH vẫn chưa mặn mà với việc huy động vàng trong dân, nhất là khi giá vàng thế giới biến động quá mạnh.

Chính Thống đốc NHNN, trong bài trả lời phỏng vấn đầu xuân đăng trên website của NHNN, cũng đã thừa nhận: các TCTD trước đây đã tiến hành huy động vàng và cho vay bằng vàng. Nhưng thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2010 và 2011, sự biến động quá lớn của giá vàng làm cho việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD gặp nhiều rủi ro. Do vậy, hoạt động huy động vàng trong dân cư chưa phát huy được hiệu quả.

NHNN: Rủi ro sẽ do Nhà nước chịu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong đề án huy động vàng thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD. Hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các TCTD.

Mặt khác với nhiều công cụ,  Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Như thế có thể hiểu, các rủi ro mà các NHTM hiện đang lo ngại sẽ được chuyển gánh sang NHNN.

Tất nhiên, chủ trương là thế và vẫn phải đợi tới khi đề án huy động vàng trong dân được NHNN hoàn thành soạn thảo, trình và được Chính phủ phê duyệt để ban hành. Từ giờ cho tới lúc đó có lẽ sẽ là một khoảng thời gian khá dài, bởi nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng hiện vẫn đang được Chính phủ xem xét.

Lưu Thuỷ

Lao động

Các tin tức khác

>   Lãi suất sẽ giảm vào quý 3? (13/02/2012)

>   Lãi suất sẽ giảm mạnh vào quý II năm nay (13/02/2012)

>   Thanh khoản tốt lên, quên giảm lãi suất (13/02/2012)

>   Tín dụng sau "bão" sẽ đón "sóng thần" (12/02/2012)

>   Thực hư chuyện ngân hàng giảm lãi suất cho vay (12/02/2012)

>   Gửi vàng ngân hàng: Vào dễ, rút khó (12/02/2012)

>   Hết lý do vẫn trì hoãn giảm lãi suất (12/02/2012)

>   Cần quy định khung lãi suất cho vay đối với ngân hàng (11/02/2012)

>   Hướng đến mục tiêu an toàn của hệ thống ngân hàng (11/02/2012)

>   Hết “cửa” đầu cơ USD (10/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật