Tỷ giá USD/VND ở mức nào là hợp lý?
Tại mỗi thời điểm có mỗi câu trả lời khác nhau. Còn lúc này, câu trả lời là: 20.828 VND.
20.828 VND = 1 USD là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố và cố định suốt từ ngày 24/12/2011 cho đến nay.
Nhìn lại các dự báo
Dự báo có khi chỉ là để dự báo. Nhưng lúc này có một câu hỏi thú vị thử đặt ra: Ai là người dự báo tỷ giá USD/VND chính xác nhất trong năm 2011?
Năm 2011, tỷ giá USD/VND chốt ở 21.036 VND, theo mức bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Đối chiếu và tra soát dữ liệu, một loạt dự báo của những tên tuổi như HSBC, Standard Chartered, Credit Suisse, ANZ…, hay của một số chuyên gia đều có sai số tương đối lớn, dù một số tổ chức đã thực hiện điều chỉnh dự báo của mình qua các thời điểm.
Điểm lại, dự báo chính xác nhất của tổ chức thuộc về Economist với con số 21.019 VND. Dự báo chính xác nhất của chuyên gia là hai nhân vật quen thuộc Trương Văn Phước và Trần Du Lịch, chung dự tính xoay quanh mốc 21.000 VND.
Như ở trên, dự báo có khi chỉ là để dự báo, nhưng khi đưa ra đều có cơ sở của riêng mình. Cơ sở là sự phân tích tổng hòa các yếu tố tác động, xu hướng và kỳ vọng…, hay gói gọn là một mức hợp lý theo nhìn nhận của họ cho thời điểm đó.
Cũng cần nói thêm, “tính hợp lý” ở đây là phản ánh đúng thực tế vận động của tỷ giá USD/VND trên thị trường. Điều này khác với “tính hợp lý” khi đặt trong các vấn đề định giá kỹ thuật, hay xác định theo các lợi ích, mục tiêu. Nói vậy, bởi thời gian qua, cũng như trong một công trình nghiên cứu công bố mới đây, có những nhận định cho rằng VND đang bị định giá quá cao, thậm chí có thời điểm lệch tới 20%...
Còn năm 2012 này, các dự báo đang tạm vắng. Hiện mới chỉ có một dự báo đáng chú ý nhất là của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra hồi đầu tháng 1 với khả năng tỷ giá USD/VND điều chỉnh 5 - 6% trong năm nay. Trong khi, định hướng kiểm soát biến động tỷ giá trong khoảng 2 - 3% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng có thể xem là một dự báo và hạn chế giá trị của các dự báo khác (?).
“No bụng, đói con mắt”
Trở lại với câu hỏi đặt ra, 20.828 VND là mức hợp lý cho tỷ giá tại thời điểm này. Gần hai tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã neo một điểm cố định như vậy và thực tế đang cho những phản ứng đồng thuận.
Ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước có một điều chỉnh quan trọng: tăng mạnh tỷ giá và thu hẹp biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%. Giá trị tín hiệu của tỷ giá bình quân liên ngân hàng theo đó rõ nét hơn, bởi biên độ đã kéo tỷ giá thực tế của các ngân hàng lại gần hơn; dĩ nhiên đi cùng với đó phải là sự linh hoạt theo biến động của thị trường.
Thời điểm đó, có những ý kiến cho rằng biên độ +/-1% là quá hẹp, làm hạn chế tính thị trường trong điều hành. Song, tính thị trường ở đây nên hiểu là sự linh hoạt của tỷ giá bình quân liên ngân hàng, có tính chủ quan nhất định.
Gần hai tháng qua là sự cố định 20.828 VND. Nó đứng yên như vậy, tưởng như không phát đi tín hiệu gì. Biên độ +/-1% đó cứ cho là quá hẹp. Song, “no bụng, đói con mắt”, thực tế thị trường cho thấy có nhiều biến động mạnh trước và sau Tết Nguyên đán mà vẫn không vượt khỏi phạm vi +/-1% đó. Khi giới hạn chưa bị đẩy đến tối đa, nó vẫn còn hợp lý cho hiện tại.
Tính hợp lý lúc này còn thể hiện ở một giá trị ít thấy trong suốt những năm vừa qua: sự hội tụ. Tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá của các ngân hàng thương mại và cả tỷ giá trên thị trường tự do đang xoay quanh một điểm. Chỉ có tính hợp lý mới tạo được sự hội tụ đó. Vấn đề còn lại là bao giờ sự hội tụ sẽ bị phân rã?
Điểm cốt yếu để trả lời vẫn tùy thuộc ở lãi suất giữa hai đồng tiền. Lãi suất VND có thể sẽ hạ (theo định hướng điều hành), song chênh lệch quá lớn hiện nay sẽ khó bị rút ngắn một cách nhanh chóng. Mặt khác, giảm lãi suất VND còn tùy thuộc vào rất nhiều biến số: lạm phát, cung tiền, thanh khoản hệ thống, cơ chế trần, giới hạn tín dụng, phân loại tín dụng, hay cả việc tái cơ cấu hệ thống sẽ diễn ra như thế nào… Tất nhiên, sự phân rã hay không còn chịu tác động ở cung - cầu ngoại tệ, liên quan đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế nữa.
Những ngày gần đây tỷ giá cho xu hướng giảm. Giả sử nó kịch sàn 20.620 VND thì tính hợp lý của mốc 20.828 VND sẽ cần được xem xét. Nhưng nếu điều đó xẩy ra, lại có một khả năng khác…
Và cơ hội tích cốc phòng cơ
Khả năng đó liên quan đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước.
Sự sụt giảm mạnh của tỷ giá trước Tết Nguyên đán và đang thể hiện trong tuần qua là một cơ hội nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước. Đó là hoạt động mua vào vừa điều tiết thị trường, vừa tăng dự trữ ngoại tệ. Thực tế, ngay ở đợt biến động trước Tết Nguyên đán, trước đà trượt mạnh của tỷ giá, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước lập tức tăng mạnh giá mua vào, đà trượt được chèn lại.
Những ngày cuối tuần qua và đầu tuần này, giá USD mua vào của các ngân hàng thương mại đã thấp hơn hẳn mức mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với khả năng cơ quan này đang tiếp tục mua vào.
Thông thường, là người mua bán sau cùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm vị thế mua sàn, bán trần. Nhưng mức giá mua vào vừa qua và hiện nay của Sở Giao dịch cao hơn hẳn mức sàn, cao hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại, có thể xem như một sự chủ động đón cơ hội gia tăng dự trữ ngoại tệ, phòng khi trái gió trở trời. Nếu vậy, nguồn cung VND đưa ra mua ngoại tệ cũng là cần thiết, đặt trong vấn đề thanh khoản hệ thống và định hướng giảm lãi suất hiện nay…
Minh Đức
TBKTVN
|