Lãi suất sẽ giảm vào quý 3?
Những ngày đầu tháng 2/2011, hàng loạt ngân hàng tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây đang là thời điểm thích hợp để bàn về việc hạ lãi suất vốn đã được các doanh nghiệp kỳ vọng từ lâu.
Ngày 10/2, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (HOSE: VCB) đã giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ. Lãi suất lãi suất cho vay bằng VND đồng loạt giảm 2%/năm so với trước đây. Theo đó, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, xuất khẩu ngắn hạn từ 16 % - 16,5% /năm, lãi suất cho vay tiêu dùng còn 18-19%/năm. Lãi suất cho vay chứng khoán và bất động sản 20%/năm.
Trước Vietcombank, BIDV là ngân hàng tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay. Hiện, lãi cho vay tại BIDV thấp nhất dành cho đối tượng ưu tiên nông nghiệp, nông thôn và xuất nhập khẩu là 14,5%/năm. Lãi suất cao nhất khoảng 17 – 17,5%/năm. Trao đổi với Tamnhin.net, một vị lãnh đạo ngân hàng có trụ sở tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, ngân hàng ông cũng đang bàn bạc những phương án hạ lãi suất cho vay. Cụ thể hạ như thế nào? Thời gian nào thì ông không dám nói ngay nhưng chắc chắn trong một vài tháng tới, việc ngân hàng ông giảm lãi suất là việc có thể thực hiện được. Nhân tiện, vị lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, theo thông tin ông được biết, một vài ngân hàng khác cũng có khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới.
Trao đổi với Tamnhin.net, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Vietcombank và một số ngân hàng khác đi đầu trong việc giảm lãi suất thời điểm này cũng là ông khá bất ngờ. Bởi thời điểm này, tính thanh khoản trên toàn hệ thống vẫn còn khá “căng”. Theo ông Hiếu, có thể tính thanh thoản của các ngân hàng này tốt hơn và lưu chuyển dòng vốn điều hòa, quản lý được nguồn vốn tốt nên có điều kiện giảm lãi suất.
Ngành ngân hàng sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới và thời điểm hiện tại thì đã có những ngân hàng có động thái giảm lãi suất. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tính thanh khoản vẫn còn khá “căng” trên thị trường, cho nên trước khi giảm đồng loạt hơn, tính thanh khoản vẫn cần được cải thiện hơn nữa. Nghĩa là các ngân hàng trong thời điểm này vẫn cần giữ lãi suất để thu hút tiền gửi của khách hàng. Mà tiền gửi cao thì không thể đẩy lãi suất cho vay xuống ngay được.
Vấn đề thứ hai nữa là tính cạnh tranh lành mạnh của toàn hệ thống ngân hàng. Nếu tất cả ngân hàng đang đồng loạt giảm, chỉ cần một vài ngân hàng khác vì tính thanh khoản mà đẩy lãi suất lên thì buộc các ngân hàng khác cũng phải đẩy lên vì sợ mất khách hàng.
Chuyên gia này cũng cho rằng, với việc một vài ngân hàng hạ lãi suất thì cũng không giúp ích được nhiều cho các đại bộ phận doanh nghiệp. Lý do bởi để tiếp cận được nguồn vốn thấp thường là những doanh nghiệp thân thiết, có quan hệ tốt, được ưu đãi... Còn một nghịch lý khác nữa là các ngân hàng thường ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp mà “sức khỏe” tài chính đã có rồi, không thực sự cần vốn như các doanh nghiệp đang lao đao khốn khó. Trong khi đó, các doanh nghiệp khó khăn lại bị xếp hạng cuối cùng, rất khó có được nguồn vốn. Cho nên ông Hiếu kỳ vọng rằng giảm lãi suất sẽ được thực hiện đồng bộ để toàn nền kinh tế được hưởng chứ không chỉ là một vài ngân hàng được lợi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cũng sẽ mở đầu cho những ngân hàng khác trong năm nay sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, phải đợi đến qua tháng 6 năm 2012 thì mới hy vọng các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất. Bởi hiện nay NHNN đang có những phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. Thời điểm sau tháng 6, khi NHNN có thể kiểm soát được lạm phát thì sẽ tập trung vào vấn đề giảm lãi suất. Bên cạnh đó, năm nay, lạm phát cũng đang có dấu hiệu giảm hơn mọi năm, đó là điều kiện, cơ sở để hạ lãi suất xuống.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong khi dự báo về việc lãi suất giảm trong năm 2012 cũng cho rằng, khả năng hạ lãi suất là có. Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đó chỉ là quyết định chờ thời gian.
Thảo Nguyên
Tầm Nhìn
|