Thứ Sáu, 10/02/2012 13:43

Ngân hàng huy động vốn: Sàng lọc và cạnh tranh

Trong khoảng 2,8 triệu tỷ đồng vốn huy động từ thị trường của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nhóm ngân hàng lớn tuy ít thành viên hơn nhưng vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo; riêng khối cổ phần, những thành viên lớn cũng đang tạo sự dịch chuyển rõ nét.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2007, các tổ chức tín dụng nhà nước nắm giữ tới 59,5% thị phần. Đáng chú ý là nhóm này chỉ bao gồm 6 thành viên (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, MHB và Ngân hàng Chính sách xã hội), trong khi hệ thống có khoảng 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Sự chi phối của 6 thành viên này trong huy động vốn (đúng hơn là chỉ 5 thành viên vì quy mô của MHB còn rất nhỏ) được giải thích từ nhiều nguyên do: họ là những ngân hàng có bề dày truyền thống trên dưới 50 năm, gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của thị trường; họ có quy mô lớn cả về năng lực tài chính và mạng lưới (chỉ riêng Agribank đã có tới khoảng 2.400 chi nhánh); đã có quá trình hoạt động lâu dài cùng tiềm lực tài chính lớn để đầu tư và đi trước một quãng đường dài về sản phẩm dịch vụ…

Tuy nhiên, từ cuối năm 2007 đến nay, miếng bánh thị phần huy động vốn của các ngân hàng đã có sự dịch chuyển nhanh chóng với sự bật lên của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn như ACB, Techcombank, Sacombank… Khoảng cách về quy mô vốn, tổng tài sản, mạng lưới và đặc biệt là về khả năng đầu tư phát triển công nghệ và sản phẩm của nhóm này đã không còn quá lớn so với 5 thành viên nói trên so với thời điểm trước năm 2007.

Cơ cấu thị phần huy động vốn theo đó đã có thay đổi và đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Cuối năm 2008, tỷ lệ của nhóm 5 thành viên trên và MHB đã giảm xuống còn 57,1%, trong khi khối thương mại cổ phần đã tăng lên 33,1%. Cuối năm 2009, sự dịch chuyển càng rõ nét hơn tương ứng là 49,7% và 40,8%. Và theo dữ liệu cập nhật gần nhất, trong số khoảng 2,8 triệu tỷ đồng vốn huy động từ thị trường 1 cuối tháng 10/2011, khối ngân hàng cổ phần đã chính thức chiếm ngôi đầu với thị phần lớn nhất là 45,2%, trong khi nhóm 6 thành viên quốc doanh chỉ còn lại 43,8%, còn lại là các nhóm khác.

Sự lấn sân nhanh chóng của khối ngân hàng thương mại cổ phần mà trọng tâm là một số những ngân hàng cổ phần lớn nói trên thể hiện rõ qua quy mô vốn chủ sở hữu đã lần lượt tiếp cận và vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản của ACB, Techcombank… cũng đã liên tục tăng mạnh và đạt trên dưới 150.000 tỷ đồng; hệ thống mạng lưới liên tục mở rộng... Đặc biệt, đây là nhóm năng động nhất trong đầu tư, ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm.

Đi cùng với sự dịch chuyển thị phần huy động đó, Ngân hàng Nhà nước cũng kỳ vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có khoảng 8 - 10 ngân hàng thương mại cổ phần cùng với khối quốc doanh tạo thành những trụ cột cho hệ thống. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhóm trụ cột này có tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động hiệu quả và đặc biệt là có được sự lành mạnh trong hoạt động để củng cố sự bền vững cho cả hệ thống, đặc biệt là ở khả năng chống đỡ với những cơn bão khắc nghiệt của nền kinh tế bên trong và bên ngoài như từng xảy ra những năm gần đây.

Triển vọng trong những năm tới, nhiều chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự lớn mạnh và chi phối của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, bên cạnh cơ hội tăng cường sức mạnh khi được cổ phần hóa ở nhóm quốc doanh. Riêng trong hoạt động huy động vốn, xu hướng dịch chuyển thị phần nói trên sẽ tiếp tục thể hiện.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn, môi trường huy động vốn những năm gần đây, đặc biệt là năm 2010 và 2011, càng tạo điều kiện để tạo sự sàng lọc và cạnh tranh.

“Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm lãi suất là lực hút chính của dòng tiền gửi. Đó đúng là yếu tố quan trọng, nhưng không hẳn có tính quyết định. Có nhiều yếu tố khác nữa tác động tới lựa chọn của người gửi tiền như: sự tin cậy, uy tín ngân hàng và những tiện ích mà ngân hàng đó cung cấp. Một ngân hàng có năng lực tài chính mạnh, thương hiệu uy tín, kinh doanh hiệu quả sẽ tạo được niềm tin; có mạng lưới rộng khắp và tính tương tác cao giữa các sản phẩm tiện ích sẽ tạo thêm nhiều giá trị gia tăng khác. Để có được lợi thế này đòi hỏi một quá trình và quy mô đầu tư lớn - điều mà những ngân hàng yếu khó hội đủ để có thể cạnh tranh”, vị tổng giám đốc này nói.

Quan điểm trên được ông đưa ra khi đề cập đến những xáo trộn trong cạnh tranh, liên quan đến tình trạng vượt trần lãi suất ở một số ngân hàng yếu, khó khăn thanh khoản trong thời gian qua. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều khách hàng hiện nay không đơn thuần chỉ gửi tiền lấy lãi, mà còn có nhu cầu giao dịch linh hoạt, sử dụng dịch vụ thẻ hiện đại và thuận tiện, hay có thể kết nối với các kênh đầu tư, bảo hiểm… Cạnh tranh chính nằm ở đây hơn là ở “chiêu” vượt trần lãi suất và thế mạnh vẫn tập trung ở các ngân hàng lớn.

Bên cạnh cơ cấu thị phần nói trên, hiện chưa có tập hợp đầy đủ song những dữ liệu ban đầu cho thấy tăng trưởng huy động vốn của hầu hết các ngân hàng lớn đều đạt mức cao trong năm 2011, từ 15% đến hơn 30%, cao hơn nhiều mức bình quân hệ thống là 9,89%. Ngược lại, huy động vốn tại nhiều ngân hàng nhỏ đã bắt đầu chậm lại, chỉ tăng trưởng trên dưới 10%, thậm chí có những trường hợp sụt giảm từ 15% - 22%...

Mạnh Thắng

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Kinh nghiệm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Malaysia (10/02/2012)

>   Hạ lãi suất, không nên "ép" ngay! (10/02/2012)

>   Agribank bị kiện vì không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (10/02/2012)

>   Lãi suất có giảm nhưng vẫn còn quá cao (10/02/2012)

>   ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà? (10/02/2012)

>   BIDV và Vietcombank hạ lãi suất cho vay (10/02/2012)

>   Lãi suất ngân hàng: Cuộc chơi của các “ông lớn” ? (09/02/2012)

>   Tiền đồng tiếp tục tăng giá so với đô la (09/02/2012)

>   Giải pháp hạ lãi suất (09/02/2012)

>   Ngân hàng bỏ lửng tín dụng chứng khoán, BĐS...? (09/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật