Hạ lãi suất: Lời ngỏ từ một tiểu thương
Ngân hàng Nhà nước đã khống chế trần lãi suất huy động từ gần nửa năm nay nhưng vẫn để ngỏ lãi suất cho vay. Vô hình chung, điều này trở thành sự bảo đảm tuyệt vời cho các ngân hàng kiếm lãi lớn. Hạ lãi suất bằng cách khống chế lãi suất cho vay là một phương án cần được tính đến.
Đây là những lời ngỏ của ông Nguyễn Tuấn Sơn - một tiểu thương tại Hà Nội trước tình cảnh khốn khó của người kinh doanh vì lãi suất ngân hàng quá cao, kéo dài.
Mục đích của chính phủ là đưa lãi suất cho vay xuống thấp nhất có thể, qua đó đồng tiền được đưa vào sản xuất, kinh doanh với lãi suất vừa phải, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Chính vì vậy Thống đốc đã đề xuất và thực thi chính sách trần lãi suất tiền gửi (14%) có đúng không? Vậy tại sao ông không khống chế lãi suất cho vay với các biện pháp mạnh như là làm mạnh với vượt trần lãi suất trong thời gian vừa qua?
Thực tế có thể thấy, từ khi áp dụng trần lãi xuất tiền gửi tới nay đã 6 tháng mà lãi suất cho vay vẫn giảm không đáng kể. Vậy nguyên nhân của điều này từ đâu?.
Bản chất của ngân hàng cũng là một một doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác. Có nghĩa là mua của người này rồi bán cho người khác, trong quy trình đó đồng tiền là hàng hóa, lãi suất tiền gửi là giá mua vào và lãi suất cho vay là giá bán ra. Mà ở đây mua của số đông và bán cho số ít (số người gửi tiền là toàn dân luôn lớn hơn số người vay là các doanh nghiệp và một số người dân cần vay).
Trong quy trình đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ra chỉ thị hành chính khống chế một đầu và thả lỏng đầu còn lại. Từ đây dẫn đến rất nhiều hệ lụy mà người gánh chịu chính là giới kinh doanh.
Người có tiền không có lựa chọn nào khác là cho vay (bán ra) với lãi suất cố định là 14% trong khi lạm phát là 19% (có chăng là chuyển khoản tiền cho vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B mà thôi) hoặc có chăng nhận thêm ngoài 14% là 1 cuốn lịch giá 20.000 VND ngày tết mà thôi).
Người đi vay vẫn phải chấp nhận giá cao, mức thấp nhất theo công bố các ngân hàng hiện nay là 17% và cao thì vô cùng. Nhưng muốn vay được với lãi suất 17% thực thì không thể vì còn phải trả rất nhiều lại phí khác nữa. Thông thường vẫn là 21% + phí thẩm định tài sản thế chấp.
Như vậy, phải chăng Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm được một khoản lợi nhuận rất lớn đến từ chính sách không rõ ràng. Với thực tế, mua vào thì cao nhất chỉ có 14 còn bán ra thì tùy ý muốn thì các ngân hàng khác nào đang được tạo cơ hội để kiếm lãi. Trong tình hình kinh kế khó khăn hiện nay thì NH càng được hưởng lợi nhiều hơn vì người đi vay đang không còn lựa chọn nào khác, phải chấp nhận với bất cứ giá nào.
Với cách làm này, các NH không còn động lực cạnh tranh lành mạnh nữa vì luôn được đảm bảo khoản lợi nhuận trên. Mọi việc như cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động, tăng dịch vụ tiện ích... có cũng được và không cũng không sao.
Thậm chí, từ thực tế này đã dẫn đến hệ lụy là một số hành vi phi pháp hoặc không được khuyến khích trong quá trình vay vốn của NH sẽ có đất để trỗi dậy (tín dụng đen, tiền môi giới đi vay, tiền phí bôi trơn khi thẩm định, khi vay...).
Trong khi đó, nếu như Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề ngược lại là hống chế đầu ra là lãi suất cho vay 17% và thả lỏng đầu vào thì sẽ có các tác dụng lớn hơn.
Người đi vay chỉ phải trả 17% lãi suất thực, với lãi suất có thể chấp nhận được này thì đồng tiền sẽ trực tiếp và nhanh chóng đi vào sản xuất, thúc đẩy nền khinh tế đang bị trì trệ và vượt khó khăn trong thời gian ngắn nhất. Đây là cái được lớn nhất mà chúng ta đang mong chờ.
Tăng khả năng cạnh tranh giữa các NH. Các vấn đề nội hàm của NH như cải tổ ban lãnh đạo, nâng cao trình độ nhân viên, cải tiến công nghệ, tăng năng xuất lao động, tăng dịch vụ tiện ích, hệ thống chi nhánh ... sẽ được đẩy mạnh. Lúc này nền kinh tế thị trường tự điều tiết, qua đó các NH còn tồn tại tự động lớn mạnh và các NH yếu kếm sẽ tự phải giải thể, sát nhập hay phá sản.
Đồng thời, điều này sẽ giúp tránh được những khoản cho vay có độ rủi ro cao đảm bảo tính bền vững của toàn hệ thống NH bởi vì khi chỉ được phép cho vay với cùng một lãi suất thì mặc nhiên các NH sẽ lựa chọn khách hàng là người có uy tín, độ tin cậy cao, có khả năng trả nợ thực tế, đúng hạn hồ sơ thế chấp, tín chấp minh bạch rõ ràng. Vì các tiêu chí đó của khách hàng ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí phát sinh khi cho vay.
Còn người cho vay được quyền lựa chọn giá cao nhất hoặc dịch vụ tốt nhất. Vì khi đó các NH sẽ tùy chọn đặt giá mua vào 12, 14 hay 15% tùy vào năng lực và trình độ nghiệp vụ của NH đó.
Để áp dụng điều này không có gì khó, nó hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của ngân hàng và chỉ cần điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật như: thời hạn công bố và thời hạn thực thi là 60 ngày (hay 90 ngày tùy vào thực trạng chung của toàn hệ thống NH) để các NH giải quyết dần cho các khoản đã vay với lãi suất cao trước đó. Dù thời hạn thực thi là sau 60 ngày (90 ngày) so với ngày công bố nhưng thực chất toàn hệ thống NH sẽ phải chuyển động ngay từ khi công bố để có thể kịp theo thời hạn thực thi.
Trần lãi xuất cho vay phải đảm bảo nghiêm là 17%, trong đó đã bao tất cả các loại phí. Việc kiểm tra kiểm soát cũng không khó, chỉ cần kiên quyết. Ví dụ bất cứ người vay tiền nào chứng minh được đã phải trả tổng chi phí cao hơn 17% thì sẽ được hưởng 30% giá trị tiền vay, số tiền chi trả 30% cho người vay được lấy từ lợi nhuận của NH đó và mọi điều khoản về thời gian trả nợ, đáo hạn ... vẫn được giữ nguyên.
Đồng thời, Phân chia tỷ lệ cho vay theo vùng (vùng cao, vùng núi, đồng bằng, vùng ưu tiên ...) theo nghành nghề (Chế tạo máy móc, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản ...). Cũng như, quy định riêng trần lãi suất cho vay theo lĩnh vực vay như vay tiêu dùng, vay sản xuất...
Tất nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề liên quan đến thực tế vào tình trạnh chung của toàn hệ thống NH và nền kinh tế hiện nay để Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước có quyết sách cuối cùng. Nhưng với mục đích hạ lãi suất để hỗ trợ kinh doanh như mong muốn của DN và người dân, cũng như thực thi tốt chỉ đạo của Chính phủ thì đây hẳn là một đề xuất có tác dụng tốt trong điều kiện hiện nay.
Nguyễn Tuấn Sơn
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|