Tái cấu trúc TTCK: Đảm bảo lợi ích cổ đông, NĐT
Tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK); nghiên cứu, tính toán rút ngắn thời gian giao dịch; đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường... là những nội dung chính được Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với ĐTTC nhân dịp năm mới 2012.
Kỳ vọng vào việc quản lý, điều hành
- Thưa ông, TTCK năm qua gặp muôn vàn khó khăn thách thức. Ông có lời động viên và những giải pháp nào cho TTCK trong thời gian tới?
Cần thay đổi quan niệm đối với TTCK, không coi chứng khoán thuộc lĩnh vực phi sản xuất, từ đó có giải pháp tín dụng đối với thị trường và điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, trong đó TTCK đóng vai trò kênh dẫn vốn dài hạn của nền kinh tế, gắn kết với kênh dẫn vốn của ngân hàng.
Ông VŨ BẰNG, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) |
- Ông VŨ BẰNG: - Năm 2011, TTCK gặp nhiều khó khăn do tác động khá mạnh bởi những khó khăn trong nước và thế giới: khủng hoảng nợ châu Âu, tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển sụt giảm. Trong nước lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá, giá vàng diễn biến phức tạp…
Những bất ổn này khiến TTCK trong và ngoài nước đều sụt giảm. Chỉ số FTSE (Italia) giảm 28%, Madrid SE (Tây Ban Nha) giảm 20%, Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 21%, CAC 40 (Pháp) giảm 23%, DAX (Đức) giảm 18%, Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 17%. TTCK trong nước liên tục trồi sụt, khối lượng giao dịch giảm mạnh (khoảng 60%); huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa giảm còn khoảng 22% so với năm 2010.
Vai trò kênh dẫn vốn dài hạn của TTCK thực sự giảm sút. Số lượng công ty niêm yết thua lỗ và lợi nhuận sụt giảm tăng theo từng quý; số lượng công ty chứng khoán (CTCK) lỗ lũy kế lên đến 71 đơn vị (tính đến hết quý III-2011).
Trong năm 2012, TTCK Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế vĩ mô với những tín hiệu thuận lợi, khó khăn đan xen. Tuy nhiên, việc Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường tốt hơn.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì khoảng 6% trong năm 2011 là tín hiệu tốt cho thị trường thời gian tới. Ngoài ra, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã dần phát huy tác dụng, đạt kết quả khả quan, chỉ số lạm phát đã có dấu hiệu giảm…
Điều này giúp mặt bằng lãi suất và dòng tiền được cải thiện. Để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển bền vững, kinh tế vĩ mô vẫn là vấn đề có ảnh hưởng quyết định. Vì vậy, cần tiếp tục kiên trì chống lạm phát để giảm mặt bằng lãi suất.
Xử lý tốt vấn đề tái cấu trúc ngân hàng sẽ giúp cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo dòng tiền cho TTCK. Trong năm 2012, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ triển khai một số giải pháp chính như xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020; tái cấu trúc TTCK; xây dựng và triển khai đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; xây dựng TTCK phái sinh...
- Năm 2012-2013 được dự báo bắt đầu làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư đến thời hạn giải thể. UBCKNN sẽ làm gì để “giữ chân” dòng vốn này?
- Những năm tới là thời điểm kết thúc hoạt động của một số quỹ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các quỹ sẽ thoái vốn khỏi TTCK Việt Nam. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 183 hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở, có hiệu lực từ tháng 2-2012.
Thực ra trước khi kết thúc hoạt động, các quỹ đều có kế hoạch thoái vốn cụ thể nhằm hạn chế ảnh hưởng tới giá trị tài sản của quỹ. Một số quỹ đang tái cấu trúc danh mục và tìm hướng đầu tư mới như đầu tư qua hình thức vốn cổ phần tư nhân, qua con đường thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với việc cổ phần hóa tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn, sẽ thu hút được các quỹ đầu tư.
Nhằm thu hút các nhà đầu tư linh hoạt hơn, giúp giá của chứng chỉ quỹ phản ánh đúng giá trị tài sản ròng của quỹ, UBCKNN sẽ ban hành văn bản pháp lý cho các quỹ mới hoạt động, như quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách về thuế đối với hoạt động đầu tư của quỹ trong nước và nước ngoài sẽ được nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với tình hình mới.
Tái cấu trúc từng giai đoạn, từng mảng
- Vậy những bước đi cụ thể của UBCKNN trong năm 2012 nhằm thực hiện mục tiêu tái cấu trúc TTCK là gì?
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK và CTCK. Quan điểm của việc tái cấu trúc là thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Quá trình triển khai phải dựa trên luật pháp, kết hợp các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế là chủ yếu và được thực hiện chủ động, thận trọng, tránh gây tác động tới an toàn hệ thống, bảo đảm lợi ích cổ đông, nhà đầu tư. Quá trình tái cấu trúc phải hướng đến các mục tiêu lâu dài, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
T+2 vẫn phải chờ
Nhiều nhà đầu tư thắc mắc vì sao việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn T+2, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu gì từ phía UBCKNN. Ông Vũ Bằng cho biết: “Việc rút ngắn T+3 xuống còn T+2, UBCKNN đã có phương án trình Bộ Tài chính trong tháng 12-2011 và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để có thể triển khai trong năm 2012. Liên quan đến T+2 có mấy vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, trong điều kiện dòng tiền đang yếu, việc đầu tư công nghệ của CTCK sẽ hạn chế. Thứ hai, khó khăn trong xử lý khi thiếu hụt chứng khoán. Chẳng hạn, người mua ngày T+2 sau đó lại bán tiếp cho nhà đầu tư khác ở T+2, trong khi việc tuân thủ quy định của các CTCK còn yếu kém nên việc xử lý khi cho vay chứng khoán (có thể là bán khống) không đơn giản. Đó là những rủi ro thị trường phải đối mặt. |
Đề án UBCKNN xây dựng tập trung vào 5 mảng tái cấu trúc TTCK từ nay đến năm 2015. Thứ nhất, tái cấu trúc cơ sở hàng hóa (số lượng, chất lượng, cơ cấu) theo hướng nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết, công bố thông tin, quản trị công ty, phân định tiêu chuẩn niêm yết, xây dựng sản phẩm mới…
Thứ hai, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, trong đó phát triển nhà đầu tư tổ chức, mỗi loại sẽ có mô hình, lộ trình, thời điểm triển khai phù hợp. Thứ ba, thị trường trái phiếu (sơ cấp và thứ cấp) sẽ thực hiện việc mua lại, hoán đổi trái phiếu chính phủ, phát hành kỳ hạn dài theo kế hoạch nhằm tăng thanh khoản; xây dựng các nhà tạo lập thị trường sơ cấp, thứ cấp và kết nối giữa các nhà tạo lập thị trường.
Thứ tư, tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán, gồm CTCK và công ty quản lý quỹ. Thứ năm, tái cấu trúc Sở Giao dịch và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán theo 3 phương án: Phương án 1, sáp nhập thành 1 tổ chức và có 2 sàn. Phương án 2, thành lập dạng tập đoàn (holding company) với các công ty con. Phương án 3, chỉ có 1 sở.
Quan điểm của chúng tôi nghiêng về phương án 1 và 2. Nếu làm nhanh có thể thực hiện theo phương án 1. Hiện gói thầu 4 của chúng tôi khoảng 1 năm rưỡi nữa sẽ được thực hiện, khi đó hệ thống giao dịch sẽ như nhau và chỉ có phân định tiêu chuẩn, khu vực giao dịch. Sau khi tái cấu trúc xong mới tính đến chuyện cổ phần hóa, thu hút thêm nhà đầu tư.
- Những nguyên tắc chủ yếu trong tái cấu trúc TTCK, CTCK được UBCKNN xác định như thế nào?
- Nguyên tắc quan trọng nhất là phải dựa trên luật pháp, đồng thời phải kết hợp các giải pháp, trong đó chủ yếu là giải pháp kinh tế nhằm tránh gây tác động đến an toàn hệ thống. Trong việc tái cấu trúc CTCK, chúng tôi tập trung các vấn đề xử lý thanh khoản của CTCK nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi CTCK rút nghiệp vụ môi giới.
Sau ngày 1-4-2012, khi Thông tư 226 (hướng dẫn việc xác định các chỉ tiêu an toàn tài chính của CTCK, công ty quản lý quỹ) có hiệu lực, sẽ có sự phân loại các CTCK theo các mức cảnh báo, kiểm soát theo các tiêu chí.
Từ đó có cơ sở để giảm số lượng CTCK và có phương án phù hợp đối với từng trường hợp. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận có CTCK sẽ không còn tồn tại. Tất nhiên việc xử lý sẽ được cân nhắc kỹ để không ảnh hưởng đến khách hàng.
- Xin cảm ơn ông.
Hà My (thực hiện)
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|