Hướng đến mục tiêu an toàn của hệ thống ngân hàng
Mục tiêu gần của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tóm gọn trong câu nói của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Ném chuột nhưng không làm vỡ bình”.
Câu nói này phản ánh mong muốn của Ngân hàng Nhà nước thực hiện một mục tiêu kép, vừa xử lý những con sâu làm rầu nồi canh, vừa đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên mục tiêu kép này không phải là không có thứ tự ưu tiên: an toàn cho hệ thống vẫn là mối quan tâm hàng đầu, nhặt sâu trong nồi canh tuy cũng rất cần thiết nhưng chỉ là ưu tiên thứ hai. Để thực hiện mục tiêu kép với thứ tự ưu tiên cao thấp khác nhau, phương thức sáp nhập hợp nhất các ngân hàng có vẻ là một sự lựa chọn tối ưu cho việc tái cấu trúc.
Sáp nhập, hợp nhất có thể giúp cho nhiều ngân hàng nhỏ thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ - điều mà không ai mong muốn - bằng cách đứng chung với nhau hoặc dựa vào một ngân hàng lớn hơn. Sáp nhập hợp nhất chắc chắn là một phương thức ít tốn kém hơn và ít gây hậu quả hơn so với việc thanh lý các ngân hàng yếu, tuy nhiên, đây không phải là một liều thuốc thần đa năng được Nhà nước ưu ái ban tặng cho hệ thống ngân hàng trên tiến trình tái cấu trúc. Các ngân hàng phải tìm cách tự cứu mình trước khi được ai đó ra tay nghĩa hiệp.
Nhà lãnh đạo cao nhất của hệ thống ngân hàng cũng đã khẳng định "Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ không "bao cấp" toàn bộ cho việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các tổ chức tín dụng cần có sự chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền). Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra đối với tổ chức tín dụng, đồng thời với việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước, tài sản của người dân phải được bảo vệ tốt nhất".
Nhưng sáp nhập hợp nhất nếu có thể giúp hệ thống ngân hàng được sửa sang lại một cách bình yên, đó không chắc là giải pháp tốt nhất cho việc khắc phục những nhược điểm cố hữu của nó nhằm xây dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam mới, lành mạnh, phát triển bền vững, thực hiện tốt vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Đó mới chính là những mục tiêu lâu dài cần được hướng đến trong nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nếu các ngân hàng nhỏ yếu trong hệ thống ngân hàng non trẻ của chúng ta chỉ làm mỗi việc là đứng chung lại với nhau để tồn tại, họ có thể trở thành những ngân hàng lớn hơn nhưng chắc chắn không mạnh hơn và không lành mạnh hơn.
Khi hợp lại, những khó khăn nằm phía bên tài sản có của bảng cân đối kế toán của mỗi ngân hàng - những khoản tín dụng đang bị đóng băng và tình trạng thiếu thốn thanh khoản - không thể tự nhiên giảm đi. Sáp nhập hợp nhất chỉ có thể giúp hệ thống ngân hàng thương mại của chúng ta mua được một khoản thời gian dài hơn để xử lý các vấn đề tồn tại, bản thân nó không phải là giải pháp cho các vấn đề tồn tại. Tiến sĩ Hà Thị Thu Sáu - khoa Ngân hàng (Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) đã có lý khi cho rằng giải pháp tăng vốn điều lệ cơ học bằng việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém chỉ làm tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản mà không thể cải thiện mức độ an toàn sau khi sáp nhập.
|
Một hệ thống ngân hàng sau cấu trúc trước hết phải là một hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn và có trách nhiệm hơn đối với công chúng - người gởi tiền. Tín nhiệm của công chúng dành cho ngân hàng tùy thuộc phần lớn vào trách nhiệm của ngân hàng đảm bảo an toàn cao nhất cho đồng tiền tiết kiệm của họ. An toàn của tiền gởi cũng chính là an toàn của ngân hàng, và an toàn của ngân hàng chính là lợi ích và lợi nhuận của họ. Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt, nguồn vốn tự có chỉ chiếm 1/8 đến 1/10 nguồn vốn hoạt động, nguồn vốn hoạt động chủ yếu vẫn là tiền tiết kiệm của người dân. Do đó tái cấu trúc hệ thống đòi hỏi tăng cường hiệu lực chấp hành của những quy định, những biện pháp do luật và người đứng đầu hệ thống ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước thiết lập nhằm bảo đảm an toàn cho đồng tiền tiết kiệm của công chúng.
Trong hoạt động ngân hàng, thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn lợi ích (conflict of interests) giữa quyền lợi của các ông chủ ngân hàng và quyền lợi của người gởi tiền. Các cổ đông lớn của ngân hàng và doanh nghiệp do họ sở hữu đều muốn vay tiền từ ngân hàng để phát triển công việc kinh doanh của mình, nếu điều này thường xuyên bị lạm dụng, an toàn của đồng tiền tiết kiệm của công chúng sẽ bị đe dọa. Điều luật ngân hàng của nước ta cũng đã thiết lập những giới hạn nhằm tránh lạm dụng nhưng dường như vẫn chưa đủ liều lượng và điều đó có thể đã là một phần nguyên nhân khiến cho các ngân hàng - nhất là những ngân hàng nhỏ chịu ảnh hưởng của những cổ đông lớn - thường lâm vào những cuộc khủng hoảng nợ có chu kỳ, theo tiến trình hình thành bong bóng và vỡ bong bóng trên các thị trường.
Cũng cần thiết lập một cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực quyết định giữa bộ máy quản trị và điều hành ngân hàng nhằm tránh trường hợp thao túng. Người điều hành ngân hàng - giám đốc - thường chỉ là người làm thuê, do đó không thể không tuân theo chỉ đạo của những ông chủ. Nếu điều luật không quy định rõ ràng và đầy đủ nghĩa vụ của họ cũng như bảo vệ họ trong việc thực thi trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền gởi của công chúng, điều họ sẽ làm và chỉ làm là phục vụ lợi ích của cổ đông lớn, của hội đồng quản trị, bằng không sẽ dễ dàng bị sa thải. Đó là thực tế đã xảy ra và như thế, hiệu quả của điều luật quy định chức danh người điều hành trực tiếp các ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn chỉ còn mang tính hình thức, mất đi ý nghĩa quan trọng mà nội dung điều luật yêu cầu.
Trách nhiệm bảo vệ an toàn tiền gởi của người dân vì vậy chỉ còn tùy thuộc một cách mong manh vào đạo đức và lương tâm của những người quản trị và điều hành ngân hàng. Nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần là những doanh nghiệp đối vốn không đối nhân, theo luật, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn số vốn góp. Vì vậy, nếu không có những người được luật bắt buộc phải có trách nhiệm bảo vệ tiền gởi công chúng bằng cách hành xử theo pháp luật và theo đạo đức nghề nghiệp, sự an toàn tiền gởi sẽ bị đe dọa.
Mặt khác, hệ thống ngân hàng sau cấu trúc phải là một hệ thống lành mạnh để có thể phát triển bền vững. Việc xử lý các khoản nợ tồn đọng phải là ưu tiên hàng đầu trong lộ trình tái cấu trúc và đây có thể là một "sứ mạng bất khả thi" đối với các ngân hàng - dù đã được sáp nhập, hợp nhất - nếu họ không được sự hỗ trợ mạnh mẽ và hữu hiệu từ Ngân hàng Nhà nước và từ hệ thống tư pháp trong việc phá băng các khoản nợ, phục hồi dòng vốn lưu động từ các tài sản đông cứng, tạo nguồn thanh khoản mới cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại bằng cách sắp xếp lại các ngân hàng và tạo ra các ngân hàng lớn có vốn cổ phần nhiều hơn chưa đủ làm cho hệ thống vận hành an toàn và lành mạnh hơn trong tương lai nếu luật không tăng cường vai trò chủ động của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một ngân hàng trung ương. Ngân hàng Nhà nước không chỉ là người đứng trên hệ thống ngân hàng thương mại mà còn là người đứng trong. Với những công cụ điều tiết đa dạng có tác động trực tiếp đến mọi hoạt động kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng và lợi nhuận của họ, Ngân hàng Nhà nước tham gia sân chơi ngân hàng không chỉ với tư cách người thổi còi mà còn với tư cách một người chơi lớn trên thị trường.
Do đó Ngân hàng Nhà nước cần được trao quyền chủ động nhiều hơn để có thể đóng vai trò người trọng tài ít thiên vị hơn và là người tham gia cuộc chơi công bằng hơn, sòng phẳng hơn, đúng ý nghĩa quản lý nhà nước theo tín hiệu của thị trường. Với một vai trò người chơi lớn mạnh mẽ và là người giám sát tích cực, Ngân hàng Nhà nước phải có thể và có trách nhiệm ngăn chặn nguy cơ hình thành bong bóng trên các thị trường nhạy cảm như thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, mà tác nhân chính gây ra hiện tượng này là hệ thống ngân hàng thương mại. Ngăn chặn nguy cơ hình thành bong bóng sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn là khắc phục những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài của tình trạng vỡ bong bóng, hơn nữa nếu sứ mạng ngăn chặn của Ngân hàng Nhà nước thành công, hệ thống ngân hàng sẽ có điều kiện hoạt động ổn định lâu dài, hoàn thành tốt vai trò của mình là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Huỳnh Bửu Sơn
DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN
|