Thứ Sáu, 10/02/2012 15:56

Tỷ giá ổn định, nên gửi tiết kiệm bằng VND

Nhiều chuyên gia nhận định, tỷ giá USD/VND sẽ ít có biến động trong 6 tháng đầu năm 2012.

Theo Thống đốc NHNN, đồng Việt Nam sẽ biến động giá không quá 3% trong năm 2012

Ngày 9/2, tại Vietcombank, giá USD niêm yết mua vào, bán ra chỉ còn 20.860 - 20.930 đồng, giảm 60 đồng chiều mua vào và 80 đồng chiều bán ra so với 8/2. Tại Eximbank, BIDVACB, giá mua bán USD giảm 20 - 50 đồng so với hôm trước, giá mua dao động từ 20.850 - 20.860 đồng, giá bán khoảng 20.930 - 2.0940 đồng.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, tiền đồng Việt Nam sẽ ít chịu áp lực tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2012, xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, về căn bản, việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng theo sát cung - cầu của thị trường đã làm giảm kỳ vọng về việc tỷ giá sẽ tăng của thị trường, qua đó, giải tỏa được tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân và DN. Cách thức làm mới sẽ khiến cho áp lực tỷ giá thay đổi, không có những biến động giật cục như những năm về trước, giảm áp lực lên tỷ giá. Thứ hai, hiện chênh lệch lãi suất giữa VND và USD là khá lớn, điều này sẽ khuyến khích người dân chuyển sang nắm giữ VND, kéo theo cung ngoại tệ sẽ tăng. Thứ ba, nhu cầu nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm thường không lớn, tức nhu cầu ngoại tệ không cao.

Đồng quan điểm trên, giám đốc phụ trách kinh doanh ngoại hối của một NHTM cho rằng, bên cạnh những yếu tố liên quan đến quy luật cung - cầu, một yếu tố quan trọng khiến tỷ giá USD/VND ổn định là tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về mức biến động hay phá giá của đồng Việt Nam không quá 3% trong năm 2012.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tuyên bố trên của người đứng đầu của hệ thống ngân hàng có tác động 2 mặt. Ở khía cạnh tích cực, rõ ràng, Thống đốc muốn tạo ra sự  ổn định, hạn chế tâm lý đầu cơ tích trữ, dẫn đến những biến động lớn trong thị trường ngoại hối. Nhưng mặt tiêu cực là đi ngược lại với cơ chế tự vận hành, ngược lại quy luật cung - cầu của thị trường ngoại hối và áp đặt cơ chế hành chính. Chẳng hạn, nếu cuối năm nay, lạm phát cao khiến giá trị thực tế của đồng Việt Nam giảm mạnh mà NHNN lại tìm mọi cách để giữ ổn định thì sẽ tạo ra hai hệ quả: thứ nhất, làm méo mó thị trường và NHNN phải can thiệp mạnh bằng biện pháp hành chính, bằng dự trữ ngoại hối của mình, đó thực sự là rủi ro và thiệt hại; thứ hai, những nhà xuất khẩu sẽ phải chịu thiệt thòi và mặc nhiên hỗ trợ cho nhập khẩu, từ đó, ảnh hưởng đến lạm phát và thị trường. “Giữa những điểm có lợi và bất lợi như thế, đâu là con đường NHNN nên theo?”, TS. Hiếu nói.

Một vấn đề nữa cần hết sức lưu tâm là hiện chênh lệch giữa lãi suất tiền VND và USD rất lớn, nếu tỷ giá ít biến động sẽ dẫn đến hiện tượng nhiều người đi vay USD để đổi ra tiền đồng, rồi gửi ngân hàng hưởng chênh lệch. Đó cũng là lý do một số thành phần kinh tế, kể cả ngân hàng đã trục lợi vì tỷ giá được ấn định ở mức nào đó trong khi nhiều thành phần kinh tế khác lại không được hưởng lợi. Trong khi đó, nếu để tỷ giá tự do vận hành, đến lúc đổi sang đô - la Mỹ trả nợ ngân hàng, họ có thể sẽ phải đổi theo giá rất cao, tất cả lợi nhuận chênh lệch mà họ được hưởng từ trước có thể bị xóa bỏ bởi sự chênh lệch tỷ giá.

“Với cam kết của NHNN thì doanh nghiệp có thể mạo hiểm trong một vài giao dịch nhưng cuối cùng vẫn là hưởng lợi trên sự biến động nhỏ của tỷ giá. Do vậy, với mọi cam kết, e rằng NHNN sẽ phải tốn phí rất nhiều trong trường hợp không kiểm soát được lạm phát và sẽ đưa đến nhiều biện pháp hành chính để đạt được chỉ tiêu này. Trong năm 2012, NHNN nên xem xét lại mục tiêu về biến động ngoại hối trong năm. Về lâu dài, tốt nhất nên để cho thị trường tự vận hành”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bài toán tỷ giá liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc ổn định tỷ giá có ý nghĩa rất lớn. Nếu phá giá VND, có thể có lợi cho xuất khẩu, song nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp tính theo VND cũng sẽ tăng tương ứng. Hơn thế, việc đồng nội tệ liên tục bị mất giá cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất lòng tin vào môi trường kinh doanh của Việt Nam... Tuy nhiên, không thể ổn định tỷ giá bằng những mệnh lệnh hành chính, hay bằng những can thiệp “thô bạo” vào cung - cầu thị trường mà phải bằng các giải pháp kinh tế. Và giải pháp tốt nhất vẫn là kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Do vậy, theo lời khuyên của giám đốc kinh doanh ngoại hối, nên chuyển từ tiết kiệm USD sang tiết kiệm VND trong 6 tháng đầu năm.

Hồng Dung

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Ngân hàng huy động vốn: Sàng lọc và cạnh tranh (10/02/2012)

>   Kinh nghiệm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Malaysia (10/02/2012)

>   Hạ lãi suất, không nên "ép" ngay! (10/02/2012)

>   Agribank bị kiện vì không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (10/02/2012)

>   Lãi suất có giảm nhưng vẫn còn quá cao (10/02/2012)

>   ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà? (10/02/2012)

>   BIDV và Vietcombank hạ lãi suất cho vay (10/02/2012)

>   Lãi suất ngân hàng: Cuộc chơi của các “ông lớn” ? (09/02/2012)

>   Tiền đồng tiếp tục tăng giá so với đô la (09/02/2012)

>   Giải pháp hạ lãi suất (09/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật