Thứ Ba, 14/02/2012 13:20

Chỉ thị 01: Chính sách đầu tiên hỗ trợ chứng khoán

(Vietstock) - Với Chỉ thị 01 và công văn 674 kèm theo, lần đầu tiên dấu hiệu chính sách cho sự phục hồi của TTCK đã hiện ra khá rõ. Chính xúc tác này sẽ tạo động lực cho hai chỉ số chứng khoán tiếp tục phục hồi trong thời gian tới.

* Chỉ thị 01: Ngân hàng nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng trong 2012

* NHNN kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay CK và BĐS không quá 16%

* Tải tài liệu: Toàn văn Chỉ thị 01/NHNN

Nếu chỉ thuần túy căn cứ vào đồ thị kỹ thuật của hai chỉ số VNI và HNX, hai phiên giảm điểm ngày 10 và 13/2/2012 đã làm “biến dạng” thị trường và dẫn đến kết quả khá xấu cho xu thế tiếp tục phục hồi.

Song rất có thể vào năm 2012 này, thị trường sẽ biến động theo cái cách “không giống ai”. Cùng là xu thế hồi phục, nhưng đường đi của hai chỉ số sẽ không “ngọt” như giai đoạn năm 2009. Sẽ không có cái cách “tăng 3 giảm 1” hoặc “tăng 4 giảm 2” cho đủ “T+4” để gom hàng và sau đó đánh lên. Mà những khoảng “gap” vô chừng sẽ liên tiếp hiện ra, đánh đố nhà đầu tư. Cũng sẽ là rủi ro không nhỏ cho những nhà đầu tư vẫn quá trung thành với quan điểm lướt sóng ngắn hạn.

Vào những phiên thử thách đầu tiên của thị trường trong giai đoạn phục hồi đầu tiên, tâm lý nhà đầu tư dĩ nhiên vẫn chưa thể tự tin. Điều đó hiện ra bằng thái độ quay ngoắt của một số người, vừa tung hô đó lại đã quay sang “nguyền rủa” thị trường.

Nhưng chứng khoán lại là một kiểu thị trường “luôn đúng”. Nếu từ đầu năm 2012 nó được vận hành theo xu hướng đi lên mà không xuất phát từ một thông tin tích cực rõ rệt nào, thì khi xuống, nó cũng đầy ẩn ý như thế.

Dường như sau tròn 20 phiên giao dịch kể từ đáy được thiết lập của thị trường, thông tin tích cực mới bắt đầu lộ ra: Chỉ thị 01 của Ngân hàng nhà nước.

Sẽ là hời hợt nếu chỉ nhìn vào cụm từ “không khuyến khích” trong văn bản số 674 - một công văn cũng của NHNN được đính kèm Chỉ thị 01, trong đó tiếp tục liệt chứng khoán vào nhóm “cần hạn chế cho vay”.

Nhưng nếu chịu khó hệ thống lại để có cái nhìn đầy đủ hơn, sâu xa hơn về quá khứ, hẳn nhà đầu tư sẽ nhận ra những ẩn ý rất thú vị từ việc so sánh.

Cho đến cuối năm 2010, tiếp theo con sóng tăng trưởng được khởi động từ năm 2009, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn duy trì cơ chế đòn bẩy tài chính rộng rãi cho nhà đầu tư. Nhưng vào đầu năm 2011, không khác gì cú “knock-out” của NHNN đối với thị trường bất động sản vào tháng 2/2008, chủ trương thắt chặt tín dụng của Chính phủ đã gián tiếp tác động mạnh đến dòng tiền và nguồn tiền chảy vào TTCK. Cũng kể từ đó, hiện tượng ngân hàng “cấm cửa” công ty chứng khoán, dẫn đến công ty chứng khoán “đóng cửa” đối với nhà đầu tư ngày càng phổ biến. Cuối cùng, hậu quả như thế nào thì tất cả chúng ta đều đã biết.

Cũng bởi thế, 2011 đã trở thành năm bĩ cực với TTCK, không chỉ bởi sự sụt giảm thê thảm của nó, mà còn do nó bị ghép thẳng thừng vào một khái niệm mà nhà đầu tư mới nghe đã cảm thấy nhức nhối: phi sản xuất.

Cho đến quý 4/2011, tình hình vẫn chưa có gì sáng lạn hơn khi nguồn tín dụng cho chứng khoán đã trở nên eo hẹp đến tận cùng.

Nhưng mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi từ những tín hiệu của chính sách. Những ngày gần đây, câu chuyện lan truyền trên thị trường về chủ trương của Thủ tướng “cứu” chứng khoán, qua yêu cầu đối với NHNN có biện pháp hỗ trợ tín dụng cho thị trường này, tuy không phải là mới, nhưng cũng góp phần xúc tác cho một tín hiệu khác lạ.

Khác hẳn với thái độ thờ ơ vào năm 2011, từ đầu năm 2012 đến nay, lại đã xuất hiện một vài sự quan tâm của NHNN đối với TTCK. Lần đầu tiên trong hơn một năm qua, chứng khoán đã không còn dính dáng đến cụm từ “phi sản xuất” - điều được thể hiện trong công văn 674 của NHNN, kèm theo Chỉ thị 01.

Có thể nói, sự thay đổi rất tế nhị và kín đáo trên đã cho thấy một sự chuyển đổi đáng kể về nhận thức và cách hành xử của các cơ quan điều hành chính sách tín dụng đối với TTCK.

Cũng trong công văn 674, tuy không trực tiếp đề cập đến cơ chế cho vay, hoặc mở lại cho vay của ngân hàng đối với chứng khoán, song quy định “kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay tối đa 16%” đã gián tiếp xác nhận việc các ngân hàng sẽ không bị ngăn cản trong việc khởi động lại một số hình thức cho vay chứng khoán.

Cùng với con số 71,000 tỷ đồng của NHNN hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhằm giải quyết tạm thời khó khăn về thanh khoản, từ sau tết đến nay, tình hình thanh khoản của nhóm ngân hàng lớn và vừa đã cải thiện hơn so với quý 4/2011. Việc Vietcombank vừa quyết định giảm lãi suất cho vay, trong đó có cho vay chứng khoán, là một bằng chứng về triển vọng đó.

Cũng là lần đầu tiên từ hơn một năm qua, NHNN đã có một động thái “hỗ trợ tín dụng” cho TTCK. Sau BIDV và Vietcombank, xu hướng mở lại cho vay chứng khoán có thể sẽ phát triển rộng trong nhóm ngân hàng G12, thậm chí còn lan xuống cả nhóm dưới. Dòng vốn tiềm năng trong ngân hàng vì thế sẽ có điều kiện tuôn chảy nhiều hơn vào kênh đầu tư chứng khoán.

Khả năng trên cũng được gia cố bởi một “sóng ngầm” diễn ra trong thời gian gần đây: hiện tượng một số ngân hàng dành vốn đầu tư cho cổ phiếu. Lẽ dĩ nhiên, không phải vô cớ mà trong sóng phục hồi của TTCK từ sau Tết đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng như STB, EIB, MBB… đã trở nên khởi sắc đầy bất ngờ, thay cho tình trạng đóng băng trong nguyên năm trước.

Với Chỉ thị 01 và công văn 674 kèm theo nó, lần đầu tiên dấu hiệu chính sách cho sự phục hồi của TTCK đã hiện ra khá rõ, điều mà nhà đầu tư không chỉ cảm thấy mà còn có thể “chạm” được. Chính xúc tác này sẽ tạo động lực cho hai chỉ số chứng khoán tiếp tục phục hồi trong thời gian tới.

Hạ Xuyên

Các tin tức khác

>   Chốt quyền sớm làm giảm tỷ lệ tham dự Đại hội? (14/02/2012)

>   WesternBank: Có cơ sở VDC và TNG bán khống cổ phiếu VDL (14/02/2012)

>   Chứng khoán đâu chỉ phụ thuộc vào lãi suất (14/02/2012)

>   Mạnh tay cứu chứng khoán (14/02/2012)

>   14/02: Bản tin 20 giờ qua (14/02/2012)

>   Các kịch bản đối với chỉ số VN-Index (13/02/2012)

>   Kéo dài thời gian giao dịch: giải pháp thứ yếu (13/02/2012)

>   Vùng tối và sáng của công ty chứng khoán (13/02/2012)

>   Nâng chất tín dụng thị trường chứng khoán (13/02/2012)

>   Dòng tiền lớn chờ bên lề thị trường (13/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật