Kinh nghiệm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Malaysia
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Malaysia tập trung vào giải quyết 4 vấn đề chủ yếu.
Tự do hóa tài chính được Malaysia thực hiện khá sớm. Từ tháng 10/1978, NHTW Malaysia đã không còn áp dụng kiểm soát hành chính đối với lãi suất. Đến tháng 2/1991 thì nước này được xem như đã tự do hóa tài chính hoàn toàn. Quá trình tự do hóa tài chính đã đẩy nhanh sự phát triển của thị trường tiền tệ và thị trường vốn, đồng thời, khuyến khích hệ thống tài chính trong nước cạnh tranh hơn nữa. Tính đến cuối năm 1997, hệ thống tài chính Malaysia nói chung và hệ thống ngân hàng Malaysia nói riêng đã phát triển tương đối hiện đại, cấu trúc tốt và cạnh tranh.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Malaysia cũng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, chính sách cho vay chỉ định của Chính phủ cũng như sự thiếu cạnh tranh và thiếu các quy định giám sát thận trọng và chặt chẽ đã khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên nhanh chóng. Tín dụng mở rộng quá mức (tín dụng ngân hàng tăng từ 88,2% năm 1987 lên 152% năm 1997), tập trung chủ yếu vào cho vay bất động sản, chứng khoán, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cố định, đã đặt hệ thống tài chính Malaysia vào vị thế rủi ro.
NHTW Malaysia đã đặt ra các chính sách đối phó với khủng hoảng với mục tiêu cuối cùng là tăng tính cạnh tranh của các ngân hàng, từ đó thiết lập một trật tự mang tính thị trường hơn là mệnh lệnh hành chính.
Malaysia thực hiện các chính sách đối phó với khủng hoảng bao gồm cải thiện phân bổ tín dụng, tăng cường các quy định thận trọng, tái xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển khu vực tài chính Malaysia được ban hành vào tháng 3/2001 trong giai đoạn 10 năm 2001 - 2010.
Bên cạnh đó, Maylaysia thực hiện các chính sách như: thu hẹp loại hình hoạt động ngân hàng đầu tư nhằm loại bỏ sự chồng chéo trong hoạt động và củng cố lợi thế cạnh tranh bằng cách sáp nhập các tổ chức có hoạt động đầu tư, chứng khoán vào thành loại hình ngân hàng đầu tư; công bố các chỉ số chuẩn mực để thúc đẩy các định chế tài chính nội địa tập trung phát triển lành mạnh và giải quyết các yếu kém; thúc đẩy sự tham gia của các đối tác chiến lược có năng lực vào đội ngũ cổ đông nhằm chuyển giao các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn, tiếp cận với công nghệ và sáng kiến thúc đẩy sự đổi mới sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy sự ra đời và đưa vào ứng dụng các chuẩn mực và thông lệ quản trị rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động của HĐQT và ban điều hành, tăng cường kỷ luật thị trường, mở rộng cơ hội kinh doanh mới.
Kế hoạch tổng thể phát triển khu vực tài chính giai đoạn 2001-2010 được chia thành 3 giai đoạn, với mục tiêu tạo lập được một hệ thống tài chính đa dạng, hiệu quả, vững mạnh, ổn định, hoạt động năng động trên thị trường tài chính khu vực và thế giới với năng lực cạnh tranh cao, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế đất nước. Kế hoạch này bao hàm 6 lĩnh vực thuộc hệ thống tài chính là: (1) các phương thức và mô hình cung ứng tài chính cho nền kinh tế; (2) hoạt động ngân hàng; (3) hoạt động bảo hiểm; (4) hoạt động ngân hàng và bảo hiểm Hồi giáo; (5) hoạt động của các định chế tài chính phát triển; (6) thanh tra giám sát Labuan (một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giám sát tài chính ở đặc khu kinh tế). Kế hoạch tổng thể tập trung vào các yếu tố: hiệu quả, hiệu lực, ổn định, quản lý an toàn và xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực tài chính Malaysia.
Sau quá trình thực hiện kế hoạch phát triển tổng thể, từ cuối năm 2001 đến đầu năm 2010, hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng Malaysia đã tăng từ 13% lên 15% trên tài sản chịu rủi ro, lợi nhuận tính bằng thu nhập trên vốn tự có ROE tăng từ 13,3% lên 16,5%, thu nhập trên tổng tài sản tăng từ 1% lên 1,5%, chất lượng tài sản được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm từ 11,5% xuống còn 1,9%, năng suất lao động (tính bằng lợi nhuận bình quân/nhân viên) tăng từ 63.500 RM lên 172.500 RM. Hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục chiếm giữ vị trí trung gian tài chính chủ đạo cho nền kinh tế, với trên 50% tổng tài sản của hệ thống tài chính.
Quá trình sáp nhập giữa các ngân hàng bắt đầu từ năm 2000. Tại thời điểm đó, hệ thống ngân hàng bao gồm 31 ngân hàng thương mại, trong đó, 14 ngân hàng hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài, 19 công ty tài chính, 12 ngân hàng đầu tư và 7 trung tâm chiết khấu. Đến năm 2009, hệ thống ngân hàng nội địa chỉ còn 9 tập đoàn ngân hàng thương mại lớn, với năng lực tài chính hùng mạnh và phạm vi hoạt động toàn cầu; không còn công ty tài chính, do được sáp nhập vào các tập đoàn ngân hàng; 11 ngân hàng Hồi giáo và 15 ngân hàng đầu tư; không còn trung tâm chiết khấu, do được sáp nhập vào các ngân hàng đầu tư; 25 công ty bảo hiểm, cùng với 5 ngân hàng nước ngoài được cấp phép, giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nội địa và có tầm hoạt động rộng trên thị trường khu vực và thế giới.
Những nỗ lực tái cấu trúc, hợp nhất và hợp lý hóa được thực hiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 đã giúp hệ thống ngân hàng nói riêng và khu vực tài chính nói chung của Malaysia có một nền tảng vững mạnh hơn. Quá trình tái cấu trúc đã tập trung vào giải quyết 4 vấn đề chủ yếu, đó là: xử lý nợ xấu; tăng cường các quy định thận trọng và ra đời các chuẩn mực và thông lệ quản trị rủi ro; cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thông qua nâng cao chất lượng của HĐQT và ban điều hành; củng cố lợi thế cạnh tranh thông qua sáp nhập các tổ chức tài chính, thúc đẩy các tổ chức tài chính nội địa tập trung phát triển lành mạnh và giải quyết các yếu kém, đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác chiến lược.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Kế hoạch phát triển tổng thể cũng tạo nên những hiệu quả cải cách hệ thống ngân hàng trong dài hạn. Những cải cách này cùng với xu thế phát triển kinh tế - tài chính của khu vực và toàn cầu đã làm thay đổi môi trường kinh doanh, tạo ra một môi trường linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các ngân hàng trong nước.
Nguyễn Thùy Linh - Vụ Chiến lược Ngân hàng, NHNN
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|