Thứ Sáu, 10/02/2012 08:59

Lãi suất có giảm nhưng vẫn còn quá cao

Lãi suất cho vay đã có xu hướng hạ nhiệt, song mức giảm còn dè dặt và phạm vi còn nhỏ, hẹp.

Giữa năm 2011, công ty cổ phần Mạnh Trường (Hà Nội), vay 500 triệu đồng của ngân hàng Bảo Việt với lãi suất 24,5% năm. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, giám đốc công ty này cho biết, khoản lãi suất nay đã được điều chỉnh xuống còn 20,5%/năm. Giám đốc công ty may túi xách Minh Tiến (TP.HCM) Nguyễn Trí Kiên cũng cho biết, lãi suất món vay 3,5 tỉ đồng của doanh nghiệp tại ngân hàng Vietcombank cũng vừa được giảm hơn 1%/năm, còn 17%/năm.

Chính sách giảm lãi suất cho vay vốn được một số ngân hàng rục rịch áp dụng, song mức giảm vẫn dè dặt và phạm vi còn nhỏ, hẹp. Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước cho biết, mức giảm trung bình đối với lãi suất cho vay của ngân hàng là 1%/năm. Tuỳ vào món vay, lãi suất của Eximbank trung bình 17 – 19%/năm. Theo ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB, mặt bằng lãi suất chỉ có thể giảm chút ít, do các ngân hàng phải gánh chi phí đầu vào quá cao. Một số ngân hàng thiếu thanh khoản vẫn tìm cách vượt trần lãi suất huy động, gây sức ép thanh khoản lên thị trường ngân hàng, đồng thời làm khó mục tiêu giảm dần mặt bằng lãi suất của cả hệ thống.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn là quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Thành viên HĐQT một doanh nghiệp kinh doanh kho vận tại Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp có món vay tương đương 5 triệu USD từ năm 2008 với lãi suất ban đầu chỉ là 10,5%/năm. Năm 2011, lãi suất của khoản vay này đã được điều chỉnh lên tới 25%/năm và nay giảm còn 20%/năm. “Trong tính toán ban đầu của chúng tôi, phương án xấu nhất, lãi suất ngân hàng cũng chỉ là 15%. Mặc dù có nhiều khách hàng lớn, ổn định với công suất hoạt động đạt tới 95%, song lợi nhuận của doanh nghiệp cũng chỉ đủ gánh khoản chi phí lãi vay”, ông này cho biết.

Ông Kiên chia sẻ, đây là thời điểm tương đối thuận lợi để doanh nghiệp của ông tìm kiếm mặt bằng, cả về vị trí lẫn giá cả. Song phần vì sức mua của thị trường vẫn quá chậm, phần khác lãi suất ngân hàng vẫn đắt đỏ, nên kế hoạch mở rộng kênh phân phối của Minh Tiến đặt ra từ cuối năm 2011 nay đang phải tính toán lại.

Tương tự, giám đốc công ty cổ phần Mạnh Trường cho biết, có đối tác đặt vấn đề hợp tác xây dựng một nhà xưởng tại Đà Nẵng, cam kết thị trường đầu ra, song doanh nghiệp cũng chưa mặn mà, do lo ngại làm không đủ trả lãi.

Ông Trương Văn Phước xác nhận, hồ sơ vay vốn mới gửi đến ngân hàng rất ít, do doanh nghiệp phần lớn e ngại lãi suất cao. Phụ trách bộ phận tín dụng của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, trong hơn một tháng qua, lượng vốn ngân hàng giải ngân chủ yếu của doanh nghiệp đảo nợ.

Thảo Nguyễn

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà? (10/02/2012)

>   BIDV và Vietcombank hạ lãi suất cho vay (10/02/2012)

>   Lãi suất ngân hàng: Cuộc chơi của các “ông lớn” ? (09/02/2012)

>   Tiền đồng tiếp tục tăng giá so với đô la (09/02/2012)

>   Giải pháp hạ lãi suất (09/02/2012)

>   Ngân hàng bỏ lửng tín dụng chứng khoán, BĐS...? (09/02/2012)

>   VietinBank khai trương chi nhánh tại Lào (09/02/2012)

>   Thị trường lãi suất: Nóng đầu vào, khó giảm đầu ra (09/02/2012)

>   “Phải giải quyết thanh khoản ngân hàng trong quý 1/2012” (09/02/2012)

>   Trò chơi thanh khoản: lộ diện nhóm lợi ích NH (09/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật