Chốt quyền sớm làm giảm tỷ lệ tham dự Đại hội?
(Vietstock) – Mùa ĐHĐCĐ thường niên đang đến, hoạt động chốt danh sách cổ đông đang diễn ra tấp nập, tuy nhiên việc chốt quyền quá sớm có thể dẫn đến việc ĐHĐCĐ gặp thất bại do không hội đủ tỷ lệ tham dự theo quy định.
* Những vấn đề cổ đông cần lưu ý trước mùa Đại hội
* DNNY và những chuẩn bị trước mùa Đại hội cổ đông
* Đại hội trực tuyến có khả thi?
Với những doanh nghiệp có cổ đông nhà nước hoặc cổ đông lớn nắm giữ tỷ lệ lớn thì việc lo lắng Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên gặp thất bại trở nên dư thừa vì những cổ đông này thường có “trách nhiệm” khá lớn đối với doanh nghiệp. Khi đó, việc chốt danh sách cổ đông sớm hay muộn sẽ không phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, với những công ty đại chúng có tỷ lệ cổ phiếu “trôi dạt” bên ngoài lớn, được nhà đầu tư lướt sóng nắm giữ nhiều thì tính ổn định của bảng danh sách cổ đông không cao. Nhà đầu tư ngắn hạn dù sở hữu cổ phiếu cũng không mặn mà tham dự các Đại hội hay hội nghị do doanh nghiệp tổ chức.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp duy trì một khoảng thời gian “chết” quá lớn (khoảng 2 tháng), vô hình trung làm cho danh sách cổ đông bị xáo trộn. Cổ đông cũ không mặn mà tham dự Đại hội khi đã bán hết cổ phiếu sau ngày chốt quyền, trong khi đó những cổ đông mới lại không được mời dù có sự quan tâm thật sự đến hoạt động của doanh nghiệp.
|
ĐHĐCĐ thường niên 2011 của KLS gặp thất bại một phần vì chốt danh sách cổ đông quá sớm |
Còn nhớ, KLS năm ngoái chốt quyền vào ngày 19/01, nhưng mãi đến 2 tháng sau mới triệu tập ĐHĐCĐ thường niên lần 1. Trong khoảng thời gian ấy, không ít cổ đông đã “rơi rụng”. Đặc biệt sau khi KLS công bố kế hoạch chuyển hướng kinh doanh từ chứng khoán sang đầu tư thì một đợt bán tháo ồ ạt cổ phiếu này đã diễn ra, cơ cấu cổ đông đã “thay máu”. Kết quả là liên tục 2 lần triệu tập của KLS đều thất bại ê chề. Công ty buộc phải triệu tập Đại hội lần 3 nhưng kế hoạch thay đổi ngành nghề kinh doanh đã không còn trong tờ trình của HĐQT.
Ngoài ra, năm 2011 còn chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông quá sớm dẫn đến việc tổ chức đại hội gặp thất bại như AAA chốt quyền ngày 24/02 nhưng đến 27/05 mới triệu tập Đại hội lần đầu dẫn đến 2 lần tổ chức đều thất bại. Hay các doanh nghiệp như SAM, VKP, TAS, CAN, VTA, SHC… cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Kịch bản cũ dường như đang lập lại trong mùa ĐHĐCĐ 2012 khi hàng loạt doanh nghiệp công bố chốt danh sách cổ đông từ rất sớm, tháng 12/2011 đến tháng 1/2012, nhưng ngày tổ chức chính thức vẫn chưa xác định. Điển hình như PGS thông báo ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/12/2011 và chốt sách cổ đông vào 2 ngày sau đó, nhưng thời gian, địa điểm và nội dung chương trình đại hội thì lại… thông báo sau.
Tương tự, DSN chốt quyền vào ngày 27/12/2011 và tổ chức Đại hội vào ngày 18/02, hay như HLA chốt quyền từ 03/01/2012 và ngày 28/02 mới tổ chức Đại hội. S55 thì còn xa hơn khi thông báo chốt quyền ngày 18/01/2012 nhưng hơn 2 tháng sau mới triệu tập Đại hội vào ngày 25/03.
Trong khi đó, thị trường trước và sau Tết đã có những đợt tăng điểm mạnh là cơ hội chốt lời hoặc cắt lỗ của khá nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, và những công ty chứng khoán. Đáng chú ý hơn là vài phiên gần đây, thanh khoản tăng mạnh cho thấy lượng cổ phiếu chuyển từ tay người này sang người khác là rất lớn. Tuy nhiên, việc chốt danh sách cổ đông dự đại hội đã được doanh nghiệp thực hiện từ trước Tết.
Riêng trường hợp của SAM vừa qua, công ty đã thay đổi điều lệ để cho phép tổ chức Đại hội ngay trong lần đầu với tỷ lệ tối thiểu 51%, nhưng việc chốt quyền quá sớm (08/02) mà chưa xác định được ngày tổ chức Đại hội cũng gây khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ tham dự như dự kiến.
Trên cả hai sàn, tính đến thời điểm này đã có hàng trăm doanh nghiệp chốt sách cổ đông dự Đại hội. Do đó, kịch bản tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ 65% hay 51% là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt khi mà tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong năm vừa qua không mấy khả quan.
Viết Vinh
|